Lòng thương trẻ vô biên
Đây là điểm rèn kỹ năng đọc - nói tiếng Việt cho trẻ em nhập cư không có điều kiện đến trường, mà cha mẹ các em đang tham gia lao động sản xuất tại các cơ sở ở địa phương. Đồng thời là điểm ôn tập miễn phí cho học sinh nghèo. Đứng ra tổ chức lớp học là ông Đoàn Minh Hùng, người đã có 10 năm gắn bó với trẻ nhập cư.
Ông Đoàn Minh Hùng đang dạy cho trẻ nhập cư
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu, cuộc sống của ông Hùng cũng gặp nhiều khó khăn. Khoảng 6 tháng làm nông ở quê xong, công việc rảnh rỗi thì ông lại lên TPHCM thuê phòng trọ kiếm việc làm để có thêm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Sống ở những khu nhà trọ, ông tiếp xúc, chứng kiến nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Có những em đã đến độ tuổi đi học mà không được đến trường, phải đi bán vé số, đi lượm ve chai mưu sinh. Với ý nguyện giúp các em biết được con chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi, ông Hùng quyết định mở lớp dạy chữ cho các em, mặc dù ông không được đào tạo qua trường lớp chính quy.
Lớp học có khoảng 70 em ở độ tuổi 7 - 14. Ngoài ra, có khoảng 10 người là công nhân, lao động tự do ở độ tuổi từ 22 đến 47 cũng theo học. Đang ngồi nói chuyện, ông Hùng chỉ tay về phía cậu bé đẩy một xe đầy ắp ve chai giữa trời nắng gắt. Khi thấy ông, cậu bé lễ phép cúi đầu chào.
Ông Hùng cho biết, em tên Dương Tài, 12 tuổi, ở phòng trọ gần đó và đang theo học chương trình lớp 3. Hoàn cảnh của em Tài rất khó khăn, nhà ở Bình Chánh nhưng do hoàn cảnh mà em, mẹ và bà ngoại phải lên quận Tân Phú thuê phòng trọ ở. Hàng ngày 3 người đi lượm ve chai kiếm sống. Có khi đi lượm ve chai đến khuya mới về nhà, nhưng một ngày bán cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Em Tài mơ ước, sau khi biết đọc, biết viết thông thạo, em sẽ dành dụm tiền học một nghề nào đó để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và bà ngoại.
Dạy trẻ biết sống nghĩa nhân
Cũng chở 2 đứa con đến lớp học này, chị Đặng Thị Tiên (34 tuổi) cho biết, quê chị ở huyện Phú Tân, An Giang. Cuộc sống khó khăn, nên gia đình chị dắt nhau lên TPHCM sinh sống. Thuê phòng trọ ở gần đây, hai vợ chồng đi làm công nhân. Tiền thuê phòng, tiền ăn uống cho cả gia đình đã chiếm hết khoản thu nhập của vợ chồng nên 2 đứa con chị không có điều kiện đến trường. May có người chỉ chị lớp học miễn phí của ông Hùng, chị xin cho con vào học.
Đến nay, đứa lớn đã học được 4 năm, đứa nhỏ 6 tuổi cũng vào học chương trình lớp 1. Tất cả các em học ở đây đều được ông Hùng lo sách vở, tập, viết… Gia đình không phải mua món gì hết.
Ngoài ra, thứ bảy hàng tuần, các em còn được học tiếng Anh. Không chỉ được học chữ, các em còn được ông Hùng dạy đạo đức, dạy cách ứng xử lễ phép, văn minh, lịch sự, biết sống nghĩa nhân. Ông dạy các cháu, gặp người quen phải biết chào hỏi; nói chuyện với thầy cô và người lớn tuổi, phải biết dạ thưa. Chính vì vậy mà các em mặc dù đã tiếp xúc, lăn lộn ngoài đời nhiều, nhưng khi vào lớp học không bao giờ nghe một tiếng chửi thề. Các em lớn tuổi, sau khi biết đọc, viết thông thạo, ông cũng tạo điều kiện cho đi học nghề làm tóc để sau này có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Để điều hành và dạy cho hàng chục em như thế, ông Hùng có sự giúp sức đắc lực của các tình nguyện viên. Họ là các cô hưu trí, các bạn trẻ đi làm trong các công ty, xí nghiệp; có những bạn đang là công chức nhà nước. Sau khi tan sở, các bạn tranh thủ chạy thẳng đến lớp học để dạy cho kịp giờ. Để duy trì được lớp học trong nhiều năm như thế, tài chính cũng là cả một vấn đề. Tiền thuê nhà hàng tháng, tiền sách vở, tập viết, tiền chợ hàng ngày phục vụ cho hàng chục em tốn một chi phí đáng kể.
Ông Hùng cho biết, ông đã bán tất cả đất đai ngoài quê vào đây thuê nhà để ở và mở lớp học. Mặc dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng biết được ý nguyện tốt của ông, vợ và các con không những ủng hộ tích cực mà còn phụ giúp, đồng hành cùng ông trong công việc gieo chữ cho những trẻ em nghèo, cơ nhỡ.