Phải đánh mới không đau

Chẳng phải chuyện “Nằm gai nếm mật” của Việt Vương Câu Tiễn thời xưa nằm trên bó gai sai Văn Chủng, Phạm Lãi dùng roi quất để nhắc nhớ đến nỗi nhục mất nước. Chỉ là việc hàng ngày của người hiện đại: đánh răng.

Chẳng phải chuyện “Nằm gai nếm mật” của Việt Vương Câu Tiễn thời xưa nằm trên bó gai sai Văn Chủng, Phạm Lãi dùng roi quất để nhắc nhớ đến nỗi nhục mất nước. Chỉ là việc hàng ngày của người hiện đại: đánh răng.

Người Việt mới chỉ có hàm răng “đáng đánh” vào quãng đầu thế kỷ XX. Khi mà phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng đã có những ảnh hưởng sâu rộng. Người ta bắt đầu cắt tóc ngắn và để răng trắng.

Nói như thế không có nghĩa là các cụ ta xưa không đánh răng. Chỉ khác ta bây giờ ở những dụng cụ và hóa chất dùng vào việc này. Ngày xưa trong cơi trầu cụ bà thể nào cũng phải có vài mảnh vỏ cau khô dùng để đánh răng hàng ngày. Các cụ ông sĩ diện không tích trữ sẵn vỏ cau thường phải xin các cụ bà. Tuy nhiên, việc đánh răng lúc ấy có mục đích ngược lại với bây giờ. Đánh răng để cho nó đen hơn và lớp nhựa nhuộm răng bền hơn. Làm sạch răng đã có cái tăm.

Người Pháp mang công cụ đánh răng vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ trước cũng chưa phổ biến rộng rãi lắm cho dân bản xứ. Phải đến nửa sau thế kỷ XX nó mới được thông dụng ở các đô thị lớn. Nghĩa là người Việt mới làm quen với chiếc bàn chải nhựa và thuốc đánh răng chừng hơn nửa thế kỷ. Và cũng chỉ vài năm gần đây, kỹ thuật đánh răng mới được phổ biến rộng rãi nhờ các hãng sản xuất bàn chải.

Những năm 60 thế kỷ trước, lũ trẻ Hà Nội sơ tán về các vùng quê xa xôi sáng ra nháo nhác hỏi nhau tìm cái bàn chải. Ông nông dân chủ nhà nhìn bà vợ ngái ngủ cố nín cười. Bà ấy đỏ bừng hai má nguýt ông một cái rõ dài. Ở nông thôn ngày ấy người ta nghĩ về cái bàn chải rất khác bây giờ. Nhất là lại dùng để đánh răng!

Ở Hà Nội ngày ấy có duy nhất một nhà máy sản xuất kem đánh răng nằm trong khu Cao Xà Lá-Thanh Xuân. Cao su, xà phòng, thuốc lá được dồn vào một nơi sản xuất như những món hàng xa xỉ. Nhà máy được canh gác cẩn mật chẳng khác gì doanh trại quân đội. Thuốc đánh răng Ngọc Lan được đóng vào vỏ chì đen nhẻm. Bên ngoài vỏ sơn trắng vẽ bông hoa ngọc lan nõn nà. Trẻ con nhặt vỏ ống thuốc về cho vào ống bơ nung nhờ ở cửa hiệu giặt là cho nóng chảy đổ vào trôn bát thành ra những đồng cái chơi xèng. Thuốc đánh răng ngày ấy là thứ “đồ ngọt” rất hấp dẫn. Nhiều đứa trẻ lén mang ra chấm với khế chua chén ngon lành. Nhưng sang đến hồi chiến tranh phá hoại ác liệt và cả những năm bao cấp sau hòa bình, nhà máy thuốc đánh răng bị thiếu nguyên liệu trầm trọng. Đại khái là thiếu dung dịch glycerin gì đó để giữ độ ẩm cho kem lúc nào cũng mềm. Thuốc đánh răng bột ra đời đóng gói trong túi ni lông. Có tờ hướng dẫn in ronéo để trong túi dạy rằng phải thấm ướt bàn chải để chấm thuốc. Trẻ con muộn giờ đến lớp thường quên. Bột đánh răng mịn nhẹ hít ngay vào mũi sặc sụa chảy nước mắt. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng mua được thuốc đánh răng bột. Hàm răng phố phường nhiều khi phải đánh bằng muối ăn mặn chát. Thành ngữ dân phố “Răng thưa, mồm thối, đầu gối củ lạc” ra đời không phải là không có nguyên nhân. Lúc ấy, các cụ rất già còn giữ được hàm răng đen nhánh nhìn lũ con cháu nháo nhác đi tìm thuốc đánh răng mà ngán ngẩm cho cái nền văn minh vội vàng.

Thời ấy cũng chỉ có duy nhất một xí nghiệp nhựa Hàm Rồng sản xuất bàn chải đánh răng. Đó là thứ bàn chải cứng quèo người Hà Nội còn ấn tượng mãi cho đến tận bây giờ. “Hàm rồng” luôn tỏ rõ uy lực với hàm người nên rất khó lòng nhận được sự cảm thông chia sẻ. Nhưng so với “tấm gương sáng” anh hùng Lôi Phong bên Tàu hồi ấy nhặt bàn chải ở bãi rác mang về rửa sạch đi dùng lại thì bàn chải Hàm Rồng còn sang trọng chán.

Răng ở Hà Nội bây giờ so với thời chiến tranh đã tăng lên ít nhất gấp mười lần. Nhưng thật lạ, bàn chải và kem đánh răng có lẽ còn tăng gấp nhiều lần hơn thế. Các hãng sản xuất phải cạnh tranh rất quyết liệt mới mong bán được hàng. Bằng chứng là cứ ba quảng cáo trên truyền hình hay báo chí thể nào cũng có ít nhất một dành cho kem đánh răng. Đi kèm với nó bao giờ cũng là bàn chải cùng hãng. Người ta làm đồ họa 3D phóng to vi trùng và dùng bàn chải quét sạch.

Giờ thì không chỉ có duy nhất chiếc bàn chải dùng sức người nữa. Khoa học ứng dụng đã làm ra chiếc bàn chải thông minh chạy điện để cho người kém khéo léo đôi bàn tay nhất cũng có thể đánh được răng của mình. Thứ duy nhất trên thân thể hễ cứ không “đánh” là đau!

10-2014

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục