Mặc dù chưa phủ kín quy hoạch ở những khu vực cần thiết, nhưng về cơ bản định hướng phát triển đô thị TPHCM đã được xác định rất rõ trong đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển đô thị tại TPHCM còn khá nhiều điều bất cập.
Đa trung tâm: chưa rõ
Việc phát triển không gian đô thị trong thời gian qua đã có tính đến sự kết nối với các tỉnh lân cận trong sự phát triển chung của vùng. Tuy nhiên, cấu trúc không gian đô thị chưa thật hợp lý. Việc xây dựng mô hình đa trung tâm được xác định ở 4 cửa ngõ của TP với mục tiêu kéo giãn sự tập trung quá mức tại khu trung tâm chưa được triển khai đúng mức.
Nhiều đô thị đối trọng dọc các trục động lực phát triển tại những vùng phụ cận TP trong bán kính 30-50km được định hướng quy hoạch từ đầu, nhưng chưa triển khai nhiều, còn phân tán, dàn trải. Hiện chỉ có khu A rộng 110ha của khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng đúng với tính chất khu đô thị mới.
Những năm trước đây, khi thị trường địa ốc mới phát triển, hình thức đầu tư chủ yếu là phân lô hộ lẻ, vừa nhỏ, vừa manh mún… Hậu quả, các khu dân cư này không mang tính đặc sắc, đặc trưng cho từng vùng mà đơn giản chỉ là hình thức nhà lan tỏa từ nội thành ra.
Không chỉ thế, đi kèm với các khu dân cư manh mún, nhỏ lẻ nêu trên là hạ tầng kỹ thuật hầu như không có hoặc có cũng không đạt chất lượng, dẫn đến tình trạng ngập úng khi mùa mưa đến. Hiện nay hình thức phân lô hộ lẻ đã chấm dứt, nhưng các dự án nhà ở, đô thị nhỏ lẻ vẫn xuất hiện nhiều ở các khu vực đang được đô thị hóa.
Khu đô thị Tây Bắc rộng 6.000ha đang được triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết, đô thị cảng Hiệp Phước 3.000ha và đô thị Phước Kiểng 350ha ở huyện Nhà Bè, đô thị An Phú Hưng ở Hóc Môn 740ha, đô thị Sinh Việt 300ha tại huyện Bình Chánh… và nhiều đô thị khác đang được triển khai quy hoạch nhưng việc đầu tư xây dựng chưa nhiều.
Do vậy, vẫn xảy ra tình trạng phát triển đô thị theo xu hướng “vết dầu loang”, đặc biệt trên những khu vực còn đất nông nghiệp, dọc theo các trục giao thông.
Nhiều quy định lạc hậu
Khả năng quản lý đô thị có vai trò quyết định mức độ thành công của sự phát triển đô thị bền vững. Đây là công tác quan trọng và cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển. Việc xây dựng đô thị, đặc biệt ở các đô thị lớn là tấm gương phản chiếu trình độ tổ chức và điều hành của các cấp chính quyền mà trước hết là các tổ chức quản lý chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị.
Thời gian qua, công tác quản lý đô thị theo quy hoạch xây dựng tại TPHCM đã có những bước chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung tình trạng xây dựng lộn xộn, không theo quy hoạch, xây dựng tự phát, không phép còn phổ biến. Công tác quản lý xây dựng chưa theo kịp tình hình phát triển đô thị của TP.
Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt chưa chặt chẽ và thiếu các biện pháp đồng bộ, dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch được duyệt còn tùy tiện. Các thủ tục trong quản lý kiến trúc quy hoạch luôn gây phiền hà người dân.
Chủ trương phát triển đô thị tập trung theo dự án đã được quán triệt, song nhận thức và cách làm còn thiếu thống nhất nên chưa phát huy được hiệu quả, chất lượng kiến trúc đô thị và trật tự xây dựng đô thị còn hạn chế. Vấn đề ở đây là cần chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện theo quy hoạch và kết hợp cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Giải pháp quan trọng này sẽ góp phần chấn chỉnh tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn TP.
Một vấn đề khác là khung pháp luật để quản lý xây dựng còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc nghiên cứu xây dựng hệ thống quy trình, quy phạm tiêu chuẩn chưa được quan tâm một cách đúng mức, nhiều quy định đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp. Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định về quản lý quy hoạch xây dựng đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Vì thế, ngành chức năng cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định trên nhằm khắc phục những bất cập về hệ thống pháp lý trong quản lý quy hoạch và xây dựng.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị là công tác quản lý tương đối toàn diện các mặt quy hoạch, kiến trúc, khảo sát kỹ thuật, thiết kế, cảnh quan môi trường, hạ tầng kỹ thuật… Do đó, phải có tổ chức khoa học, có bộ máy quản lý với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, kinh phí, có hệ thống phân cấp rõ ràng giữa trung ương, TP và quận-huyện… trong triển khai thực hiện.
Trần Chí Dũng
(Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM)