Trong các đời HLV ngoại làm việc ở VN, nhiều người rất ấn tượng với nhà cầm quân Calisto. Không phải vì ông giúp VN giành được cúp vô địch khu vực năm 2008 mà từ tuyến U23 cho tới đội tuyển QG dưới tay ông là tập thể mạnh, đồng đều và lối chơi có tính kế thừa.
Ông Calisto không chỉ nổi tiếng là bậc thầy tâm lý, mà ông cũng luôn biết phát huy vũ khí tinh thần cho học trò trong những trận đấu khó. Những thử thách từng có lúc người hâm mộ nghĩ là họ khó vượt qua đối thủ nhưng cuối cùng lại thắng tưng bừng, và đặc biệt là lối chơi chặt chẽ, biết người biết ta. Sau này khi mối lương duyên giữa ông và VFF không còn canh ngọt, cơm lành nữa và ông dứt áo ra đi thì những người lên sau không còn giữ được những gì ông gầy dựng.
Cụ thể là ở SEA Games 2011, U23 VN dưới tay thầy ngoại F.Goetz thì lối chơi cũng thay đổi hẳn theo đặc trưng châu Âu. Mà ai cũng rõ, cầu thủ VN vốn nhỏ hình thể, sức vóc không bằng cầu thủ phương Tây nên ứng dụng không xong, còn cá nhân ông Goetz cũng phải thoái lui. Tiếp đó đến HLV Phan Thanh Hùng, đội tuyển VN dưới thời của nhà cầm quân này là sự pha trộn giữa hai trường phái nói trên nên cũng chẳng đi đến đâu cả.
Sau này tiếp tới HLV Hoàng Văn Phúc rập khuôn sơ đồ đang “hot” của châu Âu là 4-2-3-1 hay 4-1-4-1 mà không hiểu lực của ta có đủ để thực hiện được chiến thuật đó hay không. Cuối cùng sự máy móc đó phải trả giá ở cấp đội tuyển QG tại vòng loại Asian Cup và U23 VN ở SEA Games 27 mới rồi. Chẳng còn ai thấy cách chơi của VN như hồi ông Calisto đương chức. Tới thời điểm này thì U19 VN được hy vọng là thế hệ kế tục cho đàn anh nhưng phong cách và suy nghĩ lại rất mới, cùng quan điểm của ông chủ xác định theo hướng của CLB Arsenal.
Nhiều câu hỏi đặt ra với VFF là đã làm gì khi có nhiều ban bệ nhưng mỗi thời lại có cách đá khác nhau, còn người hâm mộ cũng không biết đâu là bản sắc thật của VN? Nên chẳng thể trách lối đá của VN cứ như mớ bòng bong sau mỗi thời kỳ HLV làm việc.
Kim Dung