Sông nước Phong Điền

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/ Chớ đừng cho lúa gạo mà xóm giềng cười chê… (ca dao). Đến hẹn lại lên, hàng năm vào ngày 26-9, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lại tổ chức “Ngày hội sông nước miệt vườn Phong Điền”. Đây là dịp quảng bá, giới thiệu đến bè bạn gần xa, đất nước con người, văn hóa Phong Điền.
Sông nước Phong Điền

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/ Chớ đừng cho lúa gạo mà xóm giềng cười chê… (ca dao). Đến hẹn lại lên, hàng năm vào ngày 26-9, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lại tổ chức “Ngày hội sông nước miệt vườn Phong Điền”. Đây là dịp quảng bá, giới thiệu đến bè bạn gần xa, đất nước con người, văn hóa Phong Điền.

Chợ nổi

Từ cầu Cái Răng, sông Cần Thơ và Lộ Vòng Cung chạy song song nhau. Đi quãng nữa đến ngã ba sông sẽ gặp chợ nổi Phong Điền đã có từ lâu đời và nổi tiếng chỉ sau chợ nổi Cái Răng. Thuê chiếc thuyền chèo giá khoảng 100.000 đồng cho lượt tham quan hơn một giờ với 4 người, bạn có thể luồn lách trong chợ nổi để tìm hiểu sinh hoạt mua bán và thưởng thức ẩm thực trên sông. Chợ nổi Phong Điền, ngoài hàng hóa nông sản còn có các dịch vụ như trên bộ có cửa hàng xăng dầu, sửa chữa cơ khí điện máy, nông ngư cơ, bán phân bón, hạt giống, thuốc Đông, Tây y. Có đủ món chè, cháo, cà phê, hủ tiếu và các món nhậu bình dân. Tiếng rao lanh lảnh của các chị, các em gái và tiếng sóng vỗ mạn xuồng ghe ngược xuôi tấp nập cùng tiếng nói cười, chào mời rôm rả… tạo nên cảnh quan nhộn nhịp, huyên náo đầy sinh khí. Trên sông, giá rẻ chưa từng có, một tô bún riêu chưa tới 10.000 đồng, một ly sương sáo chỉ 5.000 đồng… Người dân mua gánh bán bưng ở các khu du lịch của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thói quen hiếu khách, thật thà, ít khi “chặt, chém”, chèo kéo, gây phiền hà du khách…

Thưởng thức ẩm thực Nam bộ và nghe đờn ca tài tử

Có một tour hấp dẫn được các công ty lữ hành thường tổ chức là đi du thuyền, tàu du lịch hoặc đò chèo, tùy theo yêu cầu của khách, từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Phong Điền. Ngồi trên du thuyền, khách sẽ ngắm cảnh sông nước, thưởng thức những món đặc sản dân dã đặc sắc của vùng ĐBSCL như cá lóc nướng than hồng, ốc bươu nấu tiêu, cá tai tượng chiên xù, lươn um, rắn bông súng nướng, rùa rang muối, chuột nướng chao, canh chua cá bông lau, lẩu mắm cá rô đồng… và nghe biểu diễn đờn ca tài tử của các cô gái Nam bộ trong chiếc áo bà ba duyên dáng. Khách cũng có thể dừng lại lên bộ tham quan và thưởng thức đặc sản của các vườn trái cây, đồng thời tìm hiểu đời sống nông thôn Nam bộ; xem đồng lúa, cầu ao, bến nước… Đi xe lôi du hành trên đường làng cũng là điều thú vị với những ai chưa từng biết đến loại xe đã từng có thời là phương tiện giao thông tiện lợi, chủ yếu, đặc trưng của ĐBSCL vào mấy mươi năm của thế kỷ trước.

Những danh thắng

Phong Điền có Khu di tích văn hóa cấp quốc gia - nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị - đã được trùng tu, nâng cấp và mở rộng. Hàng năm, đến ngày giỗ cụ Phan, có rất nhiều khách về đây dâng hương, tưởng nhớ.

Lăng mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị nằm cạnh con rạch Cái Tắc, trong khuôn viên rộng 2.400m2 và trước tiền đình có bức bình phong lớn hình quyển sách mở ra, mỗi trang có 2 bài thơ nổi tiếng của ông được khắc sắc sảo, trang trọng. Sau bình phong là nhà tưởng niệm lợp ngói đỏ, cột tròn đen giả cổ, có tượng bán thân và bàn thờ nhang khói. Phía bên phải không xa là nhà truyền thống của lăng. Khu mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-6-1993.

