Quản lý tốt thuế thương mại điện tử: Thêm nguồn thu lớn cho ngân sách

Thương mại điện tử (TMĐT) với sự tiện lợi bán mua, thúc đẩy tiêu dùng trong những năm qua đã nảy sinh vấn đề rất lớn là quản lý thuế. Quản lý thuế TMĐT tốt không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách, mà còn góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhân viên Trung tâm Giao nhận hàng tiết kiệm (trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TPHCM) phân loại hàng để giao cho shipper. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân viên Trung tâm Giao nhận hàng tiết kiệm (trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TPHCM) phân loại hàng để giao cho shipper. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh thu lớn

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng hoạt động TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, chỉ tính riêng 4 sàn giao dịch Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki trong tháng 11-2023 đã có tổng giá trị giao dịch gần 32.000 tỷ đồng. Số liệu này được thu thập từ 2,6 triệu gian hàng trực tuyến thuộc 4 sàn online kể trên.

Như vậy, trái với cảnh đìu hiu của những cửa hàng mặt tiền bỏ trống, dán chi chít bảng cho thuê, sang nhượng mặt bằng thì các sàn giao dịch TMĐT rất nhộn nhịp. Gần như bất kể mặt hàng nào cũng có thể được bán “đắt như tôm tươi”. Nguyên liệu làm cây thông kẽm nhung tại nhà là một ví dụ trong dịp Giáng sinh vừa qua. Mỗi bộ chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng lượng người chốt đơn nhiều tới nỗi một shop nhỏ cũng có thể thu được cả trăm triệu đồng sau 30 ngày bán!

Với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, người bán hàng online phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng với mức 1,5% doanh thu. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2021, thu thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT là 261 tỷ đồng; năm 2022 đạt 716 tỷ đồng, bằng 274% năm 2021; trong năm 2023, mức thu cũng tăng cao.

Tại TPHCM, trong năm 2023 cơ quan thuế đã rà soát 5.890 người nộp thuế kinh doanh TMĐT, với số thuế điều chỉnh tăng; truy thu, phạt là 217 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Trong đó, ước tính kết quả xử lý đối với hộ kinh doanh có hoạt động bán hàng TMĐT là 5.635 hộ, với số thuế truy thu, phạt là hơn 150 tỷ đồng. 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT qua thanh tra, kiểm tra đã tự khai, truy thu và tiền chậm nộp là gần 44,5 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TPHCM, dữ liệu trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế là nguồn dữ liệu quan trọng giúp đơn vị đẩy mạnh rà soát với số lượng người nộp thuế tăng gần 35 lần và tăng số thuế truy thu, phạt hơn 140 tỷ đồng so với năm 2022. Ngày 15-12-2022, Tổng cục Thuế mở ra Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về TMĐT. Đến nay, sau 4 kỳ cung cấp thông tin, cổng này đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin. Theo đó, số cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh trên sàn hiện hơn 191.000 với tổng giá trị giao dịch gần 59.000 tỷ đồng.

Cần quy trình quản lý đặc thù

TMĐT là lĩnh vực được đánh giá có rất nhiều dư địa. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, hiện có rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quản lý thuế TMĐT. Hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng. Nhiều trường hợp còn sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh nên khó quản lý được chính xác đối tượng. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn, và nhiều sàn giao dịch TMĐT cũng như mạng xã hội gây khó khăn trong xác định căn cứ tính thuế.

Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Thông tin do sàn TMĐT cung cấp lên Cổng thông tin TMĐT còn chưa đầy đủ, nhiều sai lệch và bất hợp lý. Với những khó khăn vướng mắc khiến việc quản lý thuế TMĐT hiện nay vẫn “ngổn ngang”, nhiều nội dung công tác quản lý chưa bao quát hết.

Tại TPHCM, cơ quan thuế cho biết, các chủ sàn TMĐT vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn. Cục Thuế TPHCM vẫn chưa khai thác được hết dữ liệu trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế do giới hạn phân quyền. Đối với các trường hợp kinh doanh có thuê đơn vị giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD), dù có ký hợp đồng thuê, nhưng các đơn vị giao nhận lại chưa cung cấp, hoặc cung cấp nhưng không xác định được tên, mã số thuế của tổ chức, cá nhân bán hàng để quản lý thuế.

Với các tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số qua Google, Facebook, Netflix…), cơ quan thuế gửi yêu cầu cho 56 ngân hàng nhưng chỉ 15 ngân hàng phản hồi.

Từ những khó khăn trên, Cục Thuế TPHCM đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên bộ ngành trong cung cấp thông tin TMĐT. Đồng thời, xây dựng quy trình quản lý thuế đặc thù để thuận lợi cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp là chủ sàn TMĐT, các doanh nghiệp hoạt động trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán…

Theo Nghị định 91/2022, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin về người bán hàng cho cơ quan thuế để hỗ trợ công tác thu thuế, quản lý thuế. Người bán hàng sẽ trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ thuế theo hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương. Một số sàn giao dịch TMĐT khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp người bán hàng và cơ quan thuế trong trường hợp có yêu cầu để đảm bảo việc kê khai và nộp thuế của người bán hàng được thuận tiện.

Tin cùng chuyên mục