Những người mang sứ mệnh cao quý (*)

Kỷ niệm 30 năm Hội Nhà văn TPHCM
Những người mang sứ mệnh cao quý (*)
 

Văn học có vị trí quan trọng hàng đầu trong các ngành sáng tạo nghệ thuật vì ngôn ngữ văn học là một trong những chất liệu thiết yếu để xây dựng nền móng cho các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, múa, ca khúc âm nhạc và hệ thống lý luận phê bình của  tất cả các loại hình nghệ thuật. Văn học cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong giai đoạn mở cửa hội nhập hiện nay, cùng với sự giao thoa tiếp biến văn hóa và văn học nghệ thuật (VHNT), các nhà văn của chúng ta có nhiều cơ hội tiếp thu những cái hay, cái đẹp, tinh hoa của các nền văn chương nhân loại để phát huy sáng tạo. Nhiều khuynh hướng sáng tác mới được các nhà văn tìm tòi, thể nghiệm đã góp phần làm cho đời sống văn học của TP và đất nước trở nên phong phú, sinh động hơn.Tuy nhiên, mặt trái của hiện trạng văn học cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta phải thừa nhận rằng trong các nhà sách của TP hiện nay đang xuất hiện khá nhiều tác phẩm văn học yếu kém cả về tư tưởng, nghệ thuật và về thẩm mỹ, giáo dục.

Bên cạnh nhiều tác phẩm văn học được sáng tác dễ dãi, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận độc giả vì mục đích lợi nhuận, thì cũng có không ít tác phẩm đi vào những khuynh hướng sáng tác lai căng, xa lạ với bản sắc văn hóa dân tộc. Việc khai thác quá nhiều các đề tài vụn vặt, tầm thường hoặc khai thác đề tài về các hiện tượng xã hội cá biệt nhằm gây sốc, tạo sự tò mò của một bộ phận độc giả, nhất là độc giả trẻ là rất đáng lo ngại.

Hiện trạng đó đang làm xấu đi đời sống văn học của TP, gây tác hại không nhỏ đến việc xây dựng nhân cách con người và quá trình xây dựng phát triển đi lên của đất nước. Trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao hạn chế được các loại tác phẩm văn học yếu kém, lệch lạc. Làm sao để ngày càng có nhiều tác phẩm hay có giá trị văn học đích thực chiếm lĩnh văn đàn, góp phần đẩy lùi những tác phẩm mang giá trị ảo của “thị trường văn chương”. Muốn được như vậy, trước hết cần phải phát huy trách nhiệm công dân của những người cầm bút chân chính. Bởi không ai khác, chính các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học là những người mang sứ mệnh cao quý là “thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra nhiệm vụ “phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội”. Trong những năm tới, cả dân tộc tập trung sức đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Đó chính là không gian rộng mở cho những đề tài văn học nghệ thuật. Đồng thời là nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo của các nhà văn.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần được xem là dòng sáng tác chủ đạo của các nhà văn TP chúng ta. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – di sản tinh thần vô giá của dân tộc, chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn cho mọi tầng lớp nhân dân phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Để phát huy tốt thành quả tích cực trong 30 năm qua và góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển văn hóa của TPHCM trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hội Nhà văn TPHCM (HNVTP) cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tạo không khí sáng tác sôi nổi, lành mạnh, quan tâm hỗ trợ hội viên thông qua các hoạt động đầu tư sáng tác, tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên, khuyến khích thúc đẩy những khuynh hướng tìm tòi sáng tạo mới, tích cực, tiến bộ.

HNVTP cần quan tâm đến đội ngũ viết văn trẻ, có kế hoạch bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, về truyền thống yêu nước, nhân văn của văn học Việt Nam, góp phần định hướng sáng tác cho lực lượng trẻ để kế thừa xứng đáng sự nghiệp văn học của những thế hệ đi trước. Hội cũng cần quan tâm chăm lo các nhà văn lão thành, các hội viên gặp khó khăn, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa hội viên và tổ chức hội để góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh đó, có một hoạt động cũng rất quan trọng là công tác quảng bá tác phẩm. Trong cơ chế thị trường, tác phẩm VHNT là loại hàng hóa đặc biệt nhưng nếu tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao không được quảng bá tốt để định hướng cho công chúng tìm đọc sẽ làm hạn chế hiệu quả và giá trị sử dụng của tác phẩm. Hội cần chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tổ chức giới thiệu tác phẩm của hội viên, thực hiện các buổi tọa đàm để phân tích, giới thiệu các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa là để động viên, định hướng sáng tác cho các nhà văn.

Với bề dày truyền thống và những thành tựu đạt được của đội ngũ viết văn TP, tôi tin rằng HNVTP sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh trong những năm tiếp theo, các nhà văn sẽ có nhiều tác phẩm văn học hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao xứng tầm với một TP năng động, phát triển, TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

-----------------------

(*) Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Đua tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà văn TPHCM. Đầu đề do Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua,
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Kỷ niệm 30 năm Hội Nhà văn TPHCM

Sáng 15-12, tại Nhà hát Bến Thành đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Nhà văn TPHCM (HNVTP). Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cùng đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình từ các thế hệ lão thành đến những cây bút trẻ mới vào nghiệp viết văn.

Được thành lập vào cuối năm 1981 với hơn 100 hội viên, đến nay, HNVTP có trên 400 hội viên sinh hoạt thường xuyên trong đó có 150 người là hội viên HNV Việt Nam. Đội ngũ sáng tác của HNVTP được đánh giá là đa dạng nhất cả nước bao gồm nhiều thế hệ như trước Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ, các cây bút sau ngày thống nhất đất nước và thế hệ nhà văn trẻ trưởng thành trong thời kỳ đổi mới.

Nhiều hội viên đã đóng góp quan trọng vào đời sống văn học cả nước, đoạt nhiều giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh có Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Khải; Giải thưởng Nhà nước có Bảo Định Giang, Viễn Phương, Trần Bạch Đằng, Thu Bồn, Vũ Hạnh, Lê Anh Xuân, Lê Văn Thảo… Giải thưởng Văn học ASEAN có Trần Văn Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh… Giải thưởng Văn học Mekong có Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Quốc Trung…

T.Vy

Tin cùng chuyên mục