Những người làm nên thủ phủ cá tra đất sen hồng

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” là câu thành ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của người xưa. Và thực tế, giá trị kinh tế con cá tra mang lại tại thủ phủ đất sen hồng Đồng Tháp đã thêm một lần nữa minh chứng cho đúc kết trên khi rất nhiều người nuôi cá đã đổi đời, trở thành tỷ phú.

Muốn giàu nuôi cá

Là người có thâm niên trong nghề nuôi cá tra, ông Nguyễn Văn Mửng (tên thường gọi Tư Mửng, 67 tuổi, ngụ TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Tuổi trẻ tui bôn ba cùng gia đình đi khắp miền Tây, miền Đông bán cá tra giống. Thời đó, chủ yếu cá tra giống thiên nhiên, cứ đến mùa lên biên giới mua lại của người đặt đáy, xong mang đi bán khắp nơi. Về sau mới tập sự lần lần. Đến nay đã ngót nghét 27 năm gắn bó với nghề nuôi cá tra”.

Ban đầu, ông Tư Mửng có khoảng 10 tấn cá nuôi bè ở xã Long Khánh, sau khi có lãi, năm 2000 ông qua Hồng Ngự mua thêm đất, mở rộng ao nuôi tại phường An Bình B, TP Hồng Ngự bây giờ. Hiện tại, ông có hơn 5ha diện tích nuôi cá, mở rộng 5 ao nuôi, trong đó 1 ao nuôi cá giống, còn lại nuôi cá tra nguyên liệu.

Những người làm nên thủ phủ cá tra đất sen hồng ảnh 1 Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: PHAN HUY

“Chung quy cũng chính nhờ con cá tra mà lo cho con cái có nền tảng ổn định. Nhưng nói nào ngay, nghề nào cũng vậy, mình có duy trì mới có thành quả, như một cái cây đến thời điểm nào đó mới trổ bông, nhưng cũng có nhiều anh em theo nghiệp thất bại vì không có kinh nghiệm. Những năm trước giá cả bấp bênh, chưa ổn định, nhưng đỉnh điểm năm 2018 giá cá tăng cao kỷ lục, người nuôi được mùa trúng đậm, phấn khởi. Vài năm trở lại đây, so với các ngành nghề khác thì người nuôi cá tra ổn định”, ông Tư Mửng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Nắm (Hai Nắm, ngụ TP Hồng Ngự) là người thành công nhất trong việc cho cá tra đẻ nhân tạo. Tuổi ngoài 70 nhưng ông đã có 60 năm am hiểu về con cá tra. Thuở nhỏ, học xong lớp 5 ông đã theo cha đi mua cá đặt đáy ở biên giới về bán lại. Mạo hiểm nhất là lúc mang 100 muôn cá (10.000 con/muôn) sang nuôi ở vùng đất phèn. Nhiều người cho rằng ông “tự sát”, vì con cá tra sẽ không sống nổi. Thế nhưng, bằng đam mê, học hỏi kỹ thuật, đúc kết kinh nghiệm, ông đã thành công trong việc nuôi con cá tra trên vùng đất phèn. Số lượng hao hụt lúc bấy giờ khá ít, thành phẩm còn lại 98 muôn cá.

Từ thành công ban đầu, ông tiếp tục cho con cá đẻ nhân tạo. Ông cho biết, từ mấy mẻ cá đầu đã giúp mua được ô tô trị giá trên 80 lượng vàng thời đó! Hiện ông Hai Nắm là người nuôi cá tra lâu năm nhất ở vùng đất Hồng Ngự, diện tích ao nuôi lớn. Bên cạnh bán cá thương phẩm, ông còn có nhà máy đông lạnh cá tra, chế biến cá tra thành phẩm xuất đi thị trường nước ngoài với công suất 80 tấn cá thương phẩm/ngày…

Gắn bó với nghề

Theo Tổng cục Thủy sản, cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nước ta. Năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỷ USD, đây là con số kỷ lục trong lịch sử của ngành hàng cá tra tính từ năm 1997 đến nay.

Tuy không phải lúc nào ngành cá tra cũng là màu hồng bởi giá lúc lên lúc xuống, bấp bênh, thăng trầm nhưng những người gắn bó lâu năm với nghề nuôi như ông Tư Mửng, ông Hai Nắm đều cố gắng bám trụ với nghề. Ông Tư Mửng bộc bạch: Có lúc một ký cá tra không bằng một ký cá chốt, trong khi giá thức ăn tăng cao, lắm lúc muốn buông nghề, nhưng nghĩ lại mình sống nhờ nó, gắn bó với nó mấy chục năm rồi, giờ buông nghề thì làm gì. Nghĩ vậy nên ráng làm, gắn bó cho tới hôm nay.

“Nghề nào cũng vậy, có lúc này lúc khác, không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng vì đam mê, gắn bó nghề hàng chục năm qua nên dù ở tuổi ngoài 70 nhưng tôi vẫn mặn mà với nghiệp cá tra lắm… Các con của tôi giờ nối nghiệp theo nghề, tiếp tục đưa con cá tra của Hồng Ngự vươn ra biển lớn”, ông Hai Nắm tâm tình.

Những người làm nên thủ phủ cá tra đất sen hồng ảnh 2 Lễ hội cá tra sẽ diễn ra tại Hồng Ngự, Đồng Tháp trong 2 ngày 16 và 17-12

Có lẽ với niềm tin và sự gắn bó của những người như ông mà hiện sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến tháng 10-2022, giá trị xuất khẩu đã vượt mốc 2,1 tỷ USD - là sản phẩm thủy sản chủ lực trong chương trình sản phẩm quốc gia. Cuối năm 2020, diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 2.300 ha, sản lượng hơn 451.000 tấn.

Trong đó, khu vực TP Hồng Ngự là một trong những cái nôi hình thành và gắn liền với lịch sử phát triển ngành cá tra của ĐBSCL nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên khoảng 2.450ha, với sản lượng 555.000 tấn, doanh thu đạt hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.

Lễ hội cá tra lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) với chủ đề “Vươn ra biển lớn” sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-12. Trong chương trình sẽ có các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra... Đặc biệt, chiều 17-12 sẽ diễn ra hội thi ẩm thực cá tra với 70-80 món ăn được chế biến từ cá tra.

Tin cùng chuyên mục