
Nhằm lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao, ngày 5-7 tại TPHCM, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hội thảo “Nghị định về hoạt động triển lãm”.
Dù đã là bản dự thảo lần thứ 4, nhưng do đặc thù của các địa phương, tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đưa ra với mong muốn nghị định cần bao quát và bám sát thực tiễn.
Bất cập trong quản lý
Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao, việc tổ chức triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu. Đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, triển lãm là hình thức được sử dụng thường xuyên nhằm mục đích công bố, phổ biến, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, sản phẩm; thông qua đó tạo sự liên kết, tác động về thẩm mỹ, tư tưởng đối với công chúng.
Theo Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao diễn ra thường xuyên và đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức. Nếu như năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm thì năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 có 594 cuộc.
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động triển lãm với con số ngày càng nhiều, loại hình ngày càng phong phú cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt khi hành lang pháp lý quản lý còn nhiều khoảng trống. Chưa kể, việc quản lý các triển lãm văn hóa nghệ thuật hiện nay còn lỏng lẻo. Rất ít địa phương thực hiện được việc thống kê số liệu, kiểm tra, kiểm soát nội dung các triển lãm văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại địa phương.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, nhận định: “Bây giờ nở rộ rất nhiều hình thức triển lãm như triển lãm ô tô, xe máy, nông nghiệp, thủy sản, báo chí, thơ văn… Không chỉ bộ, ngành mà cả các tổ chức, cá nhân cũng tổ chức triển lãm ngày càng nhiều. Trên thực tế, đường biên ngày càng rộng mở đó đặt ra yêu cầu phải sớm có một nghị định quản lý để hoạt động này đi vào nề nếp”.

Một triển lãm ảnh được tổ chức tại TPHCM. Ảnh DŨNG PHƯƠNG
Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm, hiện nay tham gia hoạt động triển lãm không chỉ có các bộ, ban, ngành mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong quá trình hội nhập quốc tế, song song với sự gia tăng các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, quảng bá hình ảnh Việt Nam thì cũng xuất hiện không ít triển lãm chất lượng nội dung thấp, không đạt yêu cầu, có triển lãm tổ chức vào thời điểm không phù hợp và có triển lãm nội dung phản cảm gây bức xúc trong xã hội.
“Lâu nay những quy định về quản lý hoạt động triển lãm mới chỉ dừng ở phạm vi các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh chứ chưa bao quát được toàn bộ với rất nhiều hoạt động, loại hình triển lãm khác. Nếu không sớm bổ sung, ban hành những văn bản quy định quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức, quản lý sẽ vô vàn khó khăn”, ông Vi Kiến Thành khẳng định.
Không nên tách mỹ thuật, nhiếp ảnh
Dự thảo nghị định có 5 chương, 23 điều và 6 mẫu văn bản kèm theo. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu thì dự thảo nghị định có khá nhiều chương, điều có nội dung trùng lặp. Chẳng hạn như chương II quy định về “Quy trình tổ chức triển lãm” hoàn toàn không cần thiết, vì nội dung này đã được quy định khá rõ ở các chương, điều khác. Cụ thể là điều 10 (chương II) quy định việc gửi hồ sơ xin xấp phép hoặc văn bản thông báo đến cơ quan thẩm quyền có nội dung trùng với điều 15 (chương III) về thủ tục gửi hồ sơ cấp phép.
Theo dự thảo nghị định, quy định tại khoản 5 điều 4 về việc “đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới các nhà triển lãm đa năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” khiến các đại biểu bày tỏ sự không đồng tình. Bà Đặng Hồng Linh, đại diện Sở VH-TT TPHCM cho rằng, việc này cần nghiên cứu lại cho phù hợp, bởi việc đầu tư xây mới còn phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể từng địa phương. Nếu không, sẽ dễ dẫn đến tình trạng các tỉnh thành xây nhà triển lãm đa năng tràn lan, không sử dụng đúng mục đích và nguy cơ gây lãng phí.
Theo ông Thái Quang Bình, đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh, xuất bản phẩm cần phải được đưa vào phạm vi điều chỉnh và không nên tách mỹ thuật, nhiếp ảnh khỏi nghị định. Ở một số địa phương hiện nay thường kết hợp tổ chức kết hợp triển lãm với hội chợ, trong đó bao gồm cả mỹ thuật, nhiếp ảnh, sản phẩm âm nhạc… vậy giấy phép nên tách ra hay không? Nếu tách ra thì để tổ chức một hội chợ mà cần đến 3, 4 giấy phép sẽ hết sức nhiêu khê.
Theo đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, dự thảo Nghị định quy định đơn vị tổ chức triển lãm phải gửi hồ sơ đến cơ quan cấp phép trước 10 ngày tổ chức khai mạc triển lãm để thẩm định hồ sơ là quy định khá thoáng, tuy nhiên ở đây cần quy định cụ thể hơn về cấp giấy phép triển lãm và thẩm quyền cấp phép: triển lãm nào được cấp phép ở phạm vi quốc gia, cấp tỉnh; trường hợp nhiều tỉnh thành kết hợp tổ chức triển lãm lần lượt tại từng địa phương thì Bộ VHTT-DL hay tỉnh cấp phép? Triển lãm nào do Sở VHTT-DL tỉnh cấp phép, cái nào do UBND tỉnh cấp phép, loại hình nào thì UBND tỉnh ủy quyền cho Sở VHTT-DL tỉnh cấp phép?...
Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Các ý kiến đóng góp của các tỉnh thành phía Nam được tổ soạn thảo ghi nhận cẩn thận cùng với ý kiến của các đại diện các sở VHTT-DL các tỉnh thành phía Bắc. Ngoài ra, sẽ đăng tải nội dung dự thảo nghị định nhằm lấy thêm ý kiến từ các tầng lớp nhân dân trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10-2016 tới”.
MINH AN