Những người con đi tìm ký ức

Trăn trở đi tìm những đồng đội, những câu chuyện, kỷ vật... gắn bó với người thân một thời khói lửa. Đó là điều mà bao người con của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn luôn thao thức.
Bà Trần Thị Triệu với chiếc nón cối của cha năm xưa đang được lưu giữ tại căn nhà số 113A Đặng Dung, quận 1
Bà Trần Thị Triệu với chiếc nón cối của cha năm xưa đang được lưu giữ tại căn nhà số 113A Đặng Dung, quận 1

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Một đêm tháng 8-2018, ông Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Ở đầu máy bên kia là giọng nói trầm ấm của một người phụ nữ. Cuộc điện thoại đã mở ra ngày hạnh ngộ sau 43 năm giữa ông Trần Vũ Bình và bà Trần Thị Triệu, con gái chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Hãng (Ba Hãng).

43 năm trước, ông Trần Vũ Bình và bà Trần Thị Triệu đã từng gặp nhau khi hai người cha của họ hội ngộ sau ngày đất nước thống nhất. “Khi gặp lại cha tôi, chú Năm Lai thường nhắc cái tên Trần Vũ Bình. Bởi chú luôn hoài niệm về ngôi làng Vũ Thư, Thái Bình, nơi chú được sinh ra. Chú đặt tên con cũng là để nhắc nhớ ngày chú rời làng quê”, bà Triệu kể lại. Chính vì vậy, khi nghe nhắc đến tên Trần Vũ Bình, một linh cảm nào đó thôi thúc bà phải đi tìm vì bà tin rằng đó là người em bà đã gặp 43 năm về trước. Dù đi đâu, về đâu, câu chuyện lịch sử được người cha kể lại luôn trong tâm trí bà Triệu. Thế nên, bà luôn canh cánh một nỗi niềm là tìm lại bất cứ điều gì có liên quan đến cha, để không bao giờ lãng quên suốt chặng đường mà ông đã sống, đã cống hiến.

Trận chiến đấu nổi bật nhất của Nghiệp đoàn Long Kiểng với nhiệm vụ “Mở kho lương, phá tàu chiến” vào năm 1946 có sự tham gia của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai và Trần Văn Hãng.

“Cha tôi kể lại, khi ấy, ông cùng chú Năm Lai, chú Tư Quỳnh và 116 hội viên tràn vào mở cửa các kho lương thực số 3, số 4, số 7, hàng ngàn người dân tràn vào phân phát kho lương và cũng là để ngăn chặn bước phản công của Pháp. Sau đó, nghiệp đoàn đã cho đốt cháy các kho, lửa cháy rực đến sáng hôm sau. Trận đánh tiếp theo sau đó mấy ngày. Được tin mật báo, chiến hạm Alex của hải quân Pháp vừa cập bến Sài Gòn chở đầy vũ khí chiến tranh trong hầm tàu. Được lệnh của Xứ ủy Tiền Phong, cha tôi và đồng đội phải phá hủy cho bằng được”, bà Trần Thị Triệu chia sẻ.

Chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai, Trần Văn Hãng từ nhỏ đã thông thạo về sông nước, lại được huấn luyện thành những người nhái tinh nhuệ. Nửa đêm, hai ông và một số người nhái bơi từ sông Sài Gòn, trèo lên boong tàu phóng lửa và nhảy xuống sông bơi về. Mấy phút sau, một tiếng nổ long trời lở đất. Quân Pháp bàng hoàng, chiếc tàu bị phá hủy hoàn toàn, gây cho quân Pháp sự tổn thất nặng nề. Trận đánh năm xưa được chiến sĩ Trần Văn Hãng kể lại cho người con gái nghe cụ thể đến từng chi tiết.

Theo lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận 4, đây là chiến công lớn của quân và dân Khánh Hội. Trong tờ xác minh lịch sử hoạt động của đồng đội Trần Văn Hãng, chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai có viết: “Ông Trần Văn Hãng có hoạt động bí mật với tôi..., suốt thời kỳ từ năm 1946 đến 1950, cùng với tôi quan hệ công tác chung, đột phá các kho của địch, chứng cứ điển hình là kho 3, kho 4, kho 7 và phá hư hỏng các máy tàu, phà đậu bến cảng Lăng Tô - Khánh Hội. Thời kỳ đấu tranh học sinh Trần Văn Ơn chống can thiệp Mỹ nên tôi bị bắt… bị mất liên lạc từ đó”.

