Triển lãm của Hội Nữ họa sĩ quốc tế INWAAC (International Women Artists Council) sắp diễn ra tại TPHCM (từ 21-6 đến 27-6) sẽ là sự kiện đáng chú ý trong giới mỹ thuật, với tên gọi “Sự hiện diện của nữ họa sĩ trong sắc màu” lần X – 2012 (HPIC - Her presence in colours).
Kết nối nghệ thuật
Hội Nữ họa sĩ quốc tế INWAAC ra đời năm 1999, ở Bangkok, Thái Lan. Đây là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động mỹ thuật theo sự đóng góp tự nguyện của các thành viên tham dự. Với vai trò sáng lập viên kiêm chủ tịch điều hành, tiến sĩ nghệ thuật học - họa sĩ Yuen Chee Ling, người Malaysia, đã tích cực mở rộng và kết nối các chi nhánh Hội Nữ họa sĩ quốc tế đến các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Việt Nam… Mục tiêu chung: nhằm tạo sự gặp gỡ giữa các nữ họa sĩ trên thế giới, thuộc các nền văn hóa khác nhau, cùng chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống; thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh mới về sự phát triển văn hóa toàn cầu và hợp tác quốc tế.
Họa sĩ Nguyễn Thị Quang Vinh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là người đầu tiên được mời tham dự triển lãm quốc tế nữ họa sĩ ở Australia, năm 2004 và được đề cử vào vai trò chủ tịch của Hội Nữ họa sĩ quốc tế - Việt Nam. Tại buổi họp ở Hội Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Quang Vinh cho biết từ những cuộc triển lãm và hội thảo quốc tế cho thấy nhiều góc nhìn mới, lạ của các nữ họa sĩ qua thế giới sắc màu. Âm vang tiếng nói chung của họ vẫn là một tính nữ dịu dàng, nhân hậu; là quan niệm về tình yêu, hạnh phúc gia đình; tình yêu thiên nhiên; tinh thần yêu chuộng hòa bình và ý thức vai trò mới của người phụ nữ trong thời đại mới v.v… Chất liệu truyền thống trong tranh lụa, tranh sơn mài…, liệu sẽ thay đổi thích ứng trong nghệ thuật hiện đại hay không, cũng là những vấn đề luôn được các nhà nghệ thuật quan tâm, trao đổi kinh nghiệm.
Gam màu Việt Nam đẹp
Họa sĩ Đặng Thị Dương, đồng chủ tịch điều hành triển lãm mỹ thuật quốc tế nữ họa sĩ năm 2012, cho biết “Sự hiện diện của nữ họa sĩ trong màu sắc lần X” được tổ chức lần đầu tiên ở TPHCM thu hút khoảng 212 nữ họa sĩ, điêu khắc gia, tiến sĩ nghệ thuật, giảng viên đại học đến từ các trường Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật của 23 nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Năm nay, chủ đề chính của triển lãm có tên “Một hướng mới” (A new direction). Tinh thần này được coi là hướng mới thể hiện nhận thức, tầm nhìn, góc nhìn nghệ thuật của các nữ họa sĩ về nền văn hóa toàn cầu; về cái đẹp của sự trắc ẩn và lòng nhân đạo; những đối mặt của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường; mối quan tâm của họ về xã hội…
Song song với những hoạt động nghề nghiệp, giao lưu mỹ thuật, các nhà tổ chức tin tưởng đây cũng là cơ hội để chủ nhà giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam: từ thắng cảnh thiên nhiên đến các địa chỉ văn hóa, làng nghề truyền thống. “Cần tạo môi trường thân thiện, tổ chức các hoạt động văn hóa có chiều sâu”, một thành viên trong ban tổ chức hy vọng qua sự kiện nghệ thuật lần này, sẽ tạo được ấn tượng đối với bạn bè về “một gam màu Việt Nam” mới, đẹp, thu hút.
| |
Kim Ửng