Những sẻ chia từ Quỹ Dòng thời gian 5 của Báo SGGP

Bài 1: Mang nắng ấm phương Nam đến Tây Bắc

Đường lên bản xa
Bài 1: Mang nắng ấm phương Nam đến Tây Bắc

Đã nghe nói đến đợt rét khiến trâu cày nặng vài trăm ký lô cũng chết, nhưng sẽ không cảm nhận hết sự khốn khó của người dân vùng Tây Bắc, nếu không đến tận nơi. Cái rét như cứa vào mặt mỗi khi có cơn gió lướt qua, mang theo những hạt mưa. Bà con người Mông, Na Chí, Pà Thẻn, Tày, Dáy… ở Hà Giang, Lào Cai đã cắn răng đi qua cơn rét, thế nhưng hàng ngàn con trâu cày, bò kéo đã không thể vượt qua cái rét âm 40C ở những vùng núi đá, nơi có độ cao hơn mặt nước biển 1.300m.

Trích từ quỹ của chương trình ca nhạc Dòng thời gian 5, Báo SGGP đã tặng 206 triệu đồng để góp tiền mua trâu với bà con Hà Giang và Lào Cai. Và tại Hà Giang cũng sẽ có một ngôi trường được trích từ quỹ trên được xây tại vùng địa đầu của Tổ quốc, thời gian tới.

Đường lên bản xa

Bài 1: Mang nắng ấm phương Nam đến Tây Bắc ảnh 1

Những con trâu, nghé còn sống sót, đi kiếm ăn mùa giá rét. Ảnh: P. Th.

Trên đường đến xã Bản Rịa, huyện Quang Bình, nơi bị thiệt hại nặng thứ hai của tỉnh Hà Giang trong đợt rét vừa qua, Thượng tá Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang đã “tranh thủ” đưa ra những thông tin không vui của huyện này: hơn 1.898 trâu, bò chết, trong đó có 1.080 con nghé bị chết rét mà hơn phân nửa nghé vừa mua từ nguồn vay ngân hàng chưa kịp trả. Toàn huyện có 743,5ha lúa và 1.500kg mạ gieo bị chết rét. Khổ nỗi, toàn xã có 195 hộ nghèo thì 186 hộ bị thiệt hại nặng trong đợt rét vừa qua.

Các thôn: Bản Thín, Bản Măng, Minh Tiến, xã Bản Rịa, huyện Quang Bình, là nơi đang chịu thiệt hại nặng nề sau rét. Đường đến các thôn ấy thật gian nan. Những con dốc nối những con dốc, ngày càng cao với những khúc cua gắt khuỷu tay khiến chiếc xe cứu thương của Công an tỉnh được điều động để chở hàng cứu trợ của chúng tôi đành bỏ lại giữa đường vì leo dốc không nổi. Hàng hóa chuyển sang các xe chở người. Thế là người và hàng chen chúc nhau trên những chiếc xe 2 cầu rú ga leo dốc thật mệt nhọc và tai tôi ù đặc vì không khí ở đây rất loãng.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vượt ngược những con dốc cao, chúng tôi cũng đặt chân xuống nơi cần đến. Cơn rét đã đi qua được 10 ngày nhưng những thửa ruộng bậc thang bên sườn núi loang loáng nước, vắng vẻ đìu hiu, sao buồn thế! Nhiều con trâu, nghé còn sống sót đi xiêu vẹo vì đói và lạnh, vẫn ra đồng làm bù những ngày lỡ vụ. Những thửa ruộng vắng trâu, cả nhà chủ đều phải ra đồng làm bù. Những đứa trẻ con theo mẹ, cha ra đồng giúp việc cày cấy trong vách núi đá ở nhiệt độ 4oC lúc này vẫn chỉ có áo mỏng, chân trần. Những con nghé ngơ ngác, xác xơ vì trận ốm nặng vừa qua.

Cán bộ khuyến nông cao cấp

Chị Lý Thị Them, người Na Chí ở thôn Bản Măng, chị Lý A Sình và anh Sùng A Lếnh ở thôn Minh Tiến sau khi nhận chăn ấm, và tiền hỗ trợ mua trâu của Báo SGGP và Báo Công An TPHCM tặng xong cứ đứng lần chần mãi ở góc sân xã, không chịu về. Chẳng là, hai chị cứ nài cán bộ khuyến nông xã: “Cho tao nhận thóc giống lần mới luôn đi, đường xa lắm mà”. Theo lịch cấp phát thóc giống thì ngày mai mới đến phiên thôn của hai chị nhận thóc giống phát lại cho mùa mới, sau rét. Thấy vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quang Bình, Nguyễn Tiến Hưng gọi cán bộ khuyến nông phát thóc giống cho các hộ hôm ấy về xã nhận quà cứu trợ luôn thể, để bà con đỡ phải đi xa lần nữa.

