Nỗ lực lan tỏa hàng Việt

Ở khu vực ĐBSCL, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp cũng như sự tin tưởng của người dân, hàng Việt đã lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp tự tin làm chủ trên “sân nhà”.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ trên 90% trong các siêu thị Co.opmart
Hàng Việt chiếm tỷ lệ trên 90% trong các siêu thị Co.opmart

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các tỉnh khu vực ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2023, chính quyền các cấp, các ngành và doanh nghiệp ở các địa phương này đã chủ động thực hiện nhiều cách làm nhằm đưa hàng Việt lan tỏa sâu rộng tới người tiêu dùng.

Chẳng hạn tại TP Cần Thơ, công tác triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chính vì vậy, TP Cần Thơ đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển ổn định, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam… Từ đó đã tạo bước chuyển tích cực, nâng tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90% tại các hệ thống phân phối, góp phần lan tỏa xu hướng tiêu dùng sản phẩm mang thương hiệu Việt đến người dân thành phố.

Tương tự, ở tỉnh Long An, địa phương cũng chú trọng thực hiện nhiều hình thức để tăng độ phủ cho hàng Việt như chọn và xây dựng điểm bán hàng Việt tại các khu phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt một cách bền vững.

Theo Sở Công thương Long An, các sản phẩm được bày bán tại điểm bán hàng Việt là hàng hóa được sản xuất 100% trong nước, bảo đảm các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng Việt cũng được các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện nhằm tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu các sản phẩm hàng Việt, giúp hàng Việt từng bước tiếp cận được người tiêu dùng. Từng cấp, từng ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể triển khai cuộc vận động nên đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đại bộ phận người dân ở Cà Mau được nâng lên; doanh nghiệp quan tâm phát triển thị trường tại địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; tích cực tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động trên phạm vi toàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất. Nổi bật nhất là Cà Mau đã nhân rộng được 105 mô hình “Tự hào dùng hàng Việt” do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận ấp, khóm chủ trì xây dựng…

Tiêu biểu có thể kể đến mô hình “Tuyến dân cư tự hào hàng Việt” được Ủy ban MTTQ phường 4, TP Cà Mau khởi xướng từ năm 2019. Đến nay, mô hình đã thành lập được 5 “Tuyến dân cư tự hào hàng Việt” trên địa bàn 5 khóm, với trên 120 hộ dân tham gia. Với mô hình này, Ủy ban MTTQ phường tiến hành khảo sát trong các khu dân cư, sau đó thông qua chi ủy, chi bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, mời bà con đóng góp ý kiến, cuối cùng là ký cam kết với hộ dân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt gia đình.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các địa phương, tham gia cuộc vận động này, các doanh nghiệp bán lẻ đã liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, đưa các sản phẩm Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng… Điển hình là hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op, ngay từ những ngày đầu thành lập đã quyết định lựa chọn con đường là siêu thị kinh doanh hàng Việt, là nhà phân phối thuần Việt. Do vậy, nhà bán lẻ này luôn ưu tiên quầy kệ và có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trong nước được bày bán sản phẩm để tiếp cận người tiêu dùng. Hàng năm, Co.opmart thực hiện chương trình Tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” với sự tham gia của hàng trăm nhà cung cấp. Nhờ đó tỷ lệ hàng Việt tại siêu thị này luôn đạt trên 90%, trải rộng hầu hết các ngành hàng với đa dạng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, ngày càng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Với những kết quả trong nửa đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các tỉnh ĐBSCL cho biết, 6 tháng cuối năm 2023, ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới và Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với cuộc vận động. Song song đó, hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và tăng cường các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội chợ triển lãm thương mại; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Tin cùng chuyên mục