Dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào Pháp cũng như các nước trong khối EU, điều này được các chuyên gia Pháp nhận định tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Pháp và EU” do hệ thống Siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Casino Pháp) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức tại TPHCM.
Nhu cầu đa dạng thị trường
Từ lâu EU đã trở thành thị trường truyền thống và hiện là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn thứ 2 của nước ta, sau Mỹ. Tuy nhiên, trong tiếp cận với thị trường từng nước trong thị trường chung EU thì xuất khẩu dệt may vào Pháp vẫn khiêm tốn.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Pháp khoảng 6,5 tỷ USD/năm (5 tỷ EUR). Dù đạt tăng trưởng trên 38% so với năm 2010, thế nhưng, hàng dệt may của các doanh nghiệp vào Pháp năm 2011 chỉ đạt khoảng 202 triệu USD, đứng thứ 11 trong những thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam.
So với các nước khác trong EU như Đức, Anh, Tây Ban Nha, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ VN của Pháp còn thấp, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3. Với am hiểu và nhiều trải nghiệm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng dệt may tại Việt Nam, Pháp và EU, bà Alice Baey, Giám đốc thu mua toàn cầu Tập đoàn Casino, cho biết hiện nay hàng dệt may của Trung Quốc, Bangladesh đang chiếm giữ thị phần lớn tại EU, Pháp, tuy nhiên hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều cơ hội gia tăng thị phần vào đây khi nhà nhập khẩu Pháp đang muốn đa dạng nguồn cung.
Vì không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”, lệ thuộc quá nhiều vào cung ứng của Trung Quốc, Bangladesh, các nhà nhập khẩu hàng dệt may Pháp đang tìm đến Việt Nam. Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nhà nhập nhập khẩu đang bị tồn kho, tiêu thụ hàng cao cấp giảm, sản lượng đơn hàng cũng giảm so với trước. Tuy nhiên, phân khúc hàng dệt may dành cho giới trẻ vẫn tăng trưởng tốt.
Bà Alice Baey chia sẻ, thị trường bán lẻ của Pháp khác với nhiều nước EU. 36% thị phần dệt may tiêu thụ ở Pháp phân phối ở các chuỗi cửa hàng, do vậy tính cạnh tranh rất khốc liệt. Được mệnh danh là một trong những kinh đô thời trang của thế giới nên đáp ứng sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã hàng hóa ở Pháp là một yếu tố quan trọng, cần thiết để có thể đứng vững ở thị trường này.
Nhãn hàng Decathlon của Tập đoàn Oxylane (Pháp) là nhãn hàng thời trang hạng sang, đứng đầu tại Pháp và các nước EU. Trong 10 năm qua, Decathlon đã vào Việt Nam, trở thành đối tác lớn của Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex).
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Garmex, cho biết Garmex chủ yếu thực hiện các đơn hàng trung, cao cấp, sản xuất áo jacket, đồ thể thao dưới nước… bằng phương thức FOB (mua đứt, bán đoạn) cho Decathlon, với sản lượng khá lớn, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của Garmex.
Chuẩn bị cho mùa thu đông tới, đơn hàng Garmex thực hiện cho Decathlon có 28 mẫu nhưng trong đó có đến 23 mẫu mới. Hiện nay, Decathlon đang mở rộng hoạt động sản xuất, tìm nguồn cung ứng tại nước ta.
Thị trường khó tính
Với 10.000 cửa hàng theo nhiều mô hình và thương hiệu khác nhau tại 9 nước trên thế giới, Tập đoàn Casino đã và đang là cầu nối, đối tác lớn đưa hàng dệt may Việt Nam và nhiều ngành hàng khác tiếp cận, mở rộng tiêu thụ ra thị trường thế giới, nhất là vào thị trường EU.
Là một đối tác cung ứng nhiều dòng sản phẩm dệt may cho hệ thống Big C tại Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Phạm Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phong Phú đánh giá, yêu cầu cho thị trường Pháp khá cao và có thể nói đây là thị trường khá khó tính. Đơn hàng có sản lượng nhỏ, nhiều màu sắc, đòi hỏi tính thời trang nhưng thời gian giao hàng lại nhanh. Do vậy, sản phẩm khăn bông của Thổ Nhĩ Kỳ vào Pháp, EU khá thuận lợi do khoảng cách địa lý gần hơn, giao hàng nhanh hơn.
Hiện khăn bông là sản phẩm chủ lực của Phong Phú cung ứng cho Big C, với tăng trưởng 30%-40%/năm, đạt doanh thu 1 triệu USD năm 2011.
Bà Jo Bueters, cố vấn kỹ thuật và chiến lược ngành hàng phi thực phẩm của Tập đoàn Casino, cho biết do đòi hỏi về tính thời trang khá cao nên thị trường Pháp, EU muốn đa dạng hóa thị trường cung ứng để nguồn cung đảm bảo có mặt ra thị trường kịp lúc. Chính vì vậy, giao hàng đúng hẹn là điều tiên quyết ở thị trường này. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tận dụng tay nghề tốt của lực lượng lao động để làm sản phẩm cấp cao hơn cho EU.
Hiện nay Việt Nam làm khá tốt ở thị trường tầm trung nhưng phần lớn còn phụ thuộc vào đối tác đặt hàng. Việc bảo vệ người tiêu dùng, tuân thủ các qui tắc ứng xử về an sinh xã hội, môi trường là điều người tiêu dùng EU rất quan tâm.
MỸ HẠNH