Phát huy giá trị nghệ thuật dân gian - dân tộc: Bắt đầu bằng chuyện đào tạo nhân lực

Sở VH-TT TPHCM vừa tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Giải pháp phát huy hiệu quả các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc ở TPHCM”.  

Sở VH-TT TPHCM vừa tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Giải pháp phát huy hiệu quả các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc ở TPHCM”. Các đại biểu tham dự tọa đàm đã bày tỏ lo lắng và cả bức xúc về thực trạng công tác quản lý, tổ chức biểu diễn; bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian - dân tộc như đờn ca tài tử, hát bội, cải lương, múa bóng rỗi… trong đời sống xã hội. 

Đáng lo 

TS Mai Mỹ Duyên tâm tư: “Ở TPHCM có gần 200 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế có không ít CLB sau khi ra đời chỉ hoạt động sôi nổi trong một thời gian rồi vì nhiều nguyên nhân nên sinh hoạt rời rạc, các thành viên đến với CLB chỉ nhằm vào mục đích có nơi để hát cho vui, chưa chú trọng nhiều đến việc đẩy mạnh, nâng chất và mở rộng hoạt động của CLB. Lo lắng nhất chính là tình trạng thiếu hụt nhạc công nghiêm trọng trong đời sống đờn ca tài tử của TPHCM và ở các tỉnh thành phía Nam”. 

Trong khi đó, nghệ thuật hát bội tại thành phố cũng đang chông chênh trên “triền dốc” vì trong 2 năm tới, khi những nghệ sĩ giỏi nghề của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM lần lượt về hưu, lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa chỉ có hơn 10 người, nhà hát sẽ rơi vào trình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Nguyên nhân nằm ở chỗ, chính các quy định về bằng cấp; thiếu trường lớp đào tạo chính quy, bài bản về nghệ thuật hát bội tại TPHCM; chế độ đãi ngộ chưa được chú trọng... là những trói buộc công tác tuyển người mới. Nghịch lý là có những người không bằng cấp nhưng ca hay diễn giỏi, lại có người đủ bằng cấp nhưng không có năng khiếu làm nghề. 

Phát huy giá trị nghệ thuật dân gian - dân tộc: Bắt đầu bằng chuyện đào tạo nhân lực ảnh 1 Nghệ thuật hát bội được quảng bá tại sân khấu trước Đền Hùng - Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Sàn diễn nghệ thuật cải lương nhiều năm qua cũng rơi vào tình trạng heo hút trong tổ chức biểu diễn, đào tạo nhân lực… Việc thiếu hụt đội ngũ tác giả, đạo diễn giỏi nghề, nghệ sĩ trẻ tài năng và cả những sàn diễn hội đủ điều kiện tổ chức cơ bản cho loại hình nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp, đã khiến sân khấu cải lương hoạt động manh mún, cầm chừng. 

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn có nhiều năm theo đuổi các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc, lo lắng: “Đờn ca tài tử được công nhận vì tính chất di sản văn hóa, nhưng những biến tướng của nó trong cuộc sống hiện nay đang khiến loại hình nghệ thuật này giảm đi chất mộc mạc và tính dân tộc. Mặt khác, vấn đề không gian sống của các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc là vô cùng quan trọng, cần phải thiết lập, đầu tư xây dựng, sắp xếp như thế nào để chúng có được các điều kiện thuận lợi hoạt động, bảo tồn và phát triển”. 

Nhiều vấn đề cấp thiết 

Từ thực tiễn 3 không (không nhà hát, không trường đào tạo, không thấy tương lai), ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, đề xuất: “Chúng tôi hy vọng nhà hát có được sự đồng ý cho phép liên kết với các trường đào tạo chính quy để tổ chức đào tạo nghệ sĩ trẻ, giúp các em có bằng cấp, đủ điều kiện vào nhà hát làm nghề”. Hiện nay, với công tác đào tạo chính quy, Nhạc viện TPHCM cũng đã thiết kế một số chương trình đào tạo dành riêng cho các nhạc công hát bội hay nghệ nhân đờn ca tài tử, nhằm hợp thức về văn bằng, chứng chỉ cần thiết cho người có nhu cầu.

Ở góc nhìn của một nhà nghiên cứu, TS Mai Mỹ Duyên nhận định: “Hệ thống thiết chế văn hóa tại TPHCM hiện khá mạnh, vậy phải xây dựng mô hình hoạt động của các trung tâm văn hóa như thế nào cho phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Phải đặt vấn đề không gian văn hóa, không gian sinh tồn của các loại hình nghệ thuật dân gian là ở đâu, như không gian diễn xướng của múa bóng rỗi là ở miếu, hát bội ở đình... Cần thiết phải xây dựng trang web giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc tại TPHCM, nơi nào tổ chức, giá vé ra sao...”. 

Theo thời cuộc, nghệ thuật dân gian - dân tộc luôn có sự biến đổi để tồn tại, tuy nhiên, biến đổi như thế nào để vẫn giữ được giá trị cốt lõi, để không bị mai một mới là quan trọng. Thực tiễn tuy có nhiều cách làm giúp bảo tồn, quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống, nhưng cũng phải phụ thuộc nhiều về tài chính, vậy nên rất cần có những quy định tài chính dành cho việc phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc. Các CLB đờn ca tài tử nên gắn kết với đào tạo, xây dựng tài liệu chuẩn về đờn ca tài tử; cần làm các cuộc khảo sát thực tế về đối tượng yêu thích thưởng thức và tìm hiểu nghệ thuật dân gian - dân tộc là ai, nhu cầu khán giả cần gì… 

Nhiều ý kiến nêu ra tại tọa đàm đề xuất việc xây dựng mô hình đào tạo mang tính giải pháp trước mắt với các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc là truyền nghề và phải nhận diện cho được giá trị cốt lõi của loại hình này để phát triển phù hợp, không bị biến tướng… Tất cả đều nhằm mục đích đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật dân gian - dân tộc phù hợp với thời đại, gần gũi với công chúng.

Tin cùng chuyên mục