Ở nơi khôi phục nhân tâm

Sau mỗi số phận
Ở nơi khôi phục nhân tâm

Nếu để ý, khách du xuân và đi lễ chùa trong những ngày tết vừa qua sẽ thấy giảm hẳn số lượng “ đệ tử cái bang” trước cổng chùa và nơi công cộng trong nội ô thành phố. Đó là nhờ lãnh đạo TP “bật đèn xanh” cho Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trực thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) chủ động ra quân (từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết) tập trung các đối tượng ăn xin, lang thang về một mối nhằm tạo cho TP bộ mặt mỹ quan, văn minh hơn trong những ngày xuân…

Dẫn chúng tôi dạo quanh sân Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TT), nơi các trại viên lớn tuổi trong bộ đồng phục thể thao đang tập thể dục buổi sáng; ở góc này, trên hành lang, các trại viên tuổi thiếu niên đang lắp ghép bức tranh màu đặc tả phong cảnh quê hương, ngôi trường, con vật… dưới sự hướng dẫn của nữ họa sĩ Thùy Dương, một trong 3 họa sĩ tham gia đắc lực với trung tâm kể từ khi nơi đây thành lập CLB họa sĩ nhí nhằm kéo lại tâm hồn tuổi thơ trong sáng của các em sau những năm tháng lang thang nơi đầu đường xó chợ, lây nhiễm những thói hư tật xấu, chỉ vào những bức tường còn thơm nức mùi sơn, Giám đốc TT Nguyễn Trung Trực khoe: “Đây là kết quả sau thời gian “khôi phục nhân tâm” của các trại viên tại TT. Nhiều trại viên sau thời gian được người thân bảo lãnh trở về nhà bỗng thấy nhớ và quay trở lại TT tình nguyện sơn phết phòng ốc, xây bồn hoa cho các trại viên khác đón tết sạch đẹp trong những ngày tết”.

Các trại viên thiếu niên trong giờ sinh hoạt tập thể.

Các trại viên thiếu niên trong giờ sinh hoạt tập thể.

Sau mỗi số phận

Ông Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng quản lý giáo dục trung tâm, cho biết, khác với những tết trước TT chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận các đối tượng lang thang, ăn xin do công an các địa phương tập trung rồi chuyển về bàn giao. Tết này, TT được chủ động ra quân kiểm tra (có công an các địa phương hỗ trợ về thủ tục) nên trong cao điểm 3 ngày trước tết và 5 ngày tết, anh em TT thay nhau khảo sát địa bàn và tập trung được 111 đối tượng (sau đó bàn giao cho Phòng LĐTB-XH quận 1 tiếp nhận 15 đối tượng) ở các khu vực công viên 23-9, công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bà, chùa Ông Lăng (quận 5), tại các ngã tư trên trục đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng… nhờ đó trong những ngày đầu xuân, các đối tượng lang thang, ăn ngủ nơi công cộng và nạn “cái bang” ở các đền chùa giảm đáng kể.

“Dịp tết, họ xin được từ 3-5 triệu đồng/ngày là thường, cá biệt có người “thu nhập” đến 40 triệu đồng/ngày hay như 3 mẹ con chị T. từ Thanh Hóa vào hành nghề trong vòng 10 ngày, xin được trên 75 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trung tâm lưu ký của 96 đối tượng trong đợt vừa qua trên 100 triệu đồng và sẽ hoàn trả lại cho họ khi được gia đình bảo lãnh hoặc phải chuyển đến các TT nuôi dưỡng người già neo đơn, dạy nghề thiếu niên… của TP”, ông Phan Ngọc Anh cho biết.

Tiếp xúc với các đối tượng tại đây, mỗi người mỗi số phận, có trại viên lớn tuổi như ông T.C.O. (60 tuổi) không một mảnh giấy tùy thân, từ miền Tây lên TP lang thang, phụ việc vặt kiếm cơm qua ngày, tối mùng 1 Tết bày trận nhậu nhẹt trước khu Đại Thế Giới (quận 5) rồi ngủ luôn tại chỗ nên bị “gom bi”; ông N.Q.T. (52 tuổi) từ Phú Giáo, Bình Dương về TP hành nghề “cái bang” chưa được trọn tháng thì gặp Công an phường Bến Thành, quận 1 “mời” về ở TT cách đây nửa tháng hay như bà N.T.H. nay đã trên 70 tuổi từ Rạch Giá, Kiên Giang lên khu vực chợ vải Soái Kình Lâm lang thang và chiều 30 Tết được đưa vào TT chăm sóc. Thường chiếm số lượng đông nhất trong các đợt tập trung là đối tượng trong độ tuổi lao động và thanh thiếu niên, nam có, nữ cũng không ít, xăm đủ loại hình thù trên tay, trên lưng.