 “Khi còn sống, mỗi lần cha tôi và chú Năm Lai có dịp ngồi với nhau, hai ông thường ôn lại kỷ niệm của thời trẻ. Gặp lại con trai của chú Năm Lai, được nhìn thấy chiếc nón cối của cha được lưu giữ trong căn nhà số 113A Đặng Dung, tôi rất bồi hồi, xúc động”, bà Triệu bộc bạch.

Cái tình còn mãi

Không may mắn có nhiều thời gian được sống bên cha, ông Đỗ Chiến Thắng và ông Đỗ Việt Dân, hai người con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Đỗ Hữu Phú lại càng mong muốn biết thêm nhiều câu chuyện về cha. Bao năm mòn mỏi tìm kiếm, hy vọng mong manh đó vẫn được họ thắp lên mỗi ngày.

Trong một tài liệu do biệt động Trần Văn Lai để lại, Đỗ Hữu Phú (tức Hai Phú, Phú Râu) được nhắc đến là một đồng đội kề vai sát cánh. Khi nhận được tài liệu này, ông Bình và ông Dân không giấu được niềm xúc động. Giây phút ấy các ông đã đợi chờ từ rất lâu. Dòng ký ức dừng lại ở tuổi thơ nhọc nhằn nhưng có quá nhiều điều để nhớ. Vì công tác bí mật của cha nên gia đình ông Dân phải hơn 13 lần chuyển nhà.

Kể về cuộc đời người cha, ông Dân tâm sự: “Thú thực, những công việc cụ thể của cha ngày ấy, tôi không tường tận lắm, chỉ biết là cha hoạt động bí mật. Ông luôn dạy tôi sống hướng thiện, hết mình giúp đỡ người khác. Mỗi lần đến Đền tưởng niệm Bến Dược, thấy tên cha mình được khắc bên cạnh tên những liệt sĩ khác, tôi tự hào vô cùng về những năm tháng cha đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng”.

Ông Đỗ Việt Dân trong ngày tìm thấy được những tư liệu có liên quan đến cha của mình
Trong ký ức của ông Dân, cha thường xuyên vắng mặt ở nhà. Có dạo, nơi ở của biệt động Hai Phú và vợ con chẳng cách xa là bao, nhưng họ lại không thể gặp mặt nhau. Cha vội về rồi lại vội đi, hiếm khi cả nhà quây quần trọn vẹn một vài ngày. Đứa trẻ 12 tuổi ngày đó đã xem cha như một người hùng. Đứa trẻ ấy đã mãi mãi không còn được gặp cha trong suốt những năm dài còn lại của cuộc đời. Ông Đỗ Chiến Thắng có nhiều thời gian bên cha hơn em trai. Từ năm 1965 - 1967, ông Thắng được cha dẫn vào căn cứ Ba Thu. Chỉ một thời gian ngắn đi cùng cha, câu bé Thắng càng thêm nể trọng công việc mà cha đang làm. Năm 1970, người cha ấy hy sinh trong một trận đánh ở Củ Chi và đã không tìm được thi thể.

Ông Thắng, ông Dân chưa bao giờ biết được đôi vai của người cha dài và rộng đến mức nào. Chỉ biết, với má con họ, biên độ của đôi vai ấy là vô hạn để có thể nương tựa, sẻ chia. Thế nhưng, chiến tranh đã cướp đi đôi vai ấy của gia đình họ.

Trăn trở của không ít những người con các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã được vơi đi phần nào khi họ tìm thấy những kỷ vật, những câu chuyện có liên quan đến người thân của mình. Ở tuổi nào, họ cũng muốn được xuôi về nguồn mạch, cặm cụi với từng trang viết chỉ mong có thể con cháu ghi nhớ những câu chuyện của ông cha mình.

Có người khách khi đến quán cà phê Biệt động Sài Gòn ở số nhà 113A Đặng Dung, quận 1 của ông Trần Vũ Bình, đã kinh ngạc trước sức làm việc bền bỉ của ông và khối lượng tư liệu quý mà ông đang sở hữu. Hỏi chuyện, ông Bình bộc bạch: “Tôi muốn những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn như những thước phim sống động để thế hệ hôm nay, đặc biệt là giới trẻ phải hiểu về lịch sử. Ở mặt trận nào, hoạt động tình báo trong lòng địch hay đấu tranh công khai đều có những hiểm nguy rình rập. Chẳng thể cân đo đong đếm được bên nào ác liệt hơn, nguy hiểm hơn mà chỉ có lý tưởng, mục tiêu chung vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Câu chuyện về những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn với lớp trẻ hôm nay như một bầu trời và ô cửa rộng mở, bởi còn quá nhiều điều mà người trẻ chưa biết về họ. Những con người đã góp phần hun đúc cho thế hệ trẻ hôm nay cuộc đời, niềm tin và lẽ sống.

Tin cùng chuyên mục