Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM: Cần quy về một đầu mối quản lý

Xác định công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành LĐTB-XH, thời gian qua Sở LĐTB-XH TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp, đạt được kết quả tích cực. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM xoay quanh việc phát triển GDNN phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế của TPHCM.
Thầy trò ngành Bảo trì máy CNC và sửa chữa ô tô Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng
Thầy trò ngành Bảo trì máy CNC và sửa chữa ô tô Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng

Nhiều kết quả tích cực

- PHÓNG VIÊN: Năm 2020, dịch Covid-19 tác động rất lớn nhưng cơ bản ngành GDNN TP đã hoàn thành chỉ tiêu được giao, là cơ sở quan trọng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

ÔNG LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Hiện TPHCM có 393 trường, trong đó có 57 trường cao đẳng (CĐ), 64 trường trung cấp (TC), 24 trung tâm GDNN-GDTX, 248 trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN. Đáng mừng, dù số trường và cơ sở hoạt động GDNN có giảm (giảm 174 đơn vị), nhưng công tác tuyển sinh của hệ thống GDNN thành phố vẫn giữ được ổn định so với năm 2019, tuyển sinh đào tạo hơn 450.000 sinh viên, học viên. Bên cạnh đó, năm 2020, các cơ sở GDNN đã đào tạo và cung cấp cho thị trường gần 142.000 người lao động các trình độ; tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của thành phố lần lượt đạt 14,83% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 82,49% ở 9 ngành dịch vụ và 2,67% của 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.

Có nhiều nguyên nhân để GDNN thành phố đạt kết quả trên. Nguyên nhân chính là các trường đã đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, mạnh dạn ký kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra trên 80% sinh viên, học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp, còn lại có việc làm sau 6 tháng. 

- Thưa ông, ngoài việc đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, công tác tự đánh giá chất lượng nhằm thu hút người học được các trường thực hiện ra sao? 

Công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng cơ sở GDNN được các trường thực hiện theo chỉ đạo của ngành. Thông qua đó, tạo tiền đề cho việc triển khai kiểm định chất lượng đào tạo.

Cuối năm 2020, TP có 13/108 trường CĐ, TC (đạt 12,4%) đã được kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Cụ thể, khối công lập 13/52 trường, trong đó, trường thuộc thành phố 9/28 trường; khối trường trung ương 4/24 trường. Ngành phấn đấu hết quý 1, có 13/14 trường CĐ, TC hệ công lập có nghề trọng điểm của thành phố hoàn thành việc kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. 

Quy chế phối hợp bị “ngó lơ”

- Ngoài những kết quả tích cực thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là cơ quan chủ quản của nhiều trường CĐ, TC công lập không thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp với Sở LĐTB - XH trong quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công tác đầu tư, phát triển trường… làm nội bộ mất đoàn kết, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ông đánh giá thế nào? 

Thực hiện chủ trương, chính sách về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nhằm nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, nghị định về GDNN, trong đó tập trung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về GDNN của Bộ LĐTB-XH, các bộ ngành và UBND các cấp. Các bộ, ngành liên quan đã kịp thời có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc bàn giao chức năng QLNN về GDNN tại địa phương. 

Đến nay, việc bàn giao về công tác QLNN với cơ sở GDNN thuộc TP đã được Sở GD-ĐT và Sở LĐTB-XH phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý, chỉ đạo các cơ sở GDNN công lập thuộc TP hiện vẫn chồng chéo giữa nhiều sở ngành, quận huyện do các đơn vị vẫn duy trì chức năng cơ quan chủ quản. Cụ thể: Sở GD-ĐT còn 5 trường CĐ và 3 trường TC; Sở GTVT còn 1 trường CĐ; Sở Công thương có 1 trường CĐ; Sở VHTT 1 trường CĐ; Sở Xây dựng 1 trường CĐ; Sở NN-PTNT 1 trường TC; Sở TT-TT 1 trường TC; UBND quận 3, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Bình Chánh là cơ quan chủ quản của 1 trường TC. 

Tình trạng này gây ra hệ lụy, dù UBND TPHCM đã ban hành Quy chế phối hợp liên sở về công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhưng không được các cơ quan liên quan thực hiện. Nhiều cán bộ quản lý các trường nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ hoặc được bổ nhiệm lại, Sở LĐTB-XH không được bàn bạc, thống nhất dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, chất lượng đào tạo đi xuống, đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp. 

Công tác đầu tư, quy hoạch phát triển các cơ sở GDNN cũng gặp nhiều trở ngại do không thống nhất ý kiến giữa sở với cơ quan chủ quản, mất nhiều thời gian trong việc lập đề án, phê duyệt chủ trương đầu tư.

- Dự báo công tác tuyển sinh của trường nghề năm 2021 tiếp tục gặp khó, ngành đã có giải pháp gì để các trường nghề biến “nguy” thành “cơ”, thưa ông?

Năm 2021, GDNN TP đề ra mục tiêu tuyển mới, đào tạo ở các cấp đạt 371.000 người học (CĐ là 45.000 sinh viên; TC đạt 36.000 học sinh và 290.000 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng); đào tạo 5.800 lao động nông thôn.

Muốn đạt được mục tiêu, GDNN TP phải đổi mới tuyên truyền, giới thiệu thế mạnh ngành nghề đào tạo đến hình thức tuyển sinh. Cùng với đó là chính sách ưu việt cho người học và mối quan hệ giữa các đơn vị - doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. Triển khai đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học theo các dự án đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2018-2020 của các cơ sở GDNN đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư; đăng ký các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục