Quảng bá đất nước trên lồng chim

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, các tác phẩm nghệ thuật độc đáo do nghệ nhân Đoàn Minh Căn (thôn Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) chế tác còn góp phần tô điểm thêm bản sắc vốn có của cố đô Huế - một thành phố du lịch, thành phố Festival với nét đặc trưng văn hóa cung đình của đất nước.

 

 

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn bên chiếc lồng chim bằng tre tinh xảo
Nghệ nhân Đoàn Minh Căn bên chiếc lồng chim bằng tre tinh xảo
“Đệ nhất lồng chim xứ Huế”

Tới thôn Dương Nổ, hỏi ông Đoàn Minh Căn hay ông “Căn Đệ nhất lồng chim xứ Huế” ai ai cũng biết, bởi ông là nghệ nhân điêu khắc đã mày mò chế tạo ra hàng ngàn chiếc lồng chim tuyệt đẹp, cầu kỳ và tinh xảo tới mức hoàn hảo. Vừa hướng dẫn nhóm thợ trẻ tỉ mỉ, nhẹ nhàng đục đẽo những chi tiết độc đáo, phức tạp, sinh động trên từng thớ tre trước khi lắp ghép thành chiếc lồng chim mới, ông Căn chia sẻ: “Tôi già rồi, truyền lại được những gì cho giới trẻ thì truyền, để chúng nó có cái nghề mưu sinh chứ tôi không muốn cái nghề này bị thất truyền”. 

Sau khi học xong phổ thông vào năm 1982, ông Căn quyết định không tiếp tục theo con đường đại học mà học nghề theo niềm đam mê điêu khắc và hội họa, một nghề mà ông đam mê từ nhỏ. Lúc đầu, ông xin vào học và làm việc tại một xưởng mộc mỹ nghệ nổi tiếng lúc bấy giờ tại Huế do nghệ nhân Lê Đăng Duân làm chủ. Sau đó, ông tìm đến nghệ nhân Phan Thế Huề, là một trong những người thợ từng tham gia chạm khắc nhiều công trình nổi tiếng trong Hoàng cung triều Nguyễn, để học hỏi thêm kinh nghiệm, trước khi trở về nhà mở xưởng mỹ nghệ sản xuất các mặt hàng gia dụng. “Ban đầu, xưởng của tôi chỉ chế tác các sản phẩm bằng gỗ như hộp đựng đồ, gạt tàn thuốc lá, những chiếc đĩa nho nhỏ… Nhưng từ khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, gỗ khan hiếm hơn, giá lại cao khiến công việc điêu khắc gặp nhiều khó khăn nên tôi phải trăn trở tìm hướng đi mới phù hợp, vừa đảm bảo đời sống vừa gìn giữ và lưu truyền nghề”, ông Căn chia sẻ và cho biết thêm: “Một dịp vào thăm người thân ở TP Hồ Chí Minh, tình cờ thấy nhiều người nuôi chim quý bằng những chiếc lồng tre tuềnh toàng nên tôi nảy ra suy nghĩ phải làm những chiếc lồng chim đẹp vì “con chim quý thì phải ở lồng son”. Ý tưởng mới, cộng lợi thế về điêu khắc nên ông Căn bắt đầu dùng tre để tạo ra những chiếc lồng chim không chỉ dành cho nghệ nhân nuôi chim quý mà là vật trang trí nội thất cho những ngôi nhà sang trọng. Đặc biệt, nguyên liệu tre dồi dào, lại thân thiện với môi trường.

Những chiếc lồng tre do ông Căn tạo ra vừa đẹp, vừa độc đáo đã nhanh chóng chinh phục giới chơi chim cảnh trên cả nước. Đồng thời “mê hoặc” cả nghệ nhân chuyên về chim cảnh ở mãi tận Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tìm đến. Mỗi chiếc lồng chim mà ông Căn tạo ra được xem là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, với những nét chạm trổ tinh xảo. Những cảnh đẹp nổi tiếng xứ Huế như cầu Trường Tiền, núi Ngự, sông Hương, chùa Thiên Mụ... cũng được ông Căn lồng ghép, khắc họa để quảng bá trên các lồng chim một cách tài tình. Những giá trị văn hóa được ông tô điểm, làm cho chúng trở nên sống động trong mắt người chiêm ngưỡng. 

“Rinh” nhiều giải thưởng quốc tế 

Theo nghệ nhân Đoàn Minh Căn, để có được một lồng chim đẹp, cầu kỳ và tinh xảo đến từng chi tiết phải mất thời gian rất lâu. Có chiếc lồng chim ông phải bỏ ra 2-3 tháng mới hoàn thành. Từ việc thiết kế hình dáng chiếc lồng theo đúng yêu cầu của khách rồi lại phải tỉ mỉ chế tác từng chi tiết nhỏ cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Đặc biệt, để có nguyên liệu sản xuất, ông Căn phải lặn lội lên vùng núi Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế mới chọn được những cây tre già ưng ý. “Tre có tính giòn, dễ vỡ nên khi chạm khắc đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mẩn, chỉ cần đục lệch hoặc dùng lực mạnh một chút thì tre sẽ vỡ làm đôi. Riêng những phần có độ cong được dùng lửa để uốn với nhiệt độ vừa phải”, ông Căn nói về nghề của mình. Trải qua nhiều lần thất bại, ông Căn mày mò tự chế tạo ra bộ dụng cụ khoan, đục, cưa, dùi riêng để hành nghề. Tuy nhiên theo ông Căn, để chế tác nên một sản phẩm tre mỹ nghệ hoàn thiện đòi hỏi người học phải có kỹ năng, có tính thẩm mỹ và kiên nhẫn nên việc truyền nghề rất khó khăn. 

Hơn 35 năm gắn bó với nghề chạm khắc, ông Căn đã khiến giới chuyên môn đánh giá cao bởi đôi tay tài hoa của ông đã chế tác nên vô số sản phẩm độc đáo bằng chất liệu từ cây tre của người Việt. GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Dương Nổ soi bóng bên sông Phổ Lợi là vùng đất nông nghiệp có các nghề truyền thống: thợ nề, thợ mộc, chạm khắc gỗ và khảm xà cừ, chế tác nhà rường... Từ hơn 20 năm trở lại đây, nhờ công sức và sáng tạo của ông Đoàn Minh Căn mà làng có thêm nghề chạm khắc tre. Ngoài các giải thưởng quốc tế, nhiều sản phẩm của ông Căn còn đạt các giải cao trong nước như: hũ trà và song bình đoạt giải ba toàn quốc hội thi Sản phẩm thủ công lần thứ IV-2007; lồng vuông trúc bát tiên quần thú đoạt giải sản phẩm tiêu biểu hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII - Cúp Thăng Long 1000 năm; các sản phẩm đĩa phù điêu tre, quả hộp ngũ giác, đĩa và hộp để bàn, thẻ treo tường lần lượt được công nhận là sản phẩm thủ công tiêu biểu năm 2007 và 2008...

Tin cùng chuyên mục