Giám đốc Nguyễn Trung Trực tâm tư: “Nhìn bề ngoài, số phận họ rất tội nghiệp, đáng thương khi phải sống nhờ vào đồng tiền của những người tốt bụng dừng xe chờ đèn xanh ở ngã ba, ngã tư; trong chợ hay trước cổng chùa… nhưng phía sau, những hành vi của nhiều người trong số họ rất đáng lo ngại cho trật tự xã hội thành phố: móc túi, trộm cắp, lừa đảo, mại dâm trá hình… Đó là chưa kể không ít đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan cho cộng đồng ở từng góc phố, con hẻm nơi họ hành nghề, nơi cư trú bất hợp pháp và cho cả cán bộ - công nhân viên của TT khi phải tiếp xúc với họ hàng ngày”.

Đời không như là mơ

Mất cha lẫn mẹ lúc còn nhỏ, Phạm Văn V. (16 tuổi) được gửi vào một ngôi chùa ở Đồng Tháp để ăn học. Đến tuổi 13, nghe theo bạn bè cùng trang lứa rủ rê bỏ chùa đi lang thang khắp các tỉnh vùng sông nước rồi trôi dạt lên TPHCM kiếm ăn đủ trò ở Bến xe quận 8 trước khi bị thu gom. Đồng trang lứa, Huỳnh Quang N. lang bạt từ Hải Phòng vào Sài thành tụ tập băng nhóm, tối ngủ ở công viên và đây là lần thứ 2 N. “nhập trại”.

N. nói: “Lần trước được người thân bảo lãnh và trung tâm hỗ trợ tiền xe về nhà nhưng ngoài đó cũng không biết sống dựa vào ai nên em lại trốn vào Nam và lang thang ở khu vực An Lạc (quận Bình Tân) nên bị đưa vào đây lần nữa”.

Trong góc phòng ở khu trại nữ, cô bé Võ Ngọc Huệ P. (15 tuổi) có khuôn mặt dễ thương, nói năng lanh lợi nhưng cuộc sống tuổi thơ không có được giấc mơ đẹp. Cha chết, mẹ lấy chồng khác và có con riêng. P. không thích nghi được với gia đình mới nên cách đây 3 tháng, P. bỏ quê Vĩnh Long đón xe lên Sài Gòn kiếm sống.

Đang lơ ngơ ở Bến xe miền Tây, P. bị đám xe ôm mồi chài giới thiệu việc làm. Gã xe ôm chở P. đến một cửa hàng thời trang ở quận Bình Tân, lấy của chủ shop 1 triệu đồng tiền công rồi bỏ đi. P. làm việc cho chủ hơn tháng nhưng không được trả lương vì đã bị trừ vào tiền môi giới. P. bỏ việc, lang thang ở Bến xe miền Tây lại gặp gã xe ôm khác dụ đi bán cà phê.

P. kể: “Chú đó chở con đến một quán cà phê trên đường Ung Văn Khiêm quận Bình Thạnh, lấy của bà chủ quán tên Út tiền công 500.000 đồng. Con vào thấy quán mờ mờ ảo ảo, mỗi bàn cà phê có vài chậu cây ngăn cách, còn mấy chị phục vụ toàn mặc váy ngắn, áo hở ngực. Bà chủ đưa con 4 bộ đồ giống vậy, nói 80.000 đồng/bộ, trừ vào tiền bo của khách rồi bảo đám ma cô của quán dạy con cách kích dục khách vào uống cà phê. Con không chịu nên ngày đầu bắt rửa ly, chén rồi mặc đồ khêu gợi ra ngồi trước quán vẫy khách qua lại từ 8 giờ sáng đến 2 giờ đêm hôm sau. Trong quán có chị Trang phục vụ, trước khi bỏ trốn thấy con tội nghiệp cho con 100.000 đồng. Con đem trả tiền một bộ đồ và xin nghỉ việc nhưng bà chủ không chịu, bắt phải làm đủ tháng. Chị Trang trốn không thành, bị đám chăn dắt gái ra Bến xe miền Đông bắt về đánh đập. Thấy sợ quá, sang ngày thứ ba nhân lúc quán vắng khách con bỏ trốn, may mắn thoát được về đến huyện Bình Chánh”.

