Ngày 19-10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, GS Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cho rằng, dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội XI căn bản tốt, phù hợp lợi ích dân tộc và nhân dân, đáp ứng đúng quy luật và con đường phát triển đất nước ta trong thời đại ngày nay. Tư tưởng cơ bản của cương lĩnh là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất quán với thực chất tinh thần Cương lĩnh năm 1930 và các cương lĩnh của Đảng về sau cho đến Cương lĩnh Đại hội VII năm 1991. Theo GS Nguyễn Đức Bình, ở Việt Nam không có đất cho một chủ thuyết chính trị và phát triển nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, nhà báo Hữu Thọ cho rằng, chúng ta không nên áp đặt các ý kiến trái chiều, vì có nhiều ý kiến đại diện cho các tầng lớp khác nhau. Việc chúng ta tôn trọng người đối thoại, tranh luận thể hiện nét văn hóa. Theo nhà báo Hữu Thọ, dự thảo văn kiện nên đưa chữ “dân chủ” lên nằm trên tiêu đề mục 10 của Dự thảo Cương lĩnh chứ không phải chỉ nằm trong mục này và nên ghi: “Bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong tiếp cận thông tin, trong đánh giá những vấn đề lớn của đất nước và đánh giá, bổ nhiệm cán bộ quản lý...”.
Đối với vấn đề xây dựng Đảng, theo nhà báo Hữu Thọ phải luật pháp hóa vấn đề đảng cầm quyền, Đảng cũng cần có luật để nhân dân giám sát sự hoạt động của Đảng, chúng ta đã có Luật Mặt trận Tổ quốc nên tiến tới cũng cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng, để thông qua Mặt trận Tổ quốc, nhân dân có thể giám sát sự lãnh đạo và điều hành của Đảng, qua đó giúp cho Đảng hoạt động tốt và hiệu quả hơn.
Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện, GS Đặng Hữu cho rằng, cần phải đổi mới triệt để, phát huy tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, tiến kịp thời đại. Cần thực hiện một sự chuyển biến chiến lược rất cơ bản: Chuyển nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang dựa chủ yếu vào tri thức và năng lực sáng tạo của con người.
Theo GS Đặng Hữu, trong các văn kiện chưa thể hiện quyết tâm vươn lên sánh vai cùng các nước phát triển bằng bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, truyền thống văn hóa Việt Nam. Không nên nói “kết hợp hài hòa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu”, mà phải chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, cần nhấn mạnh giảm nhanh tiêu hao tài nguyên, chấm dứt xuất tài nguyên thô, sản phẩm thô...
GS Đặng Hữu cho rằng, muốn phát triển kinh tế tri thức cần phải dựa vào 4 trụ cột: 1- Đội ngũ trí thức, nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động sáng tạo, không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng; 2- Năng lực khoa học công nghệ quốc gia đủ sức làm chủ những thành tựu khoa học công nghệ mới, ứng dụng nhanh vào thực tiễn; có khả năng sáng tạo những công nghệ mới cần thiết cho đất nước; 3- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; 4- Thể chế, chính sách, tổ chức quản lý thực sự dân chủ, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra môi trường kinh doanh sôi động, phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi khả năng sáng tạo, mở đường cho kinh tế tri thức phát triển. Đây là yếu tố quyết định nhất, thiếu nó thì 3 nhân tố trên mới chỉ là tiềm năng của kinh tế tri thức.
Trần Bình