Ở ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền) còn có di chỉ lung Cột Cầu (thuộc niên đại văn hóa Óc Eo), giấu dưới lòng đất nhiều điều bí mật của một nền văn minh cách đây nhiều thế kỷ của Vương quốc Phù Nam huyền thoại… Lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi - theo dân gian, xưa kia là vùng đầm lầy hoang dại, có rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2 - 3m dưới lớp phù sa thực vật. Người ta cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh hình khối chữ nhật đã được gia công, “nổi” lên trong cái ao của khu di tích hiện nay. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng và nhiều xương thú lớn đã hóa thạch; cùng với phương pháp phóng xạ đồng vị (carbon 14), các chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của bưng Đá Nổi - lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có một cụm cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành cộng đồng khá phồn thịnh. Vào các dịp lễ hội lớn, nơi đây thường tổ chức các hoạt động nghệ thuật khá hoành tráng như liên hoan đờn ca tài tử, biểu diễn cải lương, ca nhạc kịch. Ngoài ra còn có nhiều đoàn nghệ thuật đến đây quay phim, dựng cảnh.

Vườn dâu Hạ Châu

Khám phá

Đi thuyền nhỏ len lỏi qua những con rạch hai bên xanh um vườn cây ăn trái cũng rất thú vị. Vào rạch Lò Rèn, bạn sẽ gặp vườn cây vú sữa trái sai oằn, đu đưa có thể với tay hái được. Vú sữa Lò Rèn là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Giai Xuân (Phong Điền), đây là giống quý, đã được bảo tồn nhân rộng trong bà con nông dân. Phong Điền có rất nhiều con rạch thông nhau, tạo thành hệ thống sông liền sông - vườn nối vườn. Hai bên các con rạch như rạch Dinh, rạch Trường Tiền, rạch Ông Hào, rạch Trà Niền, rạch Cây Cẩm… vườn tược xanh tốt, thi thoảng xuất hiện bóng dáng các cô thôn nữ đẹp như hoa đồng cỏ nội, tóc vờn bay trong gió, điểm xuyến cho cảnh vật Phong Điền thêm hữu tình quyến rũ.

Sau chuyến dã ngoại bằng tàu du lịch hoặc ghe chèo, ngắm cảnh xinh tươi của những xóm làng, bờ bãi ven sông, khách có thể về thư giãn, nghỉ ngơi tại làng du lịch Mỹ Khánh thuộc xã Mỹ Khánh trên tuyến Lộ Vòng Cung. Làng du lịch Mỹ Khánh là mô hình thu nhỏ của sông nước và văn minh miệt vườn. Khách có thể câu cá, tắm ao, đi dạo dưới bóng vườn cây rợp mát, trĩu quả, hoặc đến thăm những làng nghề được tái hiện rất sinh động. Ta sẽ thấy những nghệ nhân của làng nghề truyền thống ở nông thôn Nam bộ như nghề tráng bánh tráng, nghề làm kẹo dừa, nghề nấu rượu... Khách vào thăm nhà cổ truyền thống của Nam bộ với cột dừa hoặc cột dầu lợp lá xé dừa nước, để nhìn thấy kiến trúc và cấu trúc của những ngôi nhà xưa gắn liền với văn hóa, văn minh của người dân ĐBSCL vào những thế kỷ trước. Những phòng nghỉ, nhà trọ trong làng du lịch có giá dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày với đầy đủ những tiện nghi.

Hàng năm, theo thống kê (chưa đầy đủ) có trên 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan các điểm du lịch của Phong Điền. Mấy năm gần đây, số lượt khách tăng lên thấy rõ khi Phong Điền khai thác thêm các di tích lịch sử và khu du lịch sinh thái, tâm linh như Thiền viện Trúc Lâm, bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu, khu di tích lịch sử Ông Hào, khu di tích nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, khu di tích Giàn Gừa…

Đến Phong Điền ngày nay, khách có thể thưởng thức các loại trái cây đặc sản như cam mật, bưởi Năm Roi, quýt đường, dâu Hạ Châu… với giá cả phải chăng. Chợ huyện nhộn nhịp, bán buôn sầm uất từ sáng sớm tới chiều tối.

Phong Điền, nơi có tiềm năng du lịch sinh thái và truyền thống đang vươn mình, góp mặt vào nền “công nghiệp không khói” nhiều hứa hẹn. Nhờ môi trường xanh, sạch, đẹp, cùng với việc bảo tồn những nét đặc trưng, truyền thống đã tạo cho Phong Điền có sắc thái riêng, độc đáo và hấp dẫn.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Tin cùng chuyên mục