Phép giải nào cho “mùa đông kinh tế” 2023?

Vừa qua, tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện. 
Phép giải nào cho “mùa đông kinh tế” 2023?

Trong đó có “Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy cầu nội địa (bằng đầu tư hạ tầng chiến lược, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân), đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…” (4); “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu chính sách visa phù hợp” (5); “Đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số” (13).

Đây cũng chính là những “đường dẫn” trọng yếu của công tác điều hành và vận hành kinh tế - xã hội TPHCM trong những tháng còn lại của năm 2022, gối đầu và tiếp sức sang năm 2023. Với đà phục hồi của sản xuất công nghiệp đi cùng dấu hiệu tích cực trên thị trường lao động việc làm, tính hiệu quả trong việc khai thác các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường và nhất là điểm sáng du lịch - dịch vụ - thương mại - tiêu dùng đã mang lại cho thành phố con số tăng trưởng 6,5%/năm như kế hoạch, thậm chí là vượt mức đến 7%.

Song, vấn đề đặt ra là thành phố tiếp tục giữ ổn định mức tăng trưởng 6,5% hay rướn lên con số 7% để đạt tiệm cận tăng trưởng trung bình của cả nước; và trong trường hợp này, trọng tâm của sức rướn sẽ đặt ở đâu? Trong 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khó khăn và thách thức trong giai đoạn từ đây đến cuối năm và nhất là “mùa đông kinh tế” 2023.

Diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine và những tác động lên các khối địa - kinh tế Âu - Mỹ cùng tình hình kiểm soát dịch “zero-covid” ở Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục làm suy giảm chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho tình hình sản xuất nội địa, nhất là đối với các ngành phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Điều này phần nào lý giải cho hiện tượng vốn đăng ký FDI giảm (dù giải ngân trong các tháng vừa qua vẫn tăng và duy trì) khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn nhiều với một môi trường xã hội bất định toàn cầu. Ở tính chất nhỏ hơn, ngành du lịch, mảng inbound đối với các thị trường chủ lực của du lịch Việt cũng sẽ gặp khó. Hoặc ngay cả thị trường trong nước, theo phân tích của chuyên gia, tâm lý được “xõa” sau một thời gian khủng hoảng vì đại dịch đã tạm lắng, nay người dân đoán định phần nào và trở nên thắt chặt hơn trong chi tiêu, nhất là mua sắm, du lịch.

 Những điều kiện, thách thức nói trên cần có ngay đối sách để ứng phó và xử lý một cách khôn ngoan, tỉnh táo nhất. Cũng như gia tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, hiện đang ở mức khá thấp; quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực đầu tư công - tư, đầu tư của khối tư nhân, hiện đang lãng phí nguồn lực này từng ngày từng giờ, nhất là ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Có một điều, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai, thì rất cần xác lập động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế. Trong đó, theo các chuyên gia, động lực kinh tế hai đầu đất nước (là khu vực sông Hồng và TPHCM - Đông Nam bộ) phát triển sẽ kéo theo sự tăng trưởng của phần còn lại. Sẽ không thể diễn ra theo chiều ngược lại, do đó cần đẩy nhanh cơ chế phát triển vùng, thúc đẩy các xu hướng đầu tư dài hạn bằng những biện pháp, sáng kiến cụ thể về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon…

Mặc dù, TPHCM đã phần nào cho thấy sức chống chịu bền bĩ, khả năng phục hồi tốt và xác lập từng cột mốc đi kèm tập trung tăng tốc cho mỗi lĩnh vực - nhóm ngành trọng yếu, ưu thế trong giai đoạn “về đích” 2023-2025 của nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố 2020-2025. Ở đó, đã “khấu trừ” lẫn “khấu hao” 2 năm cho hai nhiệm vụ tối quan trọng là phòng chống dịch Covid-19 (2020-2021), chỉ đạo quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (2021-2022). Do vậy, ở thời điểm trung chuyển này, một mặt nhìn lại những gì đã làm được và chưa được, qua đó đánh giá một cách toàn diện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy TPHCM với các nhánh khác nhau trong hệ thống chính trị; các đối tác xã hội và mức độ tiếp nhận, thái độ của người dân. 

Mặt khác, cũng từ khía cạnh phục hồi kinh tế TPHCM, bước chuyển 2023 lại chính là năm đầu tiên của giai đoạn (tăng tốc) 2023-2025, cũng là năm bản lề để thành phố tập trung “giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố” - một điểm nhấn trong chương trình phục hồi. Nếu tận dụng tốt, hợp lý và có phần… may mắn (thực chất là có sức chống chịu tốt, tích lũy bền, nội lực mạnh) thì thành phố sẽ chuyển đổi trạng thái “mùa đông” thành “mùa xuân kinh tế” 2023 và các năm tới.

Tin cùng chuyên mục