Các chuyến du đấu đến châu Á của những đội bóng hàng đầu giải ngoại hạng Anh đều xuất phát từ lý do thương mại, tập trung ở 3 lĩnh vực mà các đội bóng này muốn phát triển, đó là bản quyền truyền hình, việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến CLB và cuối cùng là “tiền ra sân”. Sau một thời gian liên tục đến Nhật Bản, Hàn Quốc thì trong thập niên gần đây, điểm đến của các đội bóng Anh là Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á - những nơi đang tăng rất nhanh các khoản tiền mua bản quyền truyền hình cũng như lượng cổ động viên (CĐV) địa phương.
Rất tiếc, Việt Nam không phải là điểm đến trong kế hoạch hàng năm của những đội bóng lớn dù có thể nói, số lượng CĐV của giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam đã lên đến hàng triệu. Lý do rất đơn giản: trong 3 yếu tố để các đội bóng hàng đầu ấy quan tâm thì chỉ có khoản tiền ra sân là đủ sức hấp dẫn. Hai năm trước, Arsenal đã bỏ túi 2 triệu USD để sang Việt Nam, còn lần này thì Man.City được trả 1 triệu bảng Anh cho 3 ngày hoạt động tại Việt Nam. Vì số tiền mà các nhà tổ chức Việt Nam bỏ ra quá lớn nên giá vé xem các trận đấu nặng tính thương mại này cũng khá cao, đều ở mức kỷ lục.
Thế nên, câu hỏi đặt ra là bóng đá Việt Nam được gì từ những trận đấu hết sức tốn kém này? Trước hết, về chuyên môn là một con số 0 do tính chất giao hữu cũng như trình độ chênh lệch giữa 2 đội bóng, chưa nói đến việc phải mất thời gian để tập trung các cầu thủ đá 1 trận duy nhất nằm ngoài kế hoạch huấn luyện. Kế đến, những trận đấu như thế này chỉ làm gia tăng số lượng CĐV của bóng đá quốc tế chứ không giúp tăng niềm đam mê bóng đá nội địa của người hâm mộ Việt Nam. Tóm lại, những người có lợi nhất vẫn là các nhà tài trợ cũng như CLB Man.City.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa những trận đấu như thế này là vô bổ, lãng phí. Nhìn sang Thái Lan hay Malaysia, những nơi mỗi năm đón tiếp ít nhất là 2 đội bóng từ Anh sang thi đấu, rõ ràng phải có lợi ích thiết thực thì họ mới đều đặn tổ chức. Cái lợi đầu tiên đó là việc quảng bá hình ảnh quốc gia khi mà lượng CĐV của Arsenal, Liverpool… vô cùng đông đảo trên toàn cầu luôn quan tâm đến từng bước đi của CLB mình mến mộ. Kế đến, bóng đá Thái Lan rất “chịu khó” tổ chức những trận đấu này bởi giải vô địch quốc gia của họ đang áp dụng mô hình của giải ngoại hạng Anh, nên thông qua những lần du đấu như vậy, các nhà tổ chức Thái Lan sẽ học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm mà không phải tốn kém sang tận Anh để nghiên cứu. Không giống như Việt Nam sử dụng đội tuyển quốc gia để thi đấu, thông thường Thái Lan sẽ tập trung các cầu thủ hay nhất giải vô địch quốc gia để thông qua trận đấu, quảng bá thêm cho chính sân chơi nội địa của mình. Do việc kinh doanh sản phẩm thể thao tại Thái Lan được quản lý tốt nên các chuyến du đấu này còn giúp thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh doanh “ăn theo” những trận đấu, tạo thói quen mua sắm “hàng chính hãng”. Nói cách khác, những trận đấu này sẽ giúp cho bóng đá Thái có thêm nhiều CĐV đúng nghĩa, từ đó gia tăng lượng người yêu bóng đá tại nước mình.
Thử đặt vấn đề: chuyến đi của Man.City đến Việt Nam chắc chắn sẽ làm tăng lượng CĐV của họ tại Việt Nam, nhưng điều này liệu có giúp họ bán thêm bao nhiêu sản phẩm thể thao, tăng được bao nhiêu người thuê bao truyền hình để xem các trận mà họ thi đấu ở mùa tới? Rất khó để tăng những yếu tố đó khi mà việc mua sắm hàng nhái, xem truyền hình miễn phí vẫn phổ biến tại Việt Nam. Có lẽ, điều lớn nhất mà Man.City đem về Anh sau chuyến đi vẫn là số tiền được trả để có mặt 3 ngày tại Việt Nam cũng như số tiền khác đến từ sự hợp tác với Ngân hàng SHB. Riêng bóng đá Việt Nam, ngoài một đợt quảng bá có tính bất ngờ, hầu như không thu được gì, chưa kể chuyện rất nhiều người hâm mộ phải mất hàng triệu đồng mới được xem Man.City thi đấu tại Mỹ Đình.
VIỆT QUANG