Phương Tây chuẩn bị tấn công Libya

* 300.000 người đã rời khỏi Libya

* 300.000 người đã rời khỏi Libya

Ngay sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya ngày 18-3 với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Đức), một số quốc gia đã lập tức tuyên bố sẽ gửi quân đến Libya. Tình hình tại quốc gia Bắc Phi này đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

  • Nín thở chờ không kích

Theo BBC, nghị quyết này mở đường cho tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả quân sự, can thiệp vào Libya để bảo vệ người dân nước này. Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh lực lượng của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đang tái chiếm lại hầu hết các thị trấn do lực lượng đối lập chiếm giữ.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Pháp và Anh thảo luận bước đi kế tiếp đồng thời kêu gọi Libya tuân thủ ngay lập tức nghị quyết của HĐBA LHQ. Dự kiến, Mỹ chưa tham gia ngay vào các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các cứ điểm của quân chính phủ Libya. Pháp và Anh đang chuẩn bị cho những cuộc không kích này với sự hỗ trợ về hậu cần của các nước Ả Rập đồng minh.

Theo AFP, phát ngôn viên của Chính phủ Pháp Francois Baroin cho biết không kích sẽ diễn ra trong vài giờ tới nhằm bảo vệ dân thường khỏi lực lượng của Tổng thống Libya Gaddafi. Qatar cũng đã lên tiếng sẽ đóng góp lực lượng vào cuộc chiến trên. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ triển khai máy bay chiến đấu Typhoon và Tornado tham gia chiến dịch chống Libya. Tây Ban Nha, Italia, Bỉ cũng đã sẵn sàng hỗ trợ quân sự. Italia cũng đã đóng cửa Đại sứ quán tại Libya.

Về phía Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Bongdan Klich khẳng định, chỉ hỗ trợ vận chuyển và cứu trợ nhân đạo mà không tham gia chiến dịch quân sự gây nhiều tranh cãi trên. Thông điệp phát đi từ Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định nước này phản đối sự can thiệp của NATO vào Libya và điều này sẽ tạo ra những hệ quả vô cùng nguy hiểm.

Hãng thông tấn Interfax của Nga của cho biết, dù bỏ phiếu trắng nhưng Nga không có bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào đối với Libya. Trung Quốc, Đức, Ba Lan và Australia cũng thể hiện quan điểm tương tự. Tham gia bỏ phiếu trắng cho nghị quyết trên, Ấn Độ một lần nữa khẳng định cộng đồng quốc tế không nên can thiệp quân sự vào Libya. Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định, Ấn Độ sẽ dốc hết sức để hỗ trợ người dân Libya trong bối cảnh khủng hoảng chính trị này. Hiện có đến 6 triệu người Ấn Độ đang sinh sống và làm việc tại Libya.

Theo AFP, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết Đức sẽ không tham gia vào bất cứ hành động quân sự nào chống Libya vì “nhiều rủi ro và nguy hiểm đáng kể”. Trước đó, Ai Cập cũng tuyên bố không tham gia vào cuộc chiến do phương Tây tiến hành tại Libya.

Như vậy, cho đến nay, chỉ có Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy và Qatar lớn tiếng khẳng định về kế hoạch tấn công Libya trong thời gian sớm nhất.

  • Gaddafi “dịu giọng”?

Trước những thông tin đáng quan ngại này, Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) và Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cho biết, mỗi ngày sẽ có khoảng 1.500-2.500 dân thường Libya đổ về biên giới Tunisia và Ai Cập để lánh nạn. Từ khi khủng hoảng chính trị tại Libya nổ ra đến nay, đã có 300.000 người rời khỏi đất nước này.

Trước động thái của các quốc gia trên, Ngoại trưởng Libya Mussa Kussa tuyên bố Libya sẽ ngay lập tức ngừng tất cả các chiến dịch quân sự. Libya còn lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ, Malta và Trung Quốc cử quan sát viên đến chứng kiến việc ngừng bắn trên. Vài giờ trước, kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lời Saif al-Islam Gaddafi, con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, cho biết quân đội Libya sẽ bao vây chứ không tiến vào Benghazi, nhưng sẽ điều các lực lượng chống khủng bố vào TP này để tước vũ khí của lực lượng nổi dậy hiện đang kiểm soát Benghazi.

Trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho rằng Gaddafi bắt đầu lo sợ nhưng mối đe dọa ở Libya vẫn chưa hết. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nên đánh giá ông Gaddafi thông qua hành động chứ không phải là lời nói. Ngày 19-3, Tổng thư ký LHQ sẽ tham gia hội nghị các bên (gồm Liên minh châu Âu-EU, Liên minh châu Phi-AU và Liên đoàn Ả Rập) tại Paris để thảo luận về vấn đề Libya.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe cho biết, hội nghị kéo dài trong 1 ngày này sẽ thẩm định lại tuyên bố ngừng các hoạt động quân sự mà lãnh đạo Libya đưa ra trước đó. Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế, các quốc gia trên sẽ có hành động dựa trên sự chuẩn bị sẵn sàng. AFP đưa tin, một số phóng viên và nhân chứng có mặt ở thủ đô Tripoli của Libya xác nhận đã nghe 6-8 tiếng nổ rời rạc phát ra. Tuy nhiên, họ không chắc những tiếng nổ này xuất phát từ đâu. 

NHƯ QUỲNH - KHÁNH MINH

- Thông tin liên quan:

>> Quân đội Libya chuẩn bị tổng tấn công phe nổi dậy

Tin cùng chuyên mục