Quốc hội bước sang phần chất vấn các Bộ trưởng

Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao'

Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao'
Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao' ảnh 1
Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá

Người đầu trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Lộ trình của ngành viễn thông từ độc quyền đến cạnh tranh, giá cước viễn thông, kết luận thanh tra về VNPT, là những vấn đề chính mà các đại biểu chất vấn vị Bộ trưởng này.

Mở đầu, ông Đỗ Trung Tá trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến trước đó (có 17 đại biểu).

Về vấn đề mở cửa thị trường, Bộ trưởng Tá cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực nhỏ, ngay cả doanh nghiệp lớn như VNPT cũng không bằng một công ty con của các tập đoàn quốc tế. Do vậy, mở cửa thị trường tại thời điểm hiện nay là "cơ hội ít, thách thức nhiều". Với ý kiến giá cước viễn thông quá cao, ông Tá cho rằng việc định giá cước hiện vừa phải tuân theo quy định của Nhà nước vừa phải tuân theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. Nếu sử dụng điện thoại qua Internet thì VN không cao hơn so với các nước trên thế giới. Còn giá cước cao chủ yếu ở một số dịch vụ mới. Một nguyên nhân nữa khiến giá cước cao là một số khách sạn tính giá vượt mức cho phép, gây hiểu lầm đối với khách quốc tế. Bộ đã phạt nặng các doanh nghiệp này.

Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, giá cước viễn thông ở VN đã giảm nhiều lần trong những năm qua. Tuy nhiên, ông Tá cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, nên cần phải cân nhắc.
 

Đại biểu Trần Hoa Ry
Đại biểu Trần Hoa Ry

Ngay sau khi Bộ trưởng Đỗ Trung Tá kết thúc phần trả lời bằng văn bản, đại biểu Trần Hoa Ry đặt câu hỏi: "Tổng công ty Bưu chính viễn thông nhiều lần giảm giá nhưng vẫn cao hơn các nước, có phải do chi phí đầu tư bất hợp lý? Tại sao ngành viễn thông không tính cước theo kiểu gọi bao nhiêu tính bấy nhiêu, nếu gọi 4-5 giây mà tính tiền 1 phút thì quá thiệt cho khách hàng?".

Ông Tá giải trình, hiện nay một số doanh nghiệp viễn thông mới ra đời, nếu hạ giá, tính như đại biểu đề xuất thì các công ty này không cạnh tranh nổi với VNPT. Trên thế giới những công ty lớn thường giảm giá để chiếm hết thị phần, nhưng ở Việt Nam thì không thể như vậy. Điều này cũng phù hợp với Luật Cạnh tranh mà Quốc hội vừa thông qua. Đối với cước điện thoại cố định, do giá rẻ nên nhiều nước áp dụng phương thức tính làm tròn 1 phút.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Bưu chính viễn thông thời gian qua, nhưng giáo sư Nguyễn Lân Dũng không khỏi băn khoăn trước tình trạng bất hợp lý trong thu nhập giữa nhân viên bưu điện xã và cán bộ biên chế ngành bưu chính viễn thông. "Tôi nhận rất nhiều thư phản ánh về sự chênh lệnh thu nhập của nhân viên tại các điểm văn hoá xã với cán bộ bưu chính viễn thông. Bộ trưởng có thể giải trình về vấn đề này?".

Ông Đỗ Trung Tá cho biết, hiện nay có khoảng 7.500 nhân viên bưu điện xã, chủ yếu là nhân viên ký hợp đồng. Phần lớn họ là dân địa phương có trình độ phổ thông trung học, hiểu biết về pháp luật và nghiệp vụ cơ bản. Nên những nhân viên này không thể có thu nhập bằng những nhân viên biên chế, có trình độ chuyên nghiệp. Bộ trưởng cũng cho biết, mỗi điểm văn hoá xã có vốn đầu tư ban đầu là 60 triệu đồng. Hiện nay đã có trên 7.000 điểm, và 75% xã thuộc vùng khó khăn đã có mô hình này. Hơn 1.000 điểm nữa sẽ được xây dựng xong vào năm 2005.
 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước việc thanh tra tại Tổng công ty Bưu chính viễn thông. Ông Tá cho biết, một vụ việc đáng chú ý là Hội đồng quản trị VNPT giao cho Trung tâm Công nghệ Thông tin (CDIT) một đơn vị không phải thành viên trực tiếp của VNPT thực hiện 5 gói thầu với dự toán 11,8 tỷ đồng. "Đây là quyết định của tập thể, không phải tôi cố tình tạo điều kiện cho con rể, đang là giám đốc CDIT. Tôi thực sự có bài học kinh nghiệm từ đây để tránh sự hiểu nhầm giữa thực thi công việc với quan hệ gia đình", ông Tá nói.

Về việc Bưu điện Hà Nội không cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ tài liệu khi thanh tra việc thanh quyết toán giá trị 15 dự án do Bưu điện Hà Nội thực hiện, ông Tá khẳng định, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng điều tra rõ.

Đại biểu Mạc Kim Tôn cho rằng giá cước điện thoại cao là so với giá cả sinh hoạt của người dân nhưng chất lượng mạng điện thoại di động còn thấp. Tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra làm giảm hiệu quả phục vụ của ngành và năng lực cạnh tranh.

Trước nỗi lo sập mạng điện thoại di động của ông Tôn cũng như nhiều đại biểu khác, ông Đỗ Trung Tá khẳng định không thể sập mạng. Bên cạnh dịch vụ cũ ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ mới mở ra cộng. Từ đầu năm đến giờ riêng SPT đã có 200 nghìn thuê bao, Vinaphone là 1 triệu thuê bao. Sắp tới mạng điện thoại di động của điện lực sẽ khai trương song hành cũng Viettel. Bộ cũng sẽ xem xét lại chất lượng các mạng điện thoại của Việt Nam. Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên chú trọng nhiều về giảm giá để cạnh tranh mà cần chú trọng nhiều vào chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai nêu tình trạng nhiều đối tượng sử dụng điện thoại nghiệp vụ không đúng, "xài chùa" gây lãng phí. Ông Tá khẳng định: "Đây là công cụ kinh doanh, xin Quốc hội thông cảm. Nếu tiếp viên hàng không, nhân viên đường sắt phải trả tiền đi máy bay, tàu hoả thì ngành bưu chính sẽ yêu cầu nhân viên trả tiền".

Chưa thoả mãn với câu trả lời của người đứng đầu ngành Bưu chính Viễn thông, đại biểu Mai nói: "Cán bộ ngành bưu chính sử dụng trong khi làm nhiệm vụ tôi không có ý kiến. Nhưng vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là việc sử dụng điện thoại bừa bãi, gây lãng phí". Ngập ngừng giây lát, ông Tá cho biết sẽ yêu cầu VNPT làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng phần trả lời của ông Tá không phù hợp với cách chất vấn, nặng báo cáo thành tích. Nếu vậy thì quá lãng phí thời gian của Quốc hội. "Việc đóng dấu treo của Bộ Bưu chính viễn thông ở văn bản, đại biểu sẽ hiểu đây là trả lời của bộ hay cá nhân bộ trưởng. Về 3 vấn đề thanh tra của VNPT còn gây tranh cãi, Bộ trưởng phải trả lời trước Quốc hội. Thủ tướng vẫn nói giá cước cao nhưng bộ trưởng lại nói là thấp, ngay bây giờ Bộ trưởng cho biết quan điểm", đại biểu Thuận bức xúc.

Ông Tá tiếp tục thừa nhận khuyết điểm: "Là bộ trưởng tôi thành khẩn nhận khuyết điểm, nhưng cử tri phải thông cảm vì công việc quá hối hả, bận rộn. Về việc đóng dấu treo, tôi quá bận, anh em trong Bộ học theo mẫu của Bộ GD&ĐT. Kích cỡ, dấu đóng cũng theo mẫu mà Bộ trưởng GD&ĐT đã giải trình".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông tỏ ý không đồng tình với thông tin về giá cước quá cao. "Tôi chẳng hiểu các nhà khoa học lấy giá cước ở đâu. Đây là số liệu của ngành lấy ra, không phải là số liệu bịa, thành tích".

Xung quanh vấn đề về VNPT và giá cước viễn thông, ông Tá "cầu cứu" Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư và Bộ trưởng Tài chính giải trình giùm. Về vụ VNPT, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, có lỗi của Bộ Bưu chính viễn thông là tự quyết định thầu, chưa xin ý kiến của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc chọn thầu không gây thiệt hại.

Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao' ảnh 4
Bộ trưởng Tải chính Nguyễn Sinh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, giá viễn thông mà người đứng đầu ngành bưu chính đưa ra là chính xác. Mức giá này đã thấp hơn trước đây nhưng cần tiếp tục giảm thêm. Giá còn cao là do nhiều nguyên nhân trong đó có việc VNPT còn độc quyền, biên chế cán bộ quá nhiều, xấp xỉ 10 vạn.

Kết thúc phiên họp sáng nay, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho biết, còn 6 đại biểu có nhu cầu chất vấn nhưng vì thời gian hạn hẹp nên yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo Chính phủ đã lập 3 đoàn công tác kiểm tra những sai phạm tại VNPT. Theo đó, nổi lên 10 vấn đề cần làm rõ, trong đó có 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ đã phân tích và báo cáo với Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ cũng thống nhất với báo cáo của bộ trưởng là sai phạm của tổng công ty là nhiều, tuy nhiên chưa đến mức phải kỷ luật nên sẽ rút kinh nghiệm. Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: "Nếu tôi đặt chất vấn tôi sẽ hỏi bộ tưởng đã xử lý bao nhiêu trường hợp sai phạm và có bao nhiêu cần phải xử lý"

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải trả lời chất vấn 

14h chiều nay, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải bắt đầu phần chất vấn với báo cáo giải trình dài 23 trang. Báo cáo tập trung vào 3 vấn đề "nóng" nhất của ngành công nghiệp là tình hình điện nông thôn, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án đầu tư ngành giấy.

Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao' ảnh 5

Bộ trưởng Bộ  Công nghiệp Hoàng Trung Hải

Theo ông Hải, đến tháng 9 năm nay, 100% huyện đã có điện, trong đó điện lưới quốc gia đã đưa đến 524/534 huyện. Tuy nhiên, vẫn còn 511 xã chưa có điện, trong đó có 66 xã không có khả năng cấp điện từ lưới điện quốc gia. Phần lớn các xã hiện nay có giá bán điện bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất chậm tiến độ, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân chính phát sinh từ phương thức liên doanh. Theo Quyết định của Thủ tướng, vốn đầu tư của công trình được huy động từ tiền lãi của Xí nghiệp liên doanh Vietsopetro (600 triệu USD), vay nước ngoài và phát hành trái phiếu. Tổng vốn xây dựng nhà máy là 1,3 tỷ USD.

"Tỷ lệ góp vốn 50/50 đòi hỏi hai bên phải có sự thống nhất trong tất cả các quyết định quan trọng. Thế nhưng khi thực hiện dự án, mỗi bên đối tác đều muốn bảo vệ lợi ích của mình, nên luôn gặp phải mâu thuẫn, dẫn đến việc phải giải thể liên doanh. Liên doanh đổ vỡ, dự án Dung Quất cũng bị chậm tiến độ", Bộ trưởng Hải nói.

Về những tồn tại của ngành giấy, Bộ trưởng cho biết, trong số hơn 300 nhà máy sản xuất giấy và bột giấy chỉ có hơn 20 nhà máy sản xuất có quy mô. Các nhà máy nhỏ chủ yếu do tư nhân đầu tư năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm nặng nề. Sản lượng bột giấy sản xuất trong nước còn hạn chế, nên phải nhập khẩu khá lớn.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu đến năm 2010, sản lượng giấy đạt 1,2 triệu tấn/năm, sản lượng bột giấy đạt 1 triệu tấn/năm, song như vậy mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu trong nước. Đến nay, ngành giấy cơ bản hoàn thành các dự án đầu tư cải tạo, mở rộng. Riêng các dự án đầu tư mới đều gặp khó khăn nên việc triển khai rất chậm. Trong đó, dự án bột giấy Kon Tum đã phải ngưng hoạt động.

"Dự án khí điện đạm Cà Mau chậm tiến độ ngoài lý do khách quan, lý do chủ quan ở đâu? Vấn đề sản xuất giấy cao cấp, Bộ chưa có kế hoạch hay còn lý do nào khác?", đó là câu hỏi đầu tiên do đại biểu Trần Luân Kim đặt ra sau khi Bộ trưởng Hoàng Trung Hải kết thúc phần báo cáo.

Theo ông Hải, đây là dự án do Tổng công ty dầu khí làm chủ đầu tư. Nguyên nhân chậm trễ là do năng lực quản lý của chủ đầu tư, thiếu cán bộ chuyên ngành đủ trình độ. Với Cà Mau, việc khảo sát địa chất chưa tốt nên khi triển khai phải tăng vốn đầu tư, khiến chậm dự án. Một nguyên nhân nữa là những tiêu cực vừa qua tại Tổng công ty dầu khí VN. "Bộ Công nghiệp mới nhận quản lý Tổng công ty dầu khí từ giữa năm 2003, những sai phạm này đã xảy ra từ trước. Bộ sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ các dự án".

Ông Hải thừa nhận, mặt hàng giấy cao cấp trong nước sản xuất còn ít. Nhưng hiện nay, năng lực vốn, sản xuất của ngành giấy còn yếu nên "lực bất tòng tâm".

Ông Đỗ Trung Tá: 'Giá cước viễn thông ở VN không cao' ảnh 6
Đại biểu Neang Kim Chang

Đại biểu Neang Kim Chang đề cập tới vấn đề ô nhiễm môi trường và quyền lợi của công nhân tại một số khu công nghiệp chưa được đảm bảo. Ông Hải cho rằng, trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã có quy định rõ việc bảo vệ môi trường. Trong thiết kế, các khu công nghiệp đều có dự án xử lý rác, nước thải nhưng khi triển khai dự án thì không thấy đâu. "Vấn đề ở đây là các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án có đúng theo thiết kế không. Bộ, các sở Công nghiệp sẽ tham mưu, phối hợp với địa phương", Bộ trưởng nêu ý kiến.

Theo ông Hải, hiện có tình trạng quyền lợi công nhân tại một số khu công nghiệp không được đảm bảo. Nguyên nhân là khi quy hoạch khu công nghiệp, nhiều địa phương chưa tính đến hiệu quả. "Khâu quản lý cũng còn bất cập. Chúng ta thiên về quản lý các doanh nghiệp thuộc bộ, sở. Trong khi, vi phạm quyền lợi lao động chủ yếu là ở các doanh nghiệp khác", ông Hải nói.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Trung Hải cho biết trách nhiệm của Bộ trong vụ Nhà máy dệt Long An bị giải thể. Ông Ngoạn cũng thẳng thắn hỏi vị đứng đầu Bộ Công nghiệp: "Lòng hồ Trị An đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, Bộ trưởng có biết tình trạng này đã xảy ra 5-7 năm nay không và nếu biết có báo Chính phủ không. Trách nhiệm của Bộ Công nghiệp và ngành điện lực như thế nào?". Ông Ngoạn cũng yêu cầu Bộ trưởng Hải giải trình rõ hơn về dự án nhà máy giấy Kon Tum.

Theo Bộ trưởng Công Nghiệp, dệt may là một trong những ngành công nghiệp phát triển chủ lực, tạo ra công ăn việc làm rất lớn. Tuy nhiên, công nghiệp dệt được phát triển từ thời bao cấp, được cấp vốn đầu tư. Thời kỳ thị trường, vốn được giảm đi đáng kể nên hiện giờ ngành rất khó khăn, khó khăn ngay cả trong việc sản xuất nguyên liệu. Trước mắt Bộ đang đầu tư để phát triển trồng bông. Đối với các nhà máy dệt thì giải pháp tối ưu hiện nay là sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích cổ phần hoá, đa dạng hoá doanh nghiệp. Đối với những đơn vị có khả năng thì chuyển sang sản xuất may mặc để lấy lãi may bù cho dệt. Trường hợp của Dệt Long an là do đã phụ thuộc nhiều vào địa phương. Bộ Công nghiệp, UBND tỉnh Long An cùng Bộ Tài chính đã họp bàn nhiều lần, tính chuyển nhà máy sang cho Tổng công ty dệt may. Tuy nhiên, mối liên hệ với dệt và công ty may còn yếu, lỗ lớn quá nên Chính phủ quyết định cho phá sản.

Việc quản lý lòng hồ Trị An thuộc về địa phương và Tổng công ty điện lực Việt Nam. Tổng công ty điện lực Việt Nam đã đề nghị nhà máy thuộc chủ quản không cấp điện cho các hộ dân lấn chiếm. Song các hộ dân đã xoay sở để có giấy cấp đất của địa phương. Đây là sự bất cập giữa quan lý đất đai của địa phương và quản lý lòng hồ của ngành điện lực. Sắp tới ngành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Về dự án Nhà máy giấy Kon Tum bị ngừng vì không cân đối được vốn và vùng nguyên liệu bị co hẹp. Vùng nguyên liệu này sẽ được tận dụng cho cung cấp nguyên liệu giấy. Vốn rà bom mìn và giải phóng mặt bằng sẽ được sử lý và chuyên giao sang lĩnh vực khác. Bộ trưởng cũng nhận khuyết điểm là đã không giam sát chặt chẽ dự án này. 
 
Đại biểu Phạm Ngọc Thiện tán thành với báo cáo của ông Hải về nguyên nhân chậm trễ trong triển khai Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, ông Thiện thắc mắc liệu sự trì trệ này có phải do vị trí không thích hợp và nếu vậy trách nhiệm của Bộ Công nghiệp như thế nào khi tham mưu cho Chính phủ. Bộ trưởng cũng có trách nhiệm gì về tình trạng thất thoát hạng mục đầu tư?

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Hải cho biết, dự án có báo cáo khả thi từ năm 1997, gần đây mới được chấp nhận. Khi chọn địa điểm đặt nhà máy đã có sự cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển công nghiệp, địa phương đã có một vài ý kiến, ngay Bộ Công Nghiệp cũng thấy nhiều bất cập. Song các cơ quan, bộ ngành tham mưu đã tính đến mực đích chung cho sự phát triển chung. Đối với những địa phương còn khó khăn, nhà nước phải có trách nhiệm phân bổ cho đồng đều. Bộ trưởng cho rằng lựa chọn Dung Quất để đặt nhà máy là quyết định đúng đắn. Vướng mắc không phải xuất phát từ địa điểm hay thiếu vốn. Còn về sai phạm của Petrovietnam, các cơ quan pháp luật đang xem xét, điều tra để có biện pháp xử lý. Những tiêu cực tại đây thuộc về trách nhiệm, phẩm chất của cán bộ vi phạm. Họ đều là cán bộ, đảng viên được rèn luyện mà vẫn sai phạm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm liên đới. "Bộ Công nghiệp không thoái thác, nếu có liên quan xin nhận trách nhiệm", ông Hải nói.

V.Q (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục