1. “Đã thành lệ, lâu nay cứ đến 9 giờ tối tôi pha một cốc cà phê, rồi cầm theo chiếc ghế nhỏ ra trước hành lang tầng 1 của một chung cư ở Chợ Lớn, nơi tôi đang ở, ngồi nhâm nhi vừa ngắm trời ngắm đất”. Rất có thể một hôm nào đó bạn lơ đễnh viết một câu như thế trong bài tùy bút hay ký sự, nếu bạn là nhà văn hay nhà báo.
Câu văn trên đây không có gì sai về mặt hình thức. Nhưng về mặt nội dung thì rất đáng ngờ, nếu quả thật cái chung cư mà bạn đang nói đến nằm ở Chợ Lớn. Bạn cũng biết rồi đó (ờ, mà có thể bạn chưa biết), sống ở quận 5 thì chỉ có thể “ngắm đất”: nhìn xe cộ chạy qua chạy lại, ngắm các bảng hiệu điện tử chớp nháy cho vui mắt. Chứ “ngắm trời” thì vô phương.
Tất nhiên bạn vẫn có thể ngẩng đầu nhìn lên, mở thật to hai mắt nhưng nếu trước mặt bạn là một bức màn đen kịt thì khó có thể gọi là “ngắm”. Ngắm thì phải có cái gì đó để ngắm, nhất là phải có hứng thú.
Nếu bạn ở quận 5, quận 1, quận 3, thử ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm một lần đi, bạn sẽ cảm nhận được điều tôi nói.
2. Khoảng hai năm nay, thỉnh thoảng tôi chạy xe ra khu Phạm Ngũ Lão ở quận 1 vào lúc 6 giờ chiều, ghé vào một quán quen nằm ngay góc phố, leo lên một cầu thang ọp ẹp để ra ngồi trước cái lan can hình chữ L, uống vài chai bia và thơ thẩn nhìn xuống đường.
Khu Phạm Ngũ Lão người ta vẫn gọi là phố Tây, vì người nước ngoài trú ngụ, sinh sống ở đây khá đông. Ngồi trên tầng 1 ngay ngã ba đường nhìn xuống, ngắm ông Tây đi qua bà đầm đi lại, có cảm giác như đang du lịch ở nước ngoài.
Nhưng cũng như ở quận 5, tới quận 1 tôi cũng chỉ có thể “ngắm đất”. Suốt hai năm ngồi trước lan can quán, đêm nào cũng ngước mắt lên trời, thỉnh thoảng tôi mới nhìn thấy một ngôi sao nhỏ nằm bên tay phải, luôn luôn ở vị trí đó. Đó là ngôi sao duy nhất tôi nhìn thấy trên bầu trời quận 1. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc do thời tiết, nhưng về sau tôi biết là mình nhầm. Những đêm khô ráo, trăng treo lơ lửng trên đầu, cũng chẳng có ngôi sao nào tháp tùng, ngoài ngôi sao lẻ loi tôi từng nhìn thấy.
Như vậy, nguyên nhân nằm ở bầu không khí bị ô nhiễm quá nặng. Hàng ngày, chúng ta đi lại trên mặt đất, không biết trên đầu chúng ta đang lơ lửng hàng tấn bụi, hàng tấn benzen và NO2. Bức màn bụi đó không che được mặt trời, mặt trăng, nhưng các ngôi sao đã bị bít lối về.
3. Nhớ thời còn khoác áo thanh niên xung phong đào kênh ở Củ Chi, phiên gác đêm nào cũng diễn ra dưới bầu trời sao chi chít. Sao nhiều và đẹp đến mức nhân một chuyến về phép thành phố, tôi không cưỡng được chuyện mò tới Thư viện Tổng hợp mượn cuốn sách về bầu trời sao để đem về mò mẫm. Nhờ vậy, tôi nhận biết được chòm sao Hiệp Sĩ - đỉnh chòm sao luôn luôn quay về hướng bắc. Tôi biết chiếc thắt lưng của chàng gồm ba ngôi sao sáng nhất tạo thành chòm sao Cày (Sao Cày ba cái nằm ngang - ca dao). Tôi cũng thấy được chòm Song Nam bên vai phải của chàng Hiệp Sĩ.
Bây giờ về thành phố, tôi không chia sẻ được điều đó với ai. Giả như một bạn đọc nhỏ của tôi thấy tôi nhắc đến chòm Hiệp Sĩ trong sách, tò mò hỏi “chòm sao Hiệp Sĩ là chòm sao nào đâu chú?”, tôi đành bó tay.
Ngắm sao là một cái thú. Nó gợi nên cảm xúc, làm chúng ta yêu và gắn bó với thiên nhiên. Nó làm thăng hoa tình cảm con người. Vì vậy, xưa nay sao luôn đi vào thơ, vào văn, vào nhạc, vào tranh. Truyện Những vì sao của Alphonse Daudet là tác phẩm gắn với tôi từ thời còn bé, đến giờ tôi vẫn còn yêu. Ca dao viết Sao Rua chín cái nằm kề/ Thương em từ thuở mẹ về với cha. Chòm sao Rua (cũng gọi sao Tua, hay Tua Rua) lãng mạn đó nằm ở đâu? Nếu ở Củ Chi, bạn sẽ thấy chòm sao này nằm ở bên trái thắt lưng của chàng Hiệp Sĩ, ngay sau sao Kim Ngưu. Ở thành phố, chòm sao đó chỉ nằm trong tâm tưởng.
Sao không chỉ gợi hứng cho nghệ thuật. Người nông dân ngắm sao để đoán thời tiết. Nhà thiên văn ngắm sao để nghiên cứu khoa học. Nhà chiêm tinh ngắm sao để xem vận người. Các quan thiên tượng ngắm sao để đoán mệnh trời. Dồn các vị này về thành phố, các vị thất nghiệp là cái chắc! Sao đâu mà ngắm với nghía!
4. Cư dân thành phố nếu nhìn trời chỉ có thể đoán... sức khỏe. Ban đêm ngước mặt trông lên hổng thấy ngôi sao nào là biết chất lượng không khí chung quanh mình ra sao. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, nồng độ chì trong không khí ở TPHCM hiện nay vượt khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước trên thế giới; và xét mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố năm 2010, Ngân hàng Thế giới xếp TPHCM vào nhóm 10 thành phố có mức độ nhiễm bụi cao nhất thế giới chủ yếu do nguồn khí thải công nghiệp và giao thông vận tải, trong đó ô nhiễm do ô tô và xe máy chiếm phần lớn. Mỗi ngày Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố đón gần 1.000 người đến khám. Số bệnh nhân viêm xoang, viêm mũi ngày một tăng cao, hầu hết đều do hít khói bụi.
Nói đến đây mới nhớ: ngoài mắt, con người ta còn có mũi. Bạn không cần nhìn lên bầu trời đêm vẫn đánh giá được mức độ ô nhiễm không khí và tình trạng sức khỏe của mình nếu chẳng may bạn bị viêm mũi. Một ngày bạn đi Bến Tre, xe đò chạy ra tới Bình Chánh, mũi bạn đã thấy khác. Tới phà Rạch Miễu, hơi thở đã thông thoáng hơn. Tới Mỏ Cày, chứng khụt khịt biến mất. Càng xa thành phố, cái mũi càng ngon lành. Ngày về, bạn sẽ thấy xảy ra trình tự ngược lại. Càng đến gần nội thành, mũi bạn càng khó thở. Về tới nhà, chắc chắn nó đã nghẹt mất một bên, đôi khi hai bên. Như vậy, ngồi trên ô tô nhắm mắt bịt tai, chỉ dựa vào cái mũi thôi, bạn có thể nói vanh vách xe đang đi tới đâu, dừng tại chỗ nào. Tất nhiên chẳng ai muốn sở hữu “cái mũi thông tuệ” đó.
5. Trong bài thơ nổi tiếng Hương thầm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn mô tả tình cảm thầm kín của một cô gái đang yêu: Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Chuyện này xảy ra ở Hà Nội, nhưng là Hà Nội thời xưa. Hà Nội bây giờ tình trạng ô nhiễm không khí e rằng cũng chẳng khác Sài Gòn là mấy, mượn hương hoa “thay lời muốn nói” là một lựa chọn quá phiêu lưu. Còn ở Sài Gòn chuyện Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu chắc chắn là vô vọng.
Nếu cô gái e lệ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sống ở thời buổi này, cần trải lòng có khi cô phải Ôm một chùm hoa trong chiếc găng tay huơ qua huơ lại trong không trung may ra chàng trai mới biết. Ôi, mũi của chàng!
NGUYỄN NHẬT ÁNH