Phim truyện truyền hình Việt - Qua rồi thời chạy theo số lượng

Mỗi năm, hàng ngàn tập phim Việt được phát sóng ở hàng chục kênh truyền hình trên cả nước đã khiến cho hoạt động của thị trường này ngày càng nhộn nhịp và thu hút nhiều nhà sản xuất. Tuy nhiên, trụ được với nghề và giữ vững được rating để thu hút quảng cáo, là một “cuộc chiến” cân não không chỉ với các nhà sản xuất phim mà còn là chính với các đài truyền hình!
Phim truyện truyền hình Việt - Qua rồi thời chạy theo số lượng

Mỗi năm, hàng ngàn tập phim Việt được phát sóng ở hàng chục kênh truyền hình trên cả nước đã khiến cho hoạt động của thị trường này ngày càng nhộn nhịp và thu hút nhiều nhà sản xuất. Tuy nhiên, trụ được với nghề và giữ vững được rating để thu hút quảng cáo, là một “cuộc chiến” cân não không chỉ với các nhà sản xuất phim mà còn là chính với các đài truyền hình!

Phim xã hội hóa chiếm lĩnh
 
Giờ đây, số lượng phim xã hội hóa (do tư nhân bỏ tiền đầu tư sản xuất) chiếm đến 80% thời lượng phát sóng trên hầu hết các đài truyền hình lớn (với đài địa phương là 100%). Năm 2014, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) phát sóng hơn 1.000 tập phim, nhưng hãng phim TFS của đài chỉ có thể sản xuất được 180 tập, số còn lại đều do tư nhân sản xuất. Hãng phim VFC (thuộc Đài truyền hình Việt Nam) sản xuất được 300 tập, trong khi số phim do tư nhân sản xuất (cho hai kênh VTV1 và VTV3) là 800 tập.

Với các kênh VTV9, THVL1, SCTV14 và một số kênh truyền hình trên các đài truyền hình tỉnh, thì 100% phim Việt là do tư nhân sản xuất.
 
Hiện nay, hai công ty có giờ phát phim định kỳ trên một số kênh truyền hình lớn và có khả năng tài chính, tổ chức sản xuất phim đều đặn là Công ty Sóng Vàng và M&T Pictures. Năm 2014, Sóng Vàng đã sản xuất 600 tập phim phát sóng trên VTV, HTV, THVL. Sang năm 2015, con số này sẽ tăng thêm 100 tập, để phát trên khung giờ 20 giờ trên kênh HTV7.

Cũng như thế, M&T Pictures sản xuất 600 tập phim phát sóng trên các kênh: SCTV14, HTV, THVL và sẽ tăng vào năm 2015 vì có thêm giờ phát phim trên HTV7.  Hãng phim Lasta cũng sản xuất 500 tập phim chỉ để phát sóng trên kênh Lets Viet (VTC9).
 
Ngoài M&T Pictures, Sóng Vàng, còn có một số đơn vị khác cũng nằm trong số  những công ty, nhà sản xuất phim có thâm niên trong việc hợp tác làm phim với các đài truyền hình, như: Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film... Chưa kể còn rất nhiều các đơn vị khác là đối tác với đài, nhưng trong tình trạng “ăn may”, hy hữu được một đến hai phim phát sóng trong năm.
 
Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS cho biết: “Năm qua, số lượng phim do TFS sản xuất giảm 50% mà nguyên nhân chính là do hết kinh phí đầu tư, thay đổi giờ chiếu (17 giờ 30 thay vì 18 giờ như những năm trước đây). Đó là thời điểm mà các kênh truyền hình khác như: Let’s Viet, HTV7, THVL, VTV9 phát phim nước ngoài, nên lượng khán giả bị chia ra khiến rating sụt giảm dẫn đến phim TFS giảm khán giả và hầu như không có quảng cáo”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC, cũng nhìn nhận: “Đội ngũ làm nghề của hãng không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho việc sản xuất phim và đó là lý do dù muốn dù không, VFC cũng không thể tăng số lượng tập phim lên được”. Khi các đài truyền hình không thể đáp ứng được nguồn phim Việt phát sóng, trong khi thời lượng dành cho phim Việt theo quy định bắt buộc phải chiếm từ 30% đến 50% tổng thời lượng phát phim, nên phim xã hội hóa “chiếm lĩnh” sóng truyền hình là điều không ngạc nhiên. Vấn đề cần quan tâm nhất vẫn là, làm sao để khán giả không quay lưng với phim Việt? Làm sao để phim Việt thu hút quảng cáo và giữ vững nguồn thu?

Không phải nơi dễ kiếm tiền

Có thể thấy, hai năm lại đây phim truyền hình Việt đã có sự ổn định về chất lượng, nội dung. Không còn những bộ phim “chụp giựt” lên sóng và nhanh chóng “gãy gánh” giữa đường, kiểu như Anh chàng vượt thời gian...! Các đài truyền hình cũng chọn lọc kỹ đối tác làm phim để chọn ra những đơn vị có tiềm lực tài chính và uy tín trong việc sản xuất phim. Bản thân các đơn vị được chọn là đối tác với đài cũng hiểu rằng, muốn đi đường dài, muốn giữ khách hàng và khán giả để đạt rating, thu hút quảng cáo, bắt buộc phải chăm chút đầu tư tốt cho bộ phim.
 

“Ngày nay, khán giả đã chú ý đến phim truyền hình và chúng tôi biết ngay kết quả với những bộ phim phát sóng, thông qua việc đo rating. Phim hay được đón nhận, rating tốt liền và phim dở cũng biết ngay. Vì hiểu điều này nên hiện nay, các nhà sản xuất phim đều cố gắng tập trung cho việc nâng cao chất lượng phim” - bà Trúc Mai, Giám đốc M&T Pictures, chia sẻ. M&T Pictures là một trong số ít đơn vị làm phim truyền hình lâu năm, sản xuất khá nhiều phim cho các kênh truyền hình và một số phim đã nhận được các giải thưởng chuyên ngành như: phim Thuyền giấy (32 tập) nhận 4 giải Cánh diều vàng 2013 cho những hạng mục quan trọng nhất.

Cảnh trong phim Thuyền giấy.

Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, khẳng định: “Chất lượng phim truyền hình Việt ngày càng khá lên, số lượng phim có nội dung và cách thể hiện tốt được phát sóng nhiều hơn. Lớp đạo diễn, diễn viên có thâm niên, có tên tuổi ngày càng có kinh nghiệm làm việc; lớp trẻ muốn được tin cậy và được làm nghề lâu dài không dám làm ẩu. Trong khi đó, phim Việt đang ở thế bị cạnh tranh gay gắt với phim nước ngoài, phim của các công ty truyền thông khác; khán giả xem truyền hình và khách hàng có nhu cầu quảng cáo sản phẩm trên truyền hình ngày càng khó tính hơn, bắt buộc nhà sản xuất phải chú trọng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng phim để tránh mất uy tín với đài và rủi ro về doanh thu cho đơn vị mình!”. Sóng Vàng cũng là đơn vị thường xuyên có phim đoạt giải trong các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc hàng năm, như các phim: Cuộc chiến quý ông, Cha rơi, Lênh đênh phận bạc, Sông dài...

Với thế mạnh riêng, phim của hai hãng phim truyền hình lớn là VFC và TFS luôn được tin cậy về chất lượng nội dung, nghệ thuật. Dù thế, trước sức ép của cuộc cạnh tranh trong thời buổi kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay, để nâng cao kỹ năng làm việc và khẳng định mục tiêu tạo chất lượng cho phim truyền hình, VFC mạnh dạn mở rộng việc hợp tác làm phim với nước ngoài. Đã có hai bộ phim được ra đời từ sự hợp tác này, mang đến một không khí mới, màu sắc mới và đã tạo được hiệu quả tốt với khán giả; đó là phim Hai phía chân trời (36 tập) với bối cảnh chính tại Đông Âu và Tuổi thanh xuân (36 tập) hợp tác với Hàn Quốc.

Các diễn viên trong phim hợp tác Hàn Quốc - Tuổi thanh xuân.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, cho biết: “Dù vất vả, tốn kém với những dự án phim hợp tác, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì muốn nâng cao kỹ năng làm việc. Có cọ xát mới biết mình thiếu gì, yếu gì để bổ sung và xem kỹ năng của mình đến đâu?! Việc hợp tác làm phim với nước ngoài giúp chúng tôi nắm bắt được công nghệ mới và ứng dụng nó vào những năm tiếp theo”. Anh cũng chia sẻ thêm: “Thời gian qua phim truyền hình có được căn chỉnh về chất lượng nghệ thuật, nhưng chưa đồng đều. Phim xã hội hóa tuy đã đi vào “quỹ đạo”, nhưng vẫn có một số đơn vị không đáp ứng được nên bị đào thải. Giờ đây, khán giả không chấp nhận sự cẩu thả, chỉ nhắm vào kiếm tiền!”.
 
Phim truyền hình Việt đang đứng trước những lựa chọn quyết định cho việc sống còn, nên NSX nào cũng hiểu, muốn tồn tại buộc phải đầu tư cho chất lượng phim vì đã qua rồi thời chạy theo số lượng. Có thể kết thúc bài viết bằng chia sẻ đầy tâm huyết của ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Công ty Lasta, đơn vị đầu tiên mở ra Giờ Vàng phim Việt trên truyền hình và đang phụ trách kênh Let’s Viet: “Giờ đây NSX không cẩn thận là chết ngay, vì nếu phim làm không tốt chắc chắn không có đài nào nhận phát sóng. Đã có công ty còn tồn đọng 5 đến 7 phim không bán được. Họ nghĩ đơn giản cứ làm phim rồi bán, nhưng không bán được vì dở. Làm phim không phải là cuộc chơi, càng không phải là công việc dễ kiếm tiền!”.

NHƯ HOA

Phim truyện truyền hình Việt - Qua rồi thời chạy theo số lượng ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục