Ông Đinh La Thăng thừa nhận đã quá quyết liệt, nôn nóng dẫn tới sai phạm

Sáng 9-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục tiến hành thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội.

Trong ngày xét xử thứ 2, Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) là bị cáo đầu tiên được HĐXX gọi lên xét hỏi.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ  đồng. Sau khi nhận được tiền tạm ứng, Thanh chỉ đạo sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng trên vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị cao Vũ Đức Thuận chỉ đạo bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) và bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC) lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân; trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng.

Bị can Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng thừa nhận đã quá quyết liệt, nôn nóng dẫn tới sai phạm ảnh 1 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Trước cáo buộc về các hành vi nêu trên, trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày về vai trò, nhiệm vụ của mình khi làm Chủ tịch HĐQT PVC.

Khi được hỏi về tình hình tài chính của PVC thời điểm năm 2009, Trịnh Xuân Thanh cho biết, theo báo cáo tài chính khi đó PVC có lãi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.

Bị cáo Thanh cũng cho biết, đến năm 2011, mức vốn điều lệ của PVC là khoảng 2.000 tỷ đồng, còn vốn đầu tư là trên 3.000 tỷ đồng.

Bị cáo Thanh cũng  lý giải nguyên nhân là vì PVN đang tái cấu trúc, trong đó có PVC là 1 trong 5 mũi nhọn của PVN thuộc khối dịch vụ, thực hiện các dịch vụ thi công, xây lắp. Thực hiện chủ chương tái cơ cấu, PVN cũng chuyển thêm một số đơn vị về PVC.

Về việc được Tập đoàn PVN chỉ định PVC thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thanh khai nhận, khi đó PVC rất mừng vì được chọn làm tổng thầu.

“Bản thân bị cáo biết PVC lúc đó chưa đủ điều kiện nhưng thực tế lúc đó cả nước cũng chỉ có PVC và Lilama làm được. Lúc đó, PVC cũng từng liên kết với thực hiện dự án vượt tiến độ và rất thành công…”- bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày.
Ngay lập tức, HĐXX chất vấn lại bị cáo Thanh: “Năng lực hiện tại chưa đáp ứng, tài chính đang có vấn đề, lại nhận thêm một số dự án từ PVN thì khó khăn thuận lợi như thế nào với PVC?”.
Trước câu hỏi này, bị cáo Thanh cho biết, tại thời điểm đó, PVC khi bắt đầu triển khai dự án phải có tiền, thậm chí được tạm ứng trước, nên việc triển khai dự án thuận lợi nhiều hơn là khó khăn.
Bị cáo Thanh cũng cho biết khi phê duyệt nội dung hợp đồng số 33 không phải một mình bản thân quyết định mà cả HĐQT phê duyệt và thời điểm đó kinh tế khó khăn nên không bao giờ chỉ đạo dùng tiền sai.
Tuy nhiên, bị cáo Thanh cũng thừa nhận trách nhiệm của mình với vai trò Chủ tịch HĐQT đã không kiểm tra, rà soát toàn bộ các điều kiện còn thiếu sót, chưa đủ điều kiện trong hợp đồng số 33

Ngay sau phần thẩm vấn bị cáo Thanh, HĐXX đã tiến hành xét hỏi ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN).

Trước tòa, ông Thăng khai nhận vai trò của mình là chỉ đạo HĐTV xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện, các nghị quyết, quyết định của HĐQT.

Lý giải việc chỉ định PVC làm tổng thầu của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là xuất phát từ chủ truương, đường lối của Chính Phủ vì từ năm 2006, Chính phủ cho phép PVN tự thực hiện các dự án trong ngành. Tháng 2-2009, cho phép PVN được thực hiện chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn. Do đó PVN đã xây dựng một số công ty con để phát triển các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có PVC, xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của cả nước và tập đoàn.

“Từ chủ trương như vậy, PVN đã chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2…”- ông  Đinh La Thăng cho biết.
Ông Đinh La Thăng thừa nhận đã quá quyết liệt, nôn nóng dẫn tới sai phạm ảnh 2 Ông ĐInh La Thăng tại phiên tòa xét xử sáng 9-1

Ông Thăng cũng cho biết, khi Tập đoàn chỉ định PCV là tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào năm 2009 là chủ trương đã được Chính phủ cho phép.

“Đây là dự án cấp bách, được Thủ tướng chỉ đạo, từ tháng 2-2009, Chính phủ đã chỉ đạo phải được khởi công trong năm. Trong bối cảnh cấp bách, nếu triển khai thực hiện phương án liên doanh tổng thầu sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian trong việc tìm đối tác….”- ông Thăng cho biết. Vì vậy, HĐTV của PVN đã đồng ý cho PVC  là thay cho nhà thầu nước ngoài. 
“Bị cáo thay mặt HĐTV ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ  xin phép giao cho PVC là tổng thầu thay cho liên danh tổng thầu…”- ông Đinh La Thăng khai.
Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng cũng cho biết, vào thời điểm đó, đối với PVN, không chỉ triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 mà còn hàng trăm công trình, trong đó có nhiều nhà máy trọng điểm quốc gia nên để bảo đảm chất lượng tiến độ, luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, trước tòa, ông Thăng cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của mình khi đã đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
“Bị cáo đã nhận trách nhiệm trước Cơ quan CSĐT và bây giờ là trước tòa về việc chỉ định dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Do nôn nóng, sức ép của dự án nên nhiều khi bị cáo đã chỉ đạo quyết liệt và có những sai phạm, vi phạm quy trình thủ tục…” - ông Thăng thừa nhận.

Tin cùng chuyên mục