Phát huy quyền làm chủ

Chỉ còn vài ngày nữa cả nước bước vào “ngày hội của toàn dân”: đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tất cả các địa phương trên cả nước đang “chạy nước rút” để hoàn tất các công tác chuẩn bị, từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó, công việc quan trọng, chiếm nhiều thời gian và công sức nhất sau công tác hiệp thương chọn ra các ứng cử viên là hoạt động truyền thông đến người dân, đến cử tri về chương trình hành động cũng như “tiểu sử” của các ứng cử viên, để cử tri có đủ thông tin để phát huy quyền làm chủ của mình.

Đến thời điểm này, tại các địa phương, trong đó có TPHCM, việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri giới thiệu chương trình hành động của các ứng cử viên đã được tiến hành kịp thời, đúng tiến độ và đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng. Bắt đầu từ nay đến ngày trước khi bầu cử diễn ra (22-5), các cuộc mạn đàm về tiểu sử các ứng cử viên cũng tiếp tục được tiến hành để cử tri nắm rõ, đầy đủ về lịch sử, thân thế của các ứng cử viên.

Theo ghi nhận sơ bộ, đến nay các công tác liên quan đều đã được cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương, suôn sẻ.

Tuy vậy, điều đáng quan tâm là làm sao công tác truyền thông về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cùng với thông tin về ứng cử viên đến được với toàn bộ cử tri, đặc biệt là các đối tượng cử tri đặc thù như giới trẻ, sinh viên - học sinh, công nhân các khu công nghiệp - khu chế xuất, các giới đồng bào (tôn giáo, dân tộc thiểu số…) - những thành phần chiếm số lượng lớn và rất quan trọng, nhưng phần đông lâu nay chưa dành nhiều sự quan tâm đến việc phát huy quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước thông qua những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng như thế này.

5 năm một lần, cùng với Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước và dân tộc. Thông qua hoạt động này, người dân cả nước phát huy quyền làm chủ của mình, thực hiện nghĩa vụ công dân thông qua việc đi bầu cử để chọn ra những người thật sự xứng đáng, có đủ cả đức lẫn tài, cả tâm lẫn tầm, để thay thế mình làm đại biểu dân cử. Môi trường sống, điều kiện công ăn việc làm, điều kiện kinh tế - xã hội… - từ những vấn đề dân sinh bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của bản thân, gia đình cho đến những vấn đề to tát liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc… có được khắc phục, cải thiện, phát triển như mình mong muốn hay không, phần lớn phụ thuộc vào việc cử tri có nhận thức thấu đáo và phát huy được trí tuệ và quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu hay không. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi thì cả nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khó lường nảy sinh, càng đòi hỏi phải tìm ra những giải pháp đột phá sáng tạo và hiệu quả để khắc phục cho được những tồn tại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chính vì vậy, mỗi một cử tri càng cần phải nhận thức thật sự sâu sắc, thấu đáo về tầm quan trọng của bản thân, để chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu và vận động các thành viên trong gia đình tìm hiểu kỹ càng các mặt liên quan đến các ứng cử viên cũng như cách thức, thể lệ bầu cử, để ngày 22-5 tới đây thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, cử tri chọn lựa để bầu ra được những đại biểu thật sự xứng đáng cho mình về mọi mặt.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục