Phù sa trên tay (ảnh) - Tập thơ thứ tư của nhà thơ Đông Nguyên (Hội viên Hội Nhà văn TPHCM) vừa mới trình làng. Đây là một trường ca được viết theo thể thơ lục bát, kết nối bằng 27 khúc đánh số và khoảng non 20 bài thơ rời, viết ngắn xoay quanh trục “Phù sa trên tay” chứ không phải “trong tay”!
Đụng đến thể lục bát, dẫu biết có người xem đó chỉ là phương tiện (phương tiện chuyển tải) nhưng tôi, dù muốn hay không cũng liên tưởng đến quá trình “tiến, biến hóa” của nó. Khởi từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng và lục bát của thế kỷ 21 hẳn là có nhiều thay đổi, nếu xem nó là đối tượng sáng tạo thì qua nó dấu ấn của mỗi nhà thơ là một kiểu “không giống ai”, nó là một dạng “căn cước” mang tên thi nhân mà người đọc (cùng thời hoặc khác thời) “cấp” cho nó.
Tôi tìm thấy nơi anh Đông Nguyên một niềm vui của người mới “sinh thành” - tập trường ca mà anh có trên tay. Trong khúc 7 anh viết cho Huế:
Ví dầu kẻ bảo người đừng
Vẫn gửi cho Huế rưng rưng nỗi niềm
Có chi mà mang mác rứa hỉ?
Anh viết tiếp:
Xin đừng thiêm thiếp sông Hương
Huế như rứa sẽ mười thương giận hờn
Xin đừng tận mặt vô ơn
Láy lung chênh mất nửa cơn sanh tiền
Xuôi về miệt Tiền Giang sông nước, có những câu lục bát tròng trành như khi đi ghe máy giữa sông Tiền sông Hậu dọc ngang:
Tại em hóa sóng Châu Thành
Để anh tả ngạn chòng chành thuyền neo.
Đọc tập trường ca này, theo tôi điểm nhấn thú vị là sự kết nối chặt từ đầu đến cuối, giọng thơ nhất quán chứng tỏ “mạch lục bát” trong anh dồi dào, phóng bạt. Ý tưởng “làm một tập thơ” có từ trước khiến cho người đọc có cảm giác liền lạc, điều này khác với những tập thơ trước của anh là dạng thơ “gom bài”. Gom nhiều bài đăng báo rải rác để làm một tập sách gọi là tập thơ - chúng ta thấy nhan nhản, một tập thơ không có cấu trúc, không có ý tưởng thẩm mỹ khiến bạn đọc nhàm chán.
Điều này, qua tập trường ca này, nhà thơ Đông Nguyên đã tránh được.
Phan Trung Thành