
(SGGP 12G).- Từ lúc chiến dịch Mùa hè xanh bắt đầu, hòa trong không khí tình nguyện của hàng ngàn chiến sĩ trên khắp các mặt trận, tại TPHCM, gần 200 sinh viên cũng đi về các khu chế xuất, khu công nghiệp, quận huyện để dạy học cho các em thiếu nhi và công nhân.
Khi sinh viên làm giáo viên

“Cô giáo” Mùa hè xanh đang dạy Anh văn cho các em thiếu nhi tại lớp học tình thương ở quận 7
Từ hơn 3 tuần nay, cứ đến khoảng 6g chiều, các “thầy cô” Mùa hè xanh đóng quân tại địa bàn quận 7 lại tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều để kịp giờ lên lớp. Hè này, ngoài tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thì dạy ngoại ngữ cho các em thiếu nhi và công nhân ở KCX Tân Thuận được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các chiến sĩ. 4 cô giáo lớp Anh văn thiếu nhi đã rất quen khuôn mặt các học trò của mình.
Cứ 7g tối, tiếng đọc bài ê a của lũ trẻ lại vang lên trong lớp học nhỏ nằm khuất trong một hẻm sâu trên đường Huỳnh Tấn Phát. Học trò đứa nào cũng nghịch phá nhiều lúc khiến các cô như muốn… khóc, nhưng có khi chúng lại thủ thỉ “Cô dạy bọn em thật lâu cô nhé” thì bao mệt nhọc trong người lại tan biến hết.
Bạn Lê Đăng Hạnh Nguyên cho biết: “Các em học ở đây đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên càng dạy càng thêm thương mấy đứa!”. Mỗi tối, khi buổi học bắt đầu thì một cô đứng trên bục giảng bài, cô khác lại đi xung quanh để chỉ những chỗ nào các em chưa hiểu. “Dạy tiếng Anh cho các em điều quan trọng là mình phải nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Các em đã không may mắn được học như những đứa trẻ khác nên mình càng phải dành cho các em nhiều tình cảm”, một bạn khác tâm sự.
Cách đó không xa, lớp tiếng Hàn dành cho công nhân KCX Tân Thuận cũng được khai giảng ngay từ đầu chiến dịch. Lớp học này có 3 thầy cô đứng lớp. Đúng 6g30 vào học thì từ 6g kém họ đã có mặt để “họp giao ban” trước giờ lên lớp. Chị Bùi Thị Tâm, Công ty Pung Kook Sai Gon vừa tan ca, ghé vội phòng trọ lót dạ bằng gói mì tôm rồi chạy đến lớp. Chị cho biết: “Mặc dù đi làm về mệt nhưng từ khi các sinh viên về mở lớp này thì tôi đăng ký học liền. Hy vọng là sau một thời gian có thể giao tiếp ít nhiều với người Hàn Quốc là vui rồi!”.
Nhìn các thầy cô say sưa giảng bài cho các công nhân mà chúng tôi cứ nghĩ họ đã là những giáo viên thực thụ. Thỉnh thoảng, một cánh tay giơ lên thắc mắc thì Đức Mỹ và Trần Tỷ lại vui vẻ đến chỉ dẫn. Nhờ cách dạy phối hợp đó mà các công nhân tiếp thu bài một cách rất nhanh.
Anh Nguyễn Văn Vinh, công nhân của Công ty Pung Kook Sai Gon, 43 tuổi, chưa buổi nào anh vắng mặt. Anh tâm sự: “Mặc dù lớn tuổi rồi nhưng tôi vẫn theo các bạn sinh viên học lớp này, để khi vào công ty người ta hỏi còn biết đường trả lời”. Nhiều hôm trên đường đến lớp thì trời mưa tầm tã nhưng biết các công nhân đang chờ nên các bạn vẫn đến với lớp. Có những khi dạy “hăng” quá, trễ giờ về tới nhà chỉ lót dạ bằng gói mì tôm nhưng nghĩ về lớp học các chiến sĩ tình nguyện vẫn cảm thấy ấm lòng.
Năm nay, quận 12 cũng có 11 thầy cô sinh viên về dạy. Ở đây các sinh viên cũng tổ chức một lớp dạy tiếng Hoa cho công nhân và lớp tiếng Anh cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Các lớp học lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười vì các bạn đã có nhiều sáng tạo trong quá trình dạy. Bạn Đào Lê Na cho biết: “Trong các buổi lên lớp thường tổ chức các trò chơi hoặc học các bài hát. Theo phương pháp này, các bạn học sinh sẽ cảm thấy thoải mái và dễ tiếp thu bài hơn”.
Nỗi trăn trở…
Năm trước Hiệp là “chuyên gia” trợ giảng thì năm nay đã một thầy giáo được rất nhiều học trò quý mến! Hiệp tâm sự: “Mình muốn đem những gì học được ở trong nhà trường để làm một điều gì đó có ích cho xã hội. Được gần các anh chị công nhân trong những ngày qua làm mình cảm thấy lớn thêm rất nhiều!”. Các sinh viên đều rất vui khi được các công nhân và các em thiếu nhi gọi bằng thầy, cô. Còn đối với Duyên và Hà, hai chiến sĩ phụ trách lớp Anh văn thiếu nhi thì “Không hạnh phúc gì hơn khi được giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn”.
Dù chỉ cùng làm việc bên nhau một tháng nhưng giữa thầy cô sinh viên và các công nhân có nhiều kỷ niệm thật vui và đáng nhớ. Không chỉ muốn được tiếp tục theo học để có kiến thức mà nhiều công nhân còn rất lưu luyến các thầy cô của mình. Chị Trần Tuyết An thổ lộ: “Theo các bạn sinh viên học ở lớp đây, mình không chỉ được học ngoại ngữ mà còn rất khâm phục sự nhiệt tình của mấy bạn. Tôi rất mong các bạn sẽ tiếp tục dạy cho các công nhân ở đây thêm một thời gian nữa”.
Các sinh viên sau một tháng gắn bó với lớp học đều cảm thấy nuối tiếc vì phải chia tay. Anh Trần Văn Thái, người đã theo lớp học từ ngày đầu khai giảng nói trong tiếc nuối: “Mình mới học được một thời gian mà cảm thấy thích lắm. Nghe bảo, các thầy cô chỉ dạy mấy buổi nữa sẽ kết thúc mà buồn quá!”. Nhiều công nhân rất muốn lớp được duy trì thường xuyên để họ có thể nâng cao khả năng giao tiếp với người Hàn Quốc. Đem nguyện vọng này trao đổi với chị Trương Thị Ngọc Yến, Phó ban Thanh niên công nhân lao động thì được biết: Ban chỉ huy chiến dịch đang phối hợp với lãnh đạo KCX, đồng thời tìm giáo viên để các lớp học vẫn được duy trì lâu dài.
Trong chiến dịch Mùa hè xanh 2008, Ban chỉ huy đã tổ chức dạy ngoại ngữ và phổ cập tin học cho hơn 12.500 công nhân ở 12 mặt trận bao gồm các KCX, KCN và địa bàn dân cư. Năm nay, có 222 lớp được tổ chức, trong đó có 175 lớp ngoại ngữ, tin học 47 lớp. Được biết, đây là một trong 15 công trình trọng điểm của chiến dịch Mùa hè xanh năm nay. |
QUANG QUÝ