Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa chỉ đạo Cục Viễn thông và các nhà mạng cần quyết liệt xử lý SIM rác, phải có giải pháp giải quyết xử lý tình trạng SIM rác ngay trong tháng 3-2019, kiên quyết không để tình trạng này kéo dài.
Trong rất nhiều năm qua, SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán nhiều ngoài thị trường. Đây là vấn đề lâu nay luôn nóng nhưng chưa được giải quyết triệt để, dù trong vài năm trở lại đây, Bộ TT-TT và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề này. Hiện trên thị trường, SIM rác của các nhà mạng vẫn được bày bán công khai và người sử dụng có thể mua dễ dàng mà không cần đăng ký thông tin thuê bao như quy định. Tại cuộc làm việc với Bộ TT-TT giữa tháng 1-2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý triệt để vấn đề SIM rác. “Nhân hội nghị này, tôi đề nghị chủ tịch, tổng giám đốc các công ty, doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác. SIM rác không xử lý được thì hậu quả rất khôn lường. Chỉ có Việt Nam mua SIM dễ dàng như vậy, có nước nào mua sim dễ dàng như Việt Nam đâu. Bộ trưởng phải chỉ đạo các đơn vị liên quan về viễn thông để làm việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hòa thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn SIM rác. Vì vậy, Bộ TT-TT sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm người đứng đầu các nhà mạng được nhắc đến khi đề cập đến vấn nạn SIM rác. Tháng 5-2016, 5 mạng di động là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết chặn tin nhắn rác. Theo đó, người đứng đầu các nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TT-TT về việc thực hiện cam kết này. Trong 2 năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT-TT, các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, trong đó có việc khóa dịch vụ, thu hồi gần 20 triệu SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối (SIM rác). Mặc dù các giải pháp đó đã góp phần giảm đáng kể tin nhắn rác, nhưng qua thực tế cho thấy tin nhắn rác vẫn tồn tại khá phổ biến và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Một trong những nguyên nhân là chưa có sự thống nhất về tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, các hệ thống, biện pháp chặn lọc tin nhắn rác của nhà mạng chưa đồng đều cũng như chưa có cơ chế phối hợp chặn, lọc tin nhắn rác liên mạng.
Chính vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ TT-TT cho biết sẽ công bố chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác. Chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên các số liệu phản ánh của khách hàng về tin nhắn rác và số liệu chặn tin nhắn rác từ hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng, bao gồm cả chặn nội mạng và liên mạng. Đây được coi là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ di động của các nhà mạng sau này và được công bố trên trang chủ website của nhà mạng để xã hội, người dân cùng giám sát kết quả ngăn chặn tin nhắn rác. Cùng với đó, một lần nữa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu của các nhà mạng sẽ được Bộ TT-TT siết chặt, làm mạnh. Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, tháng 3 này làm quyết liệt và đến tháng 6-2019 phải dứt điểm vấn nạn SIM rác. Hy vọng đây là lần cuối Bộ TT-TT phải “quyết liệt” với vấn nạn SIM rác, bởi nhiều năm qua, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp viễn thông đã nhiều lần “hạ quyết tâm”, nhưng rồi câu chuyện SIM rác chỉ có giảm đi đôi chút, lắng xuống; chứ chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm. Dù ai cũng biết những hệ lụy, vấn nạn, kể cả chuyện an ninh quốc phòng do SIM rác gây ra. Rõ ràng, các nhà mạng, đại lý kinh doanh bị phạt tiền nặng có vẻ vẫn chưa đủ mức răn đe. Phải có chế tài mạnh hơn, khách quan hơn và sự quyết liệt “thực chất” từ trên xuống dưới, thì vấn nạn SIM rác mới hết được!