Sinh hoạt, sản xuất điêu đứng
Ở một số phường thuộc địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, người dân phải hứng từng xô nước để trữ sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Hồng, trú khối phố Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho hay, vừa qua nước máy yếu, nửa đêm gia đình phải lấy xô chậu ra hứng để đến hôm sau mới có mà sử dụng.
“Không biết vì lý do gì mà mới đầu mùa khô đã xảy ra tình trạng này. Dân thiệt tình là khổ”, bà Hồng ngán ngẩm.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, theo ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, hiện nay việc thiếu nước đang rất gay gắt do thủy điện không đáp ứng được yêu cầu phía hạ lưu. Những ngày qua rất vất vả tìm mọi cách để vận hành; đắp đập ngăn mặn, mở nước của hồ Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), mở nước của hồ Phú Lộc (Duy Xuyên), mở nước của hồ Phú Ninh về Duy Thành, Duy Xuyên.
“Nói chung, thủy điện tích nước nên đến mùa khô này không có nước để bơm lên đồng ruộng. Thủy điện không tính toán việc sản xuất. Năm nay chờ lụt tiểu mãn nhưng đến bây giờ chưa có lũ. Nếu trời không mưa thì khả năng ảnh hưởng đến vụ hè thu, nhất là các vùng Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc là rất lớn”, ông Hải nói.
Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ cùng xây dựng kế hoạch, phối hợp quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, công suất cấp nước chỉ còn đáp ứng 70% nhu cầu nước sinh hoạt của thành phố. Hơn nữa, việc vận hành xả nước phát điện của các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp nước. Để chủ động nguồn cấp nước, bên cạnh việc nâng công suất các nhà máy, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan chức năng TP đề nghị các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phối hợp vận hành xả nước về để đẩy mặn, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Phân tích nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt ở địa bàn Đà Nẵng, TS Tô Thúy Nga (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) cho biết, theo tính toán cân bằng nước và thủy lực xâm nhập mặn cho thấy, tổng lượng nước mặt về cửa sông Hàn luôn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước về lượng (kể cả khi kiệt nhất), nhưng không đáp ứng được về chất, nhất là độ mặn, nên trong một số trường hợp, Nhà máy nước Cầu Đỏ không thể lấy nước trực tiếp từ sông Cầu Đỏ mà phải bơm từ đập dâng An Trạch về. Khi thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng làm trữ lượng nước phía sông Thu Bồn tăng lên, phía sông Vu Gia giảm đi, độ mặn ở hạ du sông Vu Gia tăng lên, nhưng độ mặn ở sông Thu Bồn cũng không giảm.
“Nước từ thượng nguồn về hạ du ít và độ mặn của sông Cầu Đỏ gia tăng là do biến đổi khí hậu, rừng đầu nguồn bị tàn phá nhiều, sự phát điện gián đoạn trong ngày của các nhà máy thủy điện, xây dựng đập bổi thủy lợi ở sông Tứ Câu… Vì thế, cần xây dựng lại quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cùng quy trình vận hành hệ thống công trình đập dâng An Trạch sao cho linh hoạt hơn.
Cần có ban điều phối nhịp nhàng
Vu Gia và Thu Bồn là 2 con sông lớn tại Quảng Nam và Đà Nẵng, mọi sự can thiệp từ phía thượng nguồn vào 2 con sông (khai thác dòng chảy, xây dựng thủy điện, hạ tầng giao thông…) đều có tác động rất lớn đến vùng hạ lưu thuộc hai địa phương này. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 địa phương, nhất là những tham vấn khi triển khai xây dựng công trình hạ tầng, dân sinh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, toàn bộ hệ thống bơm thiết kế mực nước là theo hồ đóng chứ không phải hồ mở. Nếu mở để đảm bảo việc đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ thì các hệ thống bơm phía hạ nguồn Quảng Nam treo máy hết, nên đây là bài toán khó giải.
“Mặc dù là ban điều phối nhưng chúng tôi cảm giác mỗi địa phương làm theo một cách khác nhau và các giải pháp đưa ra vẫn chưa mang tính thực tế. Vấn đề bây giờ là làm sao điều hòa nước mùa lũ hạ du không bị ngập sâu, đồng thời mùa khô lưu lượng các dòng sông phải đảm bảo ở mực nước cho phép để tiến hành phục vụ cho cả sinh hoạt và sản xuất. Như mấy ngày nay chúng tôi phải chạy đôn đáo vì mực nước xuống quá mức, tất cả các trạm bơm đều không hút được. Chúng tôi nghĩ mục tiêu của dự án chống hạn, thiếu nước cũng như của ban điều phối là làm sao cân bằng nước giữa Đà Nẵng, Quảng Nam cho hợp lý”, ông Chơi nói thêm.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc chọn Quảng Nam và Đà Nẵng thành lập ban điều phối có những thuận lợi nhất định. Nhưng giải quyết những bài toán điều phối quản lý dòng nước làm sao để cân bằng lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, hài hòa lợi ích giữa Quảng Nam và Đà Nẵng là một bài toán không hề đơn giản, bởi vừa có cách ứng xử rất khoa học nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tiễn. Ví dụ như xây đập ngăn mặn ở trên sông Vĩnh Điện điều tiết bằng hệ thống van mở thủy lực để đảm bảo nguồn nước tưới và sinh hoạt cho khu vực Điện Bàn, Hội An và hoạt động sản xuất xung quanh các khu vực này, nhưng vấn đề điều chỉnh vận hành như thế nào để không ảnh hưởng đến Đà Nẵng cũng phải bàn thảo tìm giải pháp mang tính tổng hợp lâu dài.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm các giải pháp điều tiết nguồn nước tại sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho TP Đà Nẵng. Các nhà khoa học, chuyên gia sớm phát triển nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp kỹ thuật chỉnh trị tại sông Quảng Huế. Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng kế thừa, khai thác toàn bộ các nghiên cứu khoa học đã thực hiện, các dữ liệu, số liệu đo đạc đã có trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong thời gian qua. Bên cạnh hỗ trợ xây dựng giải pháp chỉnh trị, điều tiết nước tại sông Quảng Huế, dự án chống hạn, thiếu nước cần hỗ trợ năng lực ứng phó lũ lụt của cộng đồng tại 2 xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).