Phim truyền hình phía Nam: Góp gió đợi bão

Chất lượng phim trồi sụt, sản xuất mang tính phân mảnh… là những khó khăn chủ quan đang diễn ra với thị trường phim truyền hình phía Nam, bên cạnh vô số khó khăn khách quan khác. Không dễ để lấy lại hào quang một thuở, song nếu không làm thì sẽ chỉ đi thụt lùi.

Khó đủ đường

Đánh giá về tình hình sản xuất phim truyền hình phía Nam, bà Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và đạo diễn Văn Công Viễn đều thẳng thắn thừa nhận: Phim truyền hình phía Nam đang rơi vào vòng luẩn quẩn, đặc biệt sau những khó khăn chất chồng hậu Covid-19. Các phim được đầu tư chi phí thấp, dẫn đến chất lượng thấp làm cho rating (tỷ suất người xem) và quảng cáo ngày càng ít đi. Có nhiều nguyên nhân, nhưng kịch bản và diễn viên đang là điểm yếu lớn nhất của phim truyền hình phía Nam.

“Phải nói thật là khá đông biên kịch còn dễ dãi, tức là ngồi ở nhà tưởng tượng câu chuyện hoặc viết theo lối mòn xưa cũ: tình - tiền - tù - tội. Theo tôi, khi tiếp cận bất cứ đề tài nào, dù là vấn đề đơn giản nhất, phải mất thời gian ít nhất vài tuần đến vài tháng để tìm hiểu, chứ không thể dựa trên sự tưởng tượng, hay dựa vào mạng xã hội. Chúng ta không thể bê nguyên thực tế cuộc sống lên phim”, bà Trường Sơn phân tích.

Còn về diễn viên, bà Trường Sơn cũng cho biết, hiện nhiều diễn viên trình độ cảm nhận kịch bản kém, mải chạy show... dẫn đến chưa dồn toàn tâm cho vai diễn, lối diễn một màu lặp lại từ phim này qua phim khác.

Ở cương vị một nhà sản xuất, ông Phan Thanh Việt, Phó Tổng Giám đốc SK Pictures, đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng phân mảnh của thị trường sản xuất phim truyền hình phía Nam khi có rất nhiều đơn vị sản xuất song hầu như mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết phối hợp. Đặc biệt, sau khi Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) rơi vào giai đoạn thoái trào, thị trường thiếu “thủ lĩnh” như VFC (Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam) đang thống lĩnh thị trường phía Bắc. Nhiều đơn vị từng sản xuất hàng ngàn tập phim mỗi năm giờ hoạt động khá rụt rè, sản xuất rồi bán lại cho các đài truyền hình như: HTV, Truyền hình Vĩnh Long, Kênh phim Việt - SCTV 14, VTV9… Một số đơn vị tư nhân sở hữu các nền tảng số như VieON, Galaxy Play, DANET… cũng tập trung sản xuất original series (nội dung gốc) và chỉ phân phối trên nền tảng của mình.

Dâu bể mùa xưa sẽ mở màn Khung phim Việt đặc sắc. Ảnh: NVCC

Dâu bể mùa xưa sẽ mở màn Khung phim Việt đặc sắc. Ảnh: NVCC

Liều ăn nhiều?

Giữa bối cảnh đầy khó khăn, phim truyền hình phía Nam nổi lên một vài tín hiệu tích cực. Tiêu biểu là việc HTV vừa phối hợp SK Pictures giới thiệu Khung phim Việt đặc sắc lúc 19 giờ 30 trên kênh HTV7 từ thứ hai đến thứ tư hàng tuần, bắt đầu từ ngày 9-10. Bộ phim mở màn là Dâu bể mùa xưa (đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa), tiếp sau đó là các phim: Dưới bóng bình yên (Văn Công Viễn), Bóng của thị thành (Nguyễn Minh Cao)… Dự kiến đến tháng 4-2024, thời lượng phim sẽ tăng lên 5 buổi/tuần.

Theo ông Cao Anh Minh, Tổng Giám đốc HTV, quyết định tái đầu tư và định hình Khung phim Việt đặc sắc rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh truyền hình truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trước các nền tảng giải trí mới, gameshow thì bão hòa, khán giả phân mảnh… Dù không so sánh nhưng bài học của TFS trước đây, hay VFC hiện tại đều có những điểm chung, đó là muốn thành công phải quy tụ được các phim chất lượng, có bản sắc riêng; đội ngũ sản xuất giỏi ở các khâu; đầu tư tương xứng…

Về mặt đầu tư, ông Thanh Việt không tiết lộ con số cụ thể nhưng chia sẻ sẽ gấp 2 lần so với mặt bằng kinh phí hiện nay, bởi theo ông, tiền không phải vấn đề duy nhất, nhưng không có tiền chắc chắn không có phim hay. Việc đầu tư lần này là một quyết định mạo hiểm nhưng nhiều hứa hẹn và đã được tính toán, bàn bạc, lên kế hoạch trong suốt 2-3 năm vừa qua. Nhờ đó, trước mắt các yếu tố về nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc, thu âm trực tiếp… sẽ chỉn chu, chuyên nghiệp hơn.

Và yếu tố được khán giả quan tâm nhất là kịch bản, ông Cao Anh Minh nhấn mạnh, các phim trong khung giờ này sẽ hướng đến những câu chuyện đời thường, có bối cảnh tại TPHCM, khu vực Nam bộ. Đó là những lát cắt cuộc sống thực tế, những câu chuyện nhỏ, những cuộc đấu tranh giữa thiện - ác, tốt - xấu… qua đó khiến khán giả phần nào thấy hình ảnh của mình.

Cả ông Cao Anh Minh và ông Phan Thanh Việt đều không giấu tham vọng sản xuất được những tác phẩm điện ảnh không chỉ chinh phục khán giả trong nước, mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài giống như cách phim Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đã và đang thâm nhập thị trường Việt Nam.

“Làm phim dở thì chỉ có nước chết, còn làm phim hay chưa chắc có chết hay không nhưng ít nhất cũng lấy lại được tiếng tăm, vị thế, khi đó, cùng với sự ủng hộ của khán giả, phim truyền hình phía Nam sẽ có những khởi sắc”, bà Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TPHCM (HTV) phát biểu.

Tin cùng chuyên mục