Nông nghiệp hữu cơ: Cơ hội của nông nghiệp Việt

Những năm gần đây, sản phẩm hữu cơ phát triển với tốc độ rất nhanh. Từ chỗ đơn lẻ ở một số nước, nay có trên 170 nước đã phát triển sản phẩm này với tổng giá trị thương mại vào khoảng 81 tỷ USD (trong năm 2015).
Thương hiệu Gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op
Thương hiệu Gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op
Phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Mức tiêu thụ cao

Theo Bộ Công thương, hiện lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân đầu người tăng 17%/năm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, lượng tiêu thụ thực phẩm dự kiến tăng ở mức 18,6%/năm. Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề ngày càng được người dân quan tâm thì thực phẩm hữu cơ xuất hiện đúng lúc và theo tiêu chuẩn của châu Âu hoặc tại một số nước phát triển, thực phẩm hữu cơ là sản phẩm “hoàn toàn thiên nhiên”.

Tại Việt Nam, tuy chưa có bộ tiêu chuẩn riêng dành cho sản phẩm hữu cơ, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) nhanh nhạy nắm bắt và chuyển sang xu hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu. Những loại mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, nông sản là sản phẩm được ưu tiên tập trung sản xuất. Những sản phẩm này, ngoài việc có mức tiêu thụ cao trong nước, còn gia tăng nhu cầu về sản lượng nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới, nhất là tại hơn 50 quốc gia mà Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại. 

Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TPHCM, có nhiều cửa hàng đã trưng biển hoặc công khai dán nhãn mác gạo hữu cơ, rau củ quả hữu cơ, các loại thủy sản hữu cơ… Theo ghi nhận của phóng viên, giá các mặt hàng này thường cao hơn gấp đôi so với giá bán các sản phẩm thông thường cùng loại. Mới đây, Saigon Co.op cũng chính thức đưa 4 nhóm hàng hữu cơ (đạt tiêu chuẩn Mỹ - USDA và châu Âu - EU) mang thương hiệu Co.op Organic như gạo, dưa leo, cà chua, cải ngọt, cá basa, tôm sú… bày bán ở 7 siêu thị lớn tại TPHCM.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết để có được những sản phẩm Co.op Organic đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, Saigon Co.op đã dày công đầu tư “chuẩn” từ đầu vào tới đầu ra. Chỉ riêng đất đã phải được phơi, xử lý gần 3 năm mới bắt đầu canh tác mẻ rau đầu tiên, khi phân tích đất không có kim loại nặng, không vi sinh vật gây hại mới được trồng.

Cần bộ tiêu chuẩn chung

Bà Võ Ngân Giang, phụ trách chương trình FAO-ECATAD thực phẩm an toàn, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho rằng 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, sản xuất quy mô khiêm tốn. Trong khi, Việt Nam có nền nông nghiệp mạnh. Do vậy, việc phát triển sản phẩm hữu cơ là xu hướng đúng đắn, tận dụng lợi thế vốn có của Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển thực phẩm an toàn ở Mộc Châu (Sơn La) và Lâm Đồng cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển sản phẩm hữu cơ có giá trị gia tăng cao. 

Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ nông dân cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch ngay từ đầu vào, kết hợp với đầu tư thương hiệu cho sản phẩm thông qua nhãn hiệu, bao bì. 

Theo ông André Leu, Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế, Chính phủ Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó sẽ giúp sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được chấp nhận rộng rãi ở thị trường các nước. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn chung quy định về các sản phẩm hữu cơ, sẽ giúp các DN có cơ sở tham chiếu để thực hiện; giảm được chi phí trong việc cấp giấy chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cùng với các chính sách ưu đãi dành cho những DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, bản thân các DN cũng phải chủ động giám sát quá trình sản xuất của các hộ nông dân; hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống cho người sản xuất; tăng cường quảng bá các sản phẩm của mình ra thị trường… Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất, kết nối với hệ thống phân phối để sản xuất nông sản hữu cơ; từng bước thiết lập thị trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm organic, mà ở đó người tiêu dùng phải được nhận diện rõ và ưu tiên tiêu dùng loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe của mình.
 Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện cả nước có 30/63 tỉnh thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với khoảng 60 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre có trên 3.000ha trồng dừa; Ninh Thuận 448ha trồng nho, táo, rau (riêng nho có 284ha). Một số DN sản xuất nông sản hữu cơ trong nước như Organic Đà Lạt, Ecolink, Vinamilk... đã được các tổ chức quốc tế toàn cầu có uy tín chứng nhận thực phẩm đạt tiêu chuẩn organic theo quy định của nhiều nước, nhất là Mỹ và các nước thuộc EU.

Tin cùng chuyên mục