40 năm văn nghệ Việt Nam
Nhìn lại những thành tựu và tìm giải pháp căn cơ để văn học nghệ thuật nước nhà phát triển trong giai đoạn mới, vững vàng hội nhập với khu vực và thế giới là những vấn đề đặt ra tại Hội thảo khoa học “40 năm văn nghệ Việt Nam - Đổi mới và hội nhập” do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh
Nói đến văn học cách mạng miền Nam thời chống Mỹ (1955 - 1975) không thể không nói đến vai trò của Hội Văn nghệ Giải phóng. Tiếp nối các phong trào kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955, phong trào chống Mỹ đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực: từ chính trị, kinh tế, quân sự đến văn hóa, xã hội khiến địch tổn thất nặng nề. Đảng chủ trương thành lập mặt trận rộng rãi, quy tụ lực lượng yêu nước và cách mạng; công khai và bí mật ở cả 3 vùng chiến lược là TP, đồng bằng và miền núi. Hội Văn nghệ Giải phóng ra đời trong hoàn cảnh ấy. “Hoạt động của hội nhanh chóng đi vào nề nếp, trở thành một đầu mối hết sức thuận lợi, lực lượng hội viên phát triển mạnh, Tạp chí Văn nghệ giải phóng được duy trì và nâng chất, truyền lửa đấu tranh đến đồng bào, đồng chí, làm tròn nhiệm vụ lịch sử cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”, nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng chia sẻ.
Văn nghệ sĩ tham quan, chụp ảnh lưu niệm nơi làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: LÊ MINH
Văn học nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào miền Nam. Đó là những buổi học sinh, sinh viên trình diễn những bài thơ của Bác Hồ, của Tố Hữu ngay trong vòng vây của cảnh sát; đó là những bài hát Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn đã thắp lửa, trở thành tiếng gọi thiêng liêng với hàng triệu thanh niên trên khắp miền Nam. Những bài thơ cách mạng, kháng chiến được phổ biến ngay trong tù và gấp trong các quyển sách tiếng Anh, chuyền tay nhau trong thư viện Việt Mỹ ở Sài Gòn... Văn nghệ yêu nước và cách mạng trở nên mạnh mẽ, lớn lao biết bao khi đã đi sâu vào lòng người.
Bên cạnh văn học, âm nhạc cách mạng cũng góp phần không nhỏ trong cuộc sống và chiến đấu, làm nên sức mạnh của quân dân ta qua hai cuộc kháng chiến. Có những bài hát đã trở thành những mốc son của lịch sử như Tiến về Hà Nội của Văn Cao, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước, Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà…
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhìn nhận: “Ngoài tác phẩm của các tác giả đã định hình, không ít họa sĩ trẻ năng động, thể hiện khá ấn tượng truyền thống và hiện đại, tư duy, biểu đạt mang phong cách quốc tế của thời đại công nghiệp, tạo cho gương mặt mỹ thuật Việt Nam đa dạng trong ngôn ngữ biểu hiện, làm phong phú thêm các hình thức sáng tạo, đem lại cách nhìn mới, cảm hứng mới cho người thưởng thức, làm giàu cho kho tàng nghệ thuật tạo hình Việt Nam”. Còn với các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài là nâng cao nhận thức chính trị, giỏi nghề để có nhiều tác phẩm có giá trị, theo như chia sẻ của nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tìm hạt nhân tiêu biểu
Tiếp nối thế hệ nhạc sĩ cách mạng, một thế hệ mới những nhạc sĩ trưởng thành sau năm 1975 đã tạo sự khởi sắc cho nền âm nhạc Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, câu chuyện trăn trở với nhạc Việt là có thật. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam tâm tư: “Ngày càng có nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc trên truyền hình. Ca sĩ nổi lên nhờ sự quảng bá của chương trình và chiêu trò hơn là vì tài năng thực sự. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến nhiều đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc bị lệch chuẩn”.
Một thực trạng đáng quan tâm không kém là ở lĩnh vực điện ảnh. Nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Minh Tuấn, Hội Điện ảnh Việt Nam, nêu vấn đề: “Có lẽ hiếm đất nước nào trên thế giới lại có nhiều mỏ vàng để nhà làm phim khai thác như ở Việt Nam. Chúng ta có lịch sử của 1.000 năm chống phong kiến phương Bắc, 100 năm chống thực dân Pháp, hàng chục năm chống đế quốc Mỹ và cả thời hậu chiến với bao buồn vui xen lẫn. Nhưng thực tế hiện nay, rất ít người có nhu cầu và khả năng viết về chiến tranh. Từ khi có internet, nhu cầu viết và đọc giảm sút, tình trạng ít viết và lười đọc là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không có nhiều tác phẩm được công chúng chú ý”. Thái độ của các nhà làm phim đối với nghề nghiệp cũng chưa chuyên nghiệp, phần lớn do nghệ sĩ phải chạy đua mưu sinh trong kinh tế thị trường. Nhiều nhà làm phim Hàn Quốc, Nhật Bản đã vô cùng ngạc nhiên khi nhà làm phim Việt chỉ quay 1 tập phim chưa đến 2 ngày, trong khi họ phải mất hơn cả tuần…
Trong vô vàn những khó khăn thời hậu chiến, văn học nghệ thuật vẫn tìm cách phát triển. Để VHNT khẳng định vị thế và tự tin hội nhập thế giới có lẽ vẫn cần những chính sách dài hơi và đột phá hơn nữa. “Phong trào nhưng phải có hạt nhân tiêu biểu, quan tâm đầu tư nhưng phải có chiến lược, có điểm nhấn. Chất lượng và hiệu quả phải là mục đích hàng đầu của văn học nghệ thuật”, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đúc kết.
MINH AN