NSND Lê Tiến Thọ: Cần giải pháp cụ thể về quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn

Ngày 14-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị triển khai quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, lo ngại liệu bản quy hoạch này có tiếp cận được với thực tế cuộc sống hay chỉ “nằm trên giấy”?
NSND Lê Tiến Thọ: Cần giải pháp cụ thể về quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn

Ngày 14-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị triển khai quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, lo ngại liệu bản quy hoạch này có tiếp cận được với thực tế cuộc sống hay chỉ “nằm trên giấy”?

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông đâu là điểm mới của quy hoạch này so với trước?

* NSND LÊ TIẾN THỌ:
Trong quy hoạch lần này có một số điểm mới, đó là chúng ta đánh giá được những mảng phát triển tại các khu vực, các vùng miền. Theo tôi biết lần trước, những khu vực chưa được chú ý. Tuy nhiên ở quy hoạch lần này, tôi thấy có một số vấn đề mà Bộ VH-TT-DL cần phải phối hợp với các bộ, ban, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, quy hoạch lại chưa đưa ra được thời gian cũng như các giải pháp thực hiện. Một số đề án có mốc thời gian thì lại chưa hợp lý.

* Cụ thể ở đề án nào, thưa ông?

* Ví dụ thời gian để xây dựng đề án cơ chế đãi ngộ với văn nghệ có nhiều thành tích và giải thưởng cao trong nước và quốc tế kéo dài quá lâu từ 2015 đến 2018. So với nhiều nghề thì 4 năm để xây dựng đề án là không dài nhưng so với đặc thù làm nghệ thuật của các nghệ sĩ thì như vậy là quá lâu. Tương tự với đề án hỗ trợ ngân sách sáng tác, những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao cũng với thời gian 2017 đến 2019. Vậy là mất gần 5 năm mới có đề án. Ở đây tôi nói đến cơ chế chính sách được xây dựng với thời gian dài như vậy và cho đến khi thực hiện cũng lại gặp khó khăn và không hề đơn giản.

* Quy hoạch đầu tiên được xây dựng trong gần 10 năm nhưng khi thực hiện chỉ trong vòng 3 năm, vì thế gần như chưa triển khai được công việc cụ thể nào. Nay với sự ra đời của bản quy hoạch mới ngành NTBD cũng chỉ còn 5 năm để xây dựng các văn bản pháp quy. Điều đó có khả thi không, thưa ông?

* Hiện nay chúng ta còn 5 năm, trong khi bây giờ chúng ta sẽ xây dựng Luật NTBD và đến năm 2017 mới bắt đầu triển khai. Tôi e rằng như vậy Luật NTBD sẽ không đi vào đời sống được bởi sự phát triển như vũ bão của ngành này. Những văn bản quản lý nhà nước dù là thông tư, nghị định, luật... cũng cần phải đi trước một bước, nếu không chúng ta rơi vào trạng thái luật chạy theo đời sống, giống như kiểu luôn luôn chạy theo cái bóng của chính mình. Luật sẽ không đi vào đời sống, thậm chí tôi còn nói hơi quá là những quy hoạch của Chính phủ không cẩn thận nó chỉ nằm trên giấy. Bởi NTBD của chúng ta vốn đa dạng và phức tạp, nhiều ngành, nhiều đặc thù khác nhau. Những văn bản pháp quy cần phải được đẩy nhanh khi xây dựng đề án này.

* Trong quy hoạch có đưa ra mục tiêu đào tạo đội ngũ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn và đội ngũ kỹ thuật viên, các nhà lý luận, quản lý... có trình độ chuyên môn tầm khu vực và châu Á. Ông có cho đây là một mục tiêu “không tưởng”?

* Tôi không nghĩ là vậy. Mọi quy hoạch đều phải cụ thể hóa. Nếu là kỹ thuật thì vươn tới hội nhập, còn với các loại hình nghệ thuật lấy tiêu chí gì để nói rằng vươn tới sự hội nhập, để so sánh là tầm khu vực và châu Á? Trong khi các loại hình nghệ thuật truyền thống thì lại luôn chú trọng việc gìn giữ bản sắc. Nên nói rõ hơn về mặt công nghiệp hóa công nghệ biểu diễn, kỹ thuật, quản lý... Bên cạnh đó, trong việc triển khai quy hoạch cũng cần chỉ rõ số các đơn vị nghệ thuật từ nay đến 2020 sẽ là xã hội hóa, đơn vị nào tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ, hỗ trợ theo hình thức nào, cơ sở vật chất được đầu tư đến đâu, để họ còn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển.

* Câu chuyện về các nhà hát nhưng lại không có nhà để hát dường như vẫn là một trong những vấn đề tránh được đề cập trong quy hoạch này?

* Trong bản quy hoạch có nhắc đến vẫn tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 88 ngày 9-1-2013 quy hoạch nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa như: rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2012-2020. Theo đó, sẽ có 71 rạp hát được xây dựng, cải tạo... nhưng đến nay điều này có đi vào đời sống không?

Quy hoạch và phát triển NTBD từ nay đến 2020-2030 là điều chúng ta sẽ chờ đợi, nhưng nếu chúng ta không có giải pháp cụ thể thì tôi tin rằng, chỉ 5 năm nữa chúng ta lại triển khai một quy hoạch khác. Đây là một số ý kiến mà tôi mong muốn đơn vị chủ quản Bộ VH-TT-DL phải có nhiều lộ trình cùng Chính phủ mời các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai công việc quy hoạch. Có như vậy thì mới hy vọng quy hoạch sẽ thực sự tác động đến đời sống NTBD nước nhà.

* Xin cảm ơn ông!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục