Bất chấp nhiều nỗ lực, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường, ùn ứ giao thông… Vẫn biết, đây là những “căn bệnh” khó tránh trong quá trình đô thị hóa của nhiều đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao cùng với sự phát triển của thành phố, những vấn nạn này không giảm dần một cách bền vững?
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, thành phố sẽ phát triển theo 2 hướng chính là Đông và Nam (ra biển), 2 hướng phụ là Bắc, Tây. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra xu hướng ngược lại.
Người dân khu vực Tây Bắc đi vào trung tâm TPHCM theo đường Cộng Hòa hay gặp tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
Dân chọn… hướng phụ
Anh Nguyễn Văn Nam, một người dân đến từ tỉnh Bình Phước, sau nhiều năm học tập, làm việc tại TPHCM, quyết định đem toàn bộ số tiền tích góp được mua một căn nhà ở thành phố với mong ước “an cư lạc nghiệp”. Nắm trong tay khoảng 400 triệu đồng, anh Nam “chạy” khắp các trung tâm môi giới địa ốc, cũng như nghiên cứu kỹ từng tờ rơi quảng cáo rao bán bất động sản phát miễn phí đến tận nhà. Thoạt đầu, anh Nam muốn mua nhà ở khu vực quận 9 hoặc quận 7 vì anh biết thành phố đang đầu tư mạnh về hai hướng này. Tuy nhiên, với 400 triệu đồng, anh không chọn được căn nhà ưng ý. Hai khu này có nhiều dự án bất động sản với nhiều chính sách cho vay mua nhà trả chậm hấp dẫn nhưng giá bán (bao gồm cả căn hộ và đất nền) khá cao, anh Nam ngại công việc về lâu dài có được như hiện tại nên không dám mua. Sau hơn 5 tháng cân nhắc, anh Nam quyết định chọn mua một căn hộ ở quận 12. Số tiền 400 triệu đồng cũng không đủ mua căn hộ nhưng phần còn lại phải trả không nhiều nên không chỉ anh Nam mà ngay cả vợ anh cũng ủng hộ quyết định này. “Chúng tôi dự định sinh em bé… Nếu tất cả tiền lương dồn vào mua nhà thì lấy gì nuôi con?”, anh Nam tâm sự.
Những người như anh Nam không ít. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, chi phí xây dựng cao ốc tại khu Nam của TPHCM trung bình 20 triệu đồng/m² (cao ốc) trong khi khu vực phía Tây - Tây Bắc… bao gồm các quận 12, Tân Bình, Tân Phú… chỉ khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 (cao ốc). Giá đất nền khu Nam và cả khu Đông cơ bản cũng cao hơn giá đất nền khu Tây, Tây Bắc… 20% - 50% tùy nơi. Có 2 lý do chính yếu đưa đến sự chênh lệch này. Sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, điện thoại… cho khu Nam và khu vực phía Đông thành phố đã làm cho giá trị đất của khu vực này tăng mạnh. Đặc biệt khu Nam, thời gian qua phát triển quá nóng, vô hình trung đã đẩy giá bất động sản lên quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Giá cao đối với cả những người đã định cư lâu dài ở TPHCM chứ không riêng đối với những “tân dân” như anh Nam. Địa chất yếu, chi phí đầu tư xây dựng lớn là nguyên nhân thứ hai làm cho giá bất động sản ở khu Nam cao ngất ngưởng. Chỉ tính riêng chi phí xây móng cao ốc, ở các quận, huyện phía Bắc và Tây Bắc chỉ bằng 1/3 so với chi phí xây dựng ở khu Nam. Do vậy, dù rất muốn an cư ở khu Nam, nhiều người dân cũng đành bỏ ý định. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà theo một thống kê cách đây chưa lâu của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, địa bàn có tốc độ tăng dân số cao nhất là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (hướng Tây, Tây Nam, thuộc hướng phát triển phụ của thành phố) với mức tăng bình quân 11,60%/năm. Trong khi đó, các quận 7, huyện Nhà Bè… mức tăng trung bình chưa tới 6%/năm.
Gánh nặng hạ tầng
Có một sự tương phản khá rõ nét trong giao thông ở khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc, Tây Bắc, Tây, Tây Nam… Trong khi giao thông ở khu vực phía Nam khá vắng vẻ… các đường trục Bắc - Nam, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đặc biệt đường Rừng Sác - Cần Giờ rất hiếm xe lưu thông, giao thông ở khu vực phía Đông ngày càng được cải thiện bởi hàng loạt dự án lớn như mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Sài Gòn 2, đầu tư xây dựng mới đường Phạm Văn Đồng… thì giao thông khu Bắc, Tây Bắc, Tây, Tây Nam ngày càng có xu hướng xấu đi. Cửa ngõ đi ra hướng Tây Bắc của TPHCM gần chỉ có đường độc đạo Trường Chinh. Có một số đường nhỏ song hành nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông cho khu vực không cao. Đường Trường Chinh hiện nay phải chịu gánh nặng giao thông cho các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Củ Chi, một phần huyện Hóc Môn… Khu vực ngã tư An Sương vì thế luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Hướng Tây, Tây Nam do được hưởng lợi từ nhiều dự án phát triển giao thông của khu Nam và khu trung tâm như đường Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh… nên giao thông có phần tốt hơn hướng Bắc, Tây Bắc. Ngay tiếp sau nghiên cứu về sự gia tăng dân số tại các địa phương, theo Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, viện đã tiến hành đếm số lượng phương tiện lưu thông tại một số trục giao thông chính của thành phố. Kết quả cũng trùng khớp với thống kê về dân số: lưu lượng người qua lại khu vực đường Trường Chinh nhiều hơn hẳn so với nhiều trục đường giao thông chính của thành phố. Đây là nguyên nhân làm cho giao thông ở trục đường này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Bên cạnh nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển, cách đây chưa lâu PGS-TS Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã thống kê, tình trạng ngập nước ở các quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi… có chiều hướng gia tăng. Chuyện ngập ở những địa bàn này trước đây hiếm bởi nằm ở thế đất cao. Chính sự gia tăng dân số mạnh mẽ đã làm cho khu vực này xuất hiện nhiều điểm ngập nước. Không chỉ gây ngập tại chỗ, tốc độ đô thị hóa lớn ở khu vực các quận Bình Tân, Tân Bình… đã và đang làm cho tình trạng ngập ở các quận 6, 11… thêm nặng nề. Khu vực quận 6, 11 nằm ở phía dưới, thấp so với khu vực quận Bình Tân, Tân Bình… Gặp các trận mưa lớn, nước chảy dồn từ Bình Tân, Tân Bình… về quận 6, quận 11… khiến nơi đây ngập thêm trầm trọng.
----------------
- Bài 2: Cân đối nhu cầu thực tế
NGUYỄN KHOA