Hàng tấn gia cầm lậu, hàng trăm loại thực phẩm bẩn nguy hại nhập lậu vẫn cứ ùn ùn tuồn vào nội địa dịp cuối năm. Mặc dù các cơ quan chức năng từ khu vực cửa khẩu biên giới cho tới nội địa đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, ngăn chặn nhưng thực tế thực phẩm bẩn nhập lậu vẫn cứ tràn lan trên thị trường, đe dọa và gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng nhất là vào thời điểm năm hết tết đến…
Gà lậu tràn lan
Cả tấn gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, trong đó nhiều con đã chết hoặc bị rù rũ được lèn chặt vào chiếc xe tải BKS 33M-2910 đang chạy trên đường Hồ Tùng Mậu (huyện Từ Liêm) ngay cửa ngõ vào nội thành Hà Nội thì bị Công an huyện Từ Liêm phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 7 bắt giữ.
Chưa đầy một ngày sau, tại khu vực xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bắc Giang và Quản lý thị trường đã phát hiện, bắt giữ 11.000 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc được vận chuyển trên chiếc ô tô BKS Lạng Sơn 12A-007.16.
Trước đó ít ngày, cũng ngay tại cửa ngõ vào thủ đô, lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, chặn bắt một xe tải của Bắc Giang chở tới 5 tấn gà, ngỗng nhập lậu từ Trung Quốc mà theo chủ của lô hàng này khai nhận: Toàn bộ số gia cầm lậu trên được mua từ bên kia biên giới, sau đó chuyển về theo đường mòn rồi tập kết tại Lạng Sơn và đang trên đường tới các chợ đầu mối, các lò nuôi gia cầm để tiêu thụ.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ vận chuyển gia cầm lậu bị lực lượng chức năng ở một số tỉnh thành phía Bắc phát hiện, bắt giữ được trong vòng một tuần qua. Ngăn chặn gia cầm nhập lậu tiếp tục trở thành vấn đề nóng bỏng, nhất là vào dịp cuối năm khi cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều vụ với khối lượng lên tới hàng tấn gia cầm lậu đang tuồn vào nội địa.
Thượng tá Lê Văn Khánh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Chi Ma, Lạng Sơn cho biết, địa bàn cửa khẩu Chi Ma là một điểm nóng về gà lậu, có những thời điểm mà số lượng gia cầm nhập lậu bị lực lượng chức năng ở Chi Ma phát hiện và bắt giữ lên tới 40 tấn. Do đó, để ngăn chặn gia cầm lậu thường tăng mạnh vào dịp cuối năm, Biên phòng Chi Ma phối hợp với hải quan đã lập 4 chốt trực 24/24 giờ tại các đường mòn xung quanh cửa khẩu để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm qua biên giới.
Còn ông Trần Hải Đăng, Chi cục trưởng Hải quan Chi Ma, cho biết: Chúng tôi đã chuyển từ việc giám sát sang lục soát. Cư dân biên giới qua lại cửa khẩu dù chỉ có đem theo 5 - 6 con gà hay vịt cũng phải khai báo và bị kiểm tra nếu có dấu hiệu nhập lậu sẽ bị tịch thu, tiêu hủy.
Trong khi đó, tại Quảng Ninh sau chuyến thị sát gà lậu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã triển khai các kế hoạch tăng cường lực lượng tại Móng Cái, chỉ đạo các đồn biên phòng Hải Hòa, Hải Sơn, Bắc Sơn kiểm soát chặt tuyến biên giới. Đồng thời, phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh thành lập 2 tổ kiểm soát cơ động để ngăn chặn gà lậu.
Thực phẩm bẩn rình rập
Không chỉ có gia cầm nhập lậu mà vào dịp cuối năm, tại khu vực biên giới của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… nhiều loại thực phẩm nguy hại khác từ nầm dê, chân, cánh gà cho tới nội tạng heo, bò… cũng được nhập lậu tràn lan. Nguy hiểm hơn, đây là những thứ thực phẩm bẩn nhưng lại được rất nhiều chủ hàng dưới xuôi ưa chuộng vì lợi nhuận cao, nguồn hàng phong phú, lại sử dụng lâu dài bởi rất nhiều loại hóa chất được sử dụng để bảo quản.
Thậm chí gần đây, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh hay Lạng Sơn, lực lượng chức năng còn phát hiện bắt giữ một số vụ vận chuyển thịt động vật chết đã thối rất nguy hại. Thượng tá Nguyễn Trần Hèo, Phó đồn trưởng Biên phòng Bắc Sơn, Móng Cái cho biết, Biên phòng Bắc Sơn mới đây đã phát hiện và bắt giữ được vụ nhập lậu gần 1 tấn thịt mèo đã chết từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam.
Đáng nguy hại hơn, số mèo đều được nuôi công nghiệp và nếu được vận chuyển trót lọt sẽ được đưa sâu vào nội địa tới các nhà hàng đặc sản “tiểu hổ”.
Trở lại với khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, nhiều quầy hàng thực phẩm ở đây la liệt bánh kẹo, nước tương, rượu bia, cho tới các mặt hàng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, không ít mặt hàng đã không còn hạn sử dụng, mốc xanh, mốc đỏ, nhớt nhát nhưng vẫn được nhiều chủ hàng cho rằng không vấn đề gì nếu như vào nhà hàng, quán nhậu kết hợp gia vị của Tàu sẽ lại trở thành những món đặc sản yêu thích.
Một chủ hàng thực phẩm ở Tân Thanh không ngần ngại cho biết: Nếu muốn mua hàng “thực phẩm tươi” với số lượng lớn, thậm chí là hàng tấn cũng có, chỉ cần đặt tiền đảm bảo hàng sẽ được chuyển thẳng từ bên Pò Chài, Trung Quốc về Lạng Sơn, thậm chí là Bắc Ninh, hay Hà Nội.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, số vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện vẫn là rất nhỏ so với thực tế, cho dù các biện pháp kiểm soát quyết liệt đã được triển khai. Việc ngăn chặn và kiểm soát thực phẩm bẩn nhập lậu là vấn đề nan giải vì so với các mặt hàng nhập lậu khác thì hàng thực phẩm đem lại lợi nhuận khá cao nên nhiều người coi thường luật pháp, bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng để buôn bán, vận chuyển thứ hàng nguy hiểm này.
Hơn nữa, để đưa mặt hàng nguy hại đến sức khỏe này trót lọt qua biên giới, đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, mang vác xé nhỏ, chia lẻ lô hàng, gắn trách nhiệm cho cửu vạn, người dân địa phương trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, nhiều thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quá hạn sử dụng, chưa qua kiểm dịch đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, qua kiểm tra mẫu gà nhập lậu do Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ thì 100% mẫu thịt, mẫu gan gà đều có nhiễm tồn lưu kháng sinh trong chăn nuôi như: kháng sinh nhóm tetracyclin, cloramphenicol, trong đó cloramphenicol đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.
MINH KHANG