Uống hết ly nước cán bộ trung tâm đưa, P. kể tiếp: “Con xin được việc phụ bán cơm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, thuê nhà trọ gần đó hết 80.000 đồng/ngày. Làm được nửa tháng, con xin ứng lương rồi nghỉ việc, đi chơi qua đêm ở công viên Phú Lâm, bị Công an phường 13 quận 6 kiểm tra không có giấy tờ tùy thân nên đưa về đây”. Tôi hỏi P. có muốn được chuyển sang Trung tâm Dạy nghề thanh thiếu niên TP để học nghề, học chữ? “Con không thích đi học, chỉ muốn ra ngoài kiếm sống hoặc về quê”, cô bé cúi mặt nói lí nhí.

Đánh thức nhân tâm

Các trại viên vẽ tranh và triển lãm tranh tại Công viên 23-9.

Các trại viên vẽ tranh và triển lãm tranh tại Công viên 23-9.

Về nhận nhiệm vụ tại trung tâm được hơn 7 tháng, Giám đốc Nguyễn Trung Trực luôn trăn trở với thân phận của những trại viên. Ông liên hệ với các nhà hảo tâm để có thêm suất ăn sáng cho người già (tiêu chuẩn quy định trại viên ăn ngày 2 bữa). Tháng 8-2010, ông thành lập CLB họa sĩ; 2 tháng sau có thêm CLB mang tên “Kết nối yêu thương” với sự tham gia của nhiều cộng tác viên bên ngoài giúp sức, hàng tuần đến hướng dẫn các trại viên tập ca múa, biểu diễn thời trang, chơi cờ tướng, cầu lông, thi hát karaoke, đọc sách báo… Trong đó có các nghệ sĩ, ca sĩ như Minh Béo, Thu Trang, Minh Ngọc, Mai Hoàng… và nói như giám đốc Trực: “Chân tình lắm, hô một tiếng họ tới liền, biểu diễn phục vụ trại viên miễn phí không hà!”. Qua các loại hình sinh hoạt tập thể, ca hát, vẽ tranh… nơi đây đã dần đánh thức được nhân tâm của nhiều trại viên.

Trước tết rồi, 5 “lính” cũ: Đỗ Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Rạng, Nguyễn Tấn Vinh, Hồ Minh Anh, Trần Văn Hải sau thời gian được gia đình bảo lãnh về nhà đã theo học được nghề thợ hồ, cắt tóc. Ở 5 tỉnh thành khác nhau, không hẹn mà gặp, họ cùng đến gặp lãnh đạo trung tâm xin được tự nguyện đến trợ giúp chăm lo cho các bức tường ở trại viên trong những ngày tết. 3 anh thợ xây lăn cọ sơn mới toàn bộ các bức tường ở khu trại, mày mò như thợ gốm quay được 20 chậu trồng cây kiểng tết to đùng rồi ốp gạch mới cho các bồn hoa.

Còn 2 bạn trẻ Ngọc Rạng (SN 1986) và Minh Anh (SN 1994) cùng trổ tài hớt tóc cho các trại viên nam. Ngọc Rạng tâm sự: “Chờ làm công đủ tiền em sẽ mở tiệm riêng ở Bình Dương và rủ Minh Anh (quê Quảng Trị) làm chung cho vui, có anh có em cùng chia sẻ bước đầu làm lại cuộc đời mới”. Hy vọng sẽ có thêm nhiều trái tim, tâm hồn khác được “đánh thức” sau thời gian trải qua các loại hình giáo dục mang tính nhân bản ở trung tâm.

Lê Dũng

Tin cùng chuyên mục