Nghệ sĩ ưu tú Tú Lệ

Niềm vui được cống hiến

Niềm vui được cống hiến

Mặc dù năm nay tuổi đã ngoài 60, nhưng NSƯT Tú Lệ luôn sẵn sàng tham gia đi diễn ở các trường cai nghiện và diễn rất khỏe. Chị còn khỏe hơn nhiều nghệ sĩ trẻ, ngồi xe cả trăm cây số đi diễn phục vụ mà vẫn luôn tươi cười, vui vẻ…

Niềm vui được cống hiến ảnh 1

NSƯT Tú Lệ (phải) và NSƯT Văn Thành trong vở kịch “Đồng hồ chuông điện Kremli”, năm 1970.

Khi nhắc đến NSƯT Tú Lệ, nhiều người không chỉ mến mộ chị bởi cách sống giản dị, hòa đồng, vui vẻ với bao anh em đồng nghiệp mà còn ở lòng say mê nghệ thuật.

Tình yêu chị dành cho nghệ thuật sân khấu luôn nồng ấm, luôn tìm tòi, sáng tạo và tích cực tập luyện cho những vai diễn mới. Gần đây, sau thành công với vai bà mẹ nửa điên nửa tỉnh vì bị mất con trong vở “Hoa biển”, NSƯT Tú Lệ đã tập, diễn lại vai diễn bà mẹ hiền lành trong vở “Hợp đồng hôn nhân” trên sàn diễn của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, được khán giả rất thích.

Nhưng để có được những tình cảm của công chúng dành cho mình đến hôm nay, NSƯT Tú Lệ đã trải qua một chặng đường khá dài, dấn thân theo nghệ thuật đong đầy những kỷ niệm. “Sau khi thoát ly gia đình, tôi đi học tại trường công học ở Bạc Liêu và mỗi lần nghỉ hè, nhờ có chút năng khiếu ca, múa tôi đi diễn cho đồng bào người Hoa xem và tình cờ chú Ngọc Bạch ở Đoàn Văn công Nam bộ đi tuyển chọn 3, 4 diễn viên, thế là tôi được chọn, cùng anh em của đoàn tập kết ra Bắc…

Cũng từ lúc ấy, tôi bắt đầu học tiếng Việt…” – NSƯT Tú Lệ cho biết cái duyên của chị đến với sân khấu từ đấy. Sau khi vào Đoàn Văn công Nam bộ, chị được nghệ sĩ Phan Vũ mời đóng vai đầu tiên là bạn của anh hùng Lê Văn Tám. Không chỉ đóng kịch, chị còn học hát cải lương và được nghệ sĩ Tám Danh, Chi Lăng mời đóng vai Võ Thị Sáu trong vở “Người con gái đất đỏ” (tác giả Ngọc Truyền) và vai diễn này đã mang về cho chị chiếc huy chương vàng trong một cuộc liên hoan nghệ thuật vào năm 1961.

Những năm tháng ấy, vở diễn “Người con gái đất đỏ” (có sự tham gia của các nghệ sĩ: Phi Điểu, Công Thành, Tấn Đạt, Lê Thiện…) được đưa đi biểu diễn rất nhiều nơi và khá thành công. Những tưởng từ ấy, chị sẽ theo nghiệp hát cải lương, nhưng rồi dường như duyên số đã gắn kết chị với kịch nói. Từ năm 1963, chị chuyển hẳn về Đoàn Kịch nói Nam bộ với các vở vang bóng một thời như: “Đứng gác dưới ánh đèn nê ông”, “Hòn đảo thần vệ nữ”, “Đồng hồ chuông điện Kremli”...

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chị về Sài Gòn hoạt động ở Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang. Và đến năm 1989, chị “đầu quân” cho Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, tham gia khá nhiều vở diễn hay như: “Giải độc đắc”, “Tiếng giày đêm”, “Ngôi nhà không đàn ông”, “Ngôi nhà của chúng ta”, “Thả mồi bắt bóng”…

Những năm gần đây, sân khấu thành phố có nhiều biến đổi, các nghệ sĩ phải bươn chải kiếm sống, nhưng “máu” đi biểu diễn phục vụ trong NSƯT Tú Lệ vẫn như ngày nào. Khi Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ thực hiện vở “Về đời”, đi biểu diễn phục vụ các học viên đang cai nghiện tại các trường, trại, NSƯT Tú Lệ hăng hái tham gia. Chị tâm sự: “Có lần đến Đắc Lắc biểu diễn vở “Về đời”, tôi diễn vai bà mẹ có con lầm lỡ nghiện ngập ma túy… và được các học viên xem rất quý. Sau giờ diễn, có nhiều học viên đến ngồi cạnh bảo, con thấy cô, con nhớ mẹ con quá…”.

Chính những điều ấy như thôi thúc NSƯT Tú Lệ liên tục đi diễn phục vụ… và với chị, được đứng trên sân khấu là hạnh phúc, phải có trách nhiệm đưa hạnh phúc đến phục vụ nhiều người. “Đó là lẽ sống ở đời!” – NSƯT Tú Lệ nghĩ vậy. Chị đi diễn phục vụ nhiều nơi, từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh (và cả trong thời bình), vậy chắc có nhiều kỷ niệm đến giờ chị vẫn không quên? - “Những năm tháng ở miền Bắc, tôi, anh Văn Thành và nhiều anh em nghệ sĩ đi Trường Sơn biểu diễn, tôi nhớ và rất thương bộ đội. Hôm nay diễn điểm này, ngày mai vừa đi điểm khác, là nghe bộ đội mình vừa bị bom và hy sinh hết. Thấy cuộc sống sao mà ngắn ngủi quá…

Có một hình ảnh mà tôi cứ nhớ mãi, những năm tháng chiến tranh ác liệt, có những điểm bộ đội đóng quân, không có một bóng dáng của phụ nữ, các anh lại lấy những chiếc áo phụ nữ treo lủng lẳng như muốn tìm lại hơi ấm của những bà mẹ, người vợ, người yêu, em gái của mình…” – NSƯT Tú Lệ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa, nhớ những đồng nghiệp và người bạn đời – NSƯT Văn Thành - đã cùng chị vượt bao khó khăn gian khổ mang lời ca, tiếng hát và vở diễn đi phục vụ khắp mọi miền đất nước.

Chuỗi ngày đầy ắp kỷ niệm ấy vẫn luôn đọng lại mãi trong tâm trí của chị, người nghệ sĩ cách mạng đã cống hiến trọn tài năng và thanh sắc của mình cho đất nước… 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục