* GDP Thái Lan trong năm 2010 có thể giảm từ 1% đến 1,5%
Theo AFP, Tòa án hình sự Thái Lan ngày hôm nay, 25-5, sẽ ra trát bắt giữ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra về tội danh khủng bố liên quan đến các vụ bạo động trên đường phố của lực lượng Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD - áo đỏ) do ông bảo trợ.
Giám đốc cơ quan điều tra đặc biệt của Thái Lan (DSI), ông Tharith Pengdit cho biết đã có bằng chứng về sự can dự của ông Thaksin trong các vụ bạo động này. Dự kiến tòa án sẽ yêu cầu DSI cung cấp nhân chứng và DSI cũng đã nộp 2 hồ sơ về vụ này, ông Tharith nói.
Trước đó, hôm 18-5, tòa án đã chấp thuận yêu cầu của DSI ra trát bắt giữ 10 người, trong đó có ông Thaksin. Nhưng sau đó tòa án bãi bỏ quyết định này và yêu cầu DSI có thêm bằng chứng. Tại Thái Lan, tội danh khủng bố có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trát bắt giữ ông Thaksin lần này cũng sẽ tạo thêm áp lực với nhiều nước vốn từ chối dẫn độ ông Thaksin về Thái Lan về tội tham nhũng đã được ra trát trước đó. Tòa án Thái Lan đã bác bỏ yêu cầu kháng cáo của luật sư ông Thaksin, cho rằng luật sư không có quyền bào chữa cho ông trong trường hợp này.
Trước đó, đảng đối lập Puea Thái Lan đã đệ trình 2 kiến nghị lên quốc hội. Một kiến nghị đòi phế truất Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và 3 thành viên chính phủ, một kiến nghị đòi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng và 5 vị bộ trưởng.
Kiến nghị thứ nhất với chữ ký của 159 nghị sĩ thuộc đảng Puea Thái Lan nộp lên Chủ tịch Thượng viện cáo buộc Thủ tướng Abhisit cùng với Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chavarat Charnvirakul và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Sohpon Zarum đã áp dụng sai lệch điều 270 của hiến pháp nước này trong việc xử lý người biểu tình áo đỏ vừa qua.
Kiến nghị thứ hai với chữ ký của 184 nghị sĩ đảng này nộp lên chủ tịch hạ viên đòi bỏ phiếu tín nhiệm 3 thành viên chính phủ Thái Lan nói trên cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính Korn Chatikavanij và Bộ trưởng Ngoại giao Kasit Piromya. Phía Chính phủ Thái Lan cho biết sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào từ quốc hội về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Cùng ngày, Trung tâm giải pháp cho các tình huống khẩn cấp của Thái Lan (CRES) cho biết họ đề nghị chính phủ tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm tại Bangkok và 23 tỉnh khác thêm 7 ngày nữa, bắt đầu từ ngày 25-5. Giờ giới nghiêm áp dụng từ 0 giờ đến 4 giờ sáng. Hôm nay, 25-5, nội các Thái Lan sẽ họp quyết định vấn đề này. Lệnh giới nghiêm trước đó bắt đầu áp dụng từ hôm 19-5, ngay sau khi chính phủ kết thúc cuộc biểu tình của phe áo đỏ.
Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách kinh tế, ông Trairong Suwannakhiri, do hậu quả của các cuộc biểu tình và bạo động vừa qua, GDP của nước này trong năm 2010 có thể giảm từ 1% đến 1,5%, ảnh hưởng đến tiêu dùng 3%, đầu tư 3% và du lịch 10%. Theo ông, chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư và bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do các cuộc biểu tình vừa qua.
H.QUỐC
- Thông tin liên quan:
>> Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng?
- Bài 5: Lấy lại hình ảnh đã mất!
- Bài 4: Bangkok chưa bình yên
- Bài 3: “Một ngày của chiến tranh”
- Bài 2: Bangkok vắng vẻ nhưng không bình yên
- Bài 1: Vai trò của nhà vua và quân đội
>> Thái Lan kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 3 đêm nữa
>> Thái Lan: Phe áo đỏ đầu hàng
>> "Chiến trường" Bangkok: 5 người bị thương, trong đó có 3 nhà báo
>> Quân đội Thái Lan ra đòn quyết định với áo đỏ
>> Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? - Bài 2: Bangkok vắng vẻ nhưng không bình yên
>> Bài 1: Vai trò của nhà vua và quân đội
>> Thái Lan: Bạo lực đã lắng dịu
>> Chính phủ Thái Lan bác bỏ đề nghị ngừng bắn
>> Thái Lan: Áo đỏ đề xuất ngừng chiến