Nhà chị Them có 4 con trâu, nghé thì chết hết 3 con. Chị nói giọng rất buồn: “Tao đã cho đắp cái chăn ấm của tao rồi mà nó vẫn chết. Rét quá, cỏ cũng chết hết nên nó đói ăn mấy ngày nữa, ốm lắm rồi, hôm nay có tiền mua gạo muối nấu cháo trâu ăn rồi. Cám ơn mình nhé”. Anh Sùng A Lếnh nghe tôi nói có đợt rét nữa sắp tràn về đây đã rùng mình sợ hãi, bởi “con nghé nhỏ nhà tao đã ốm lắm rồi, rét nữa tao sợ nó không sống nổi. Cán bộ, tao phải làm sao để cứu nghé con đừng chết?”. Ông Hưng chỉ anh Lếnh cách giữ ấm cho nghé, nấu cháo dinh dưỡng cho nghé ăn mau khỏe; chỉ cho chị Them, chị Sình cách làm vệ sinh ruộng trước khi gieo mạ đợt 2, rành rẽ như một cán bộ khuyến nông. Thằng nhóc con chị Them nghe tôi hỏi sợ ăn thịt trâu chưa, đã rúc vào lưng mẹ nói nhỏ: “Không thích ăn thịt con trâu nhà mình đâu, chỉ muốn nó khỏe thôi mà. Không còn trâu đi ruộng với mình buồn nhớ nó lắm đấy”.

Nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay của bà con xã Bản Rịa là làm sao cứu trâu, nghé đã kiệt quệ sau cơn rét kinh hoàng dài 38 ngày vừa qua. Tỉnh đã xuất cấp mỗi con trâu, bò, nghé còn sống 10kg gạo và 1kg muối để nấu cháo, bởi đây là thức ăn dinh dưỡng tốt nhất cho trâu bò vừa qua cơn kiệt sức. Nhiều gia đình hy sinh ăn khoai để lấy gạo nấu cháo loãng cho trâu, nghé ăn lấy sức. Có gia đình còn cố mua vitamin B1 nấu chung với cháo cho trâu, nghé ăn mau khỏe.

Ấm nhé, chăn ơi

Bài 1: Mang nắng ấm phương Nam đến Tây Bắc ảnh 2

Những đôi mắt mong đợi chăn ấm

Trưa, trời vẫn âm u vì sương mù dày đặc. Vượt dốc cao, tôi lên Bản Măng. Run lập cập vì cái rét ở đây “quái đản” quá. Từ khe của những cái núi đá to phà hơi lạnh đục trắng, giống như những cái ngăn đá của tủ lạnh ùa ra mỗi khi mở cửa tủ, khiến tôi rợn người. Trời bất chợt đổ cơn mưa khiến dãy núi Hoàng Liên Sơn xa tít chỉ còn một vệt mờ trong mắt nhìn của chúng tôi. Cô Nguyễn Thị Tươi, giáo viên dạy Văn lớp 9, người Tuyên Quang đã về cắm ở bản 4 năm qua - đang cố vượt những con dốc đến lớp, cách nhà trọ 1km. Một nhóm học sinh lẽo đẽo đi theo cô, thấy tôi chụp hình, chúng giấu những cành lá vừa hái trên triền núi ra sau lưng. Thì ra chúng tranh thủ hái ít lá tre, lá cây nhỏ làm thức ăn cho trâu, nghé, trên đường đến lớp.

Ở lưng chừng đồi cao. Căn nhà trống trước, hở sau và những cây cột để giữ trâu quanh nhà chỉ còn trơ lại những sợi dây thừng vương vãi dưới đất khiến khung cảnh càng buồn nẫu ruột. Một bà cụ già người Na Chí bước ra nhìn tôi hỏi bằng tiếng dân tộc. Tôi không hiểu bà nói gì. Bước vào nhà nhìn con nghé nhỏ ở góc bếp gầy nhom, lông thưa dựng đứng như hàng trăm cây tăm cắm lên mình nó,  tôi chỉ chỉ vào nồi cháo trâu đã cạn rồi đưa cho bà hai tờ 100.000 đồng. Bà gật gật, ra vẻ hiểu ý và ôm cổ con nghé vuốt ve nói cái gì đó, bằng tiếng dân tộc, giọng tha thiết lắm. Hẳn là bà đang thông báo cho con nghé nhỏ biết, nó sẽ có thêm những nồi cháo dinh dưỡng thế này nữa! Bà cụ ôm chiếc chăn chúng tôi vừa tặng, áp mặt vào đó hít hà và nói gì đó, tôi hiểu bà rất vui. Và tôi cũng rất vui.

Trong tổng số 2.000 chiếc chăn ấm được chuyển lên từ  đại lý vé số Út Thảo, TPHCM, tại Hà Giang - đoàn công tác Báo SGGP và Báo CA TPHCM đã trích tặng 800 cái chăn ấm và 240 triệu đồng để giúp bà con thêm tiền mua trâu. Quả là chẳng thấm vào đâu so với những gì đã mất mát của bà con, nhưng đó là tấm lòng ấm áp mà các doanh nghiệp đã thông qua quỹ Dòng thời gian 5 của Báo SGGP gửi tặng bà con đang cần được giúp đỡ. Thượng tá Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an Hà Giang cứ nói: “Thay mặt dân mình gửi lời cảm ơn các vị hảo tâm từ thành phố mang tên Bác đã mang tình thương và sự ấm áp đến che cái rét cho người ở đây”.

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục