
Ngày 19-5, Quốc hội Nepal đã nhất trí thông qua tuyên bố cắt giảm quyền lực của Quốc vương Gyanendra, bãi bỏ quyền kiểm soát của Quốc vương đối với quân đội.
Việc cắt giảm quyền lực của Quốc vương Gyanendra là một trong những yêu sách chính được đưa ra trong các cuộc biểu tình rầm rộ ở Nepal tháng trước. Ngay lập tức, người dân trên toàn quốc Nepal đổ ra đường ăn mừng sự kiện này.

Theo tuyên bố trên, quân đội hoàng gia Nepal sẽ được đổi tên thành Quân đội Nepal, tư lệnh quân đội do nội các chỉ định. Quyền lực tối cao thuộc về nhân dân và một hội đồng tối cao của nhân dân sẽ được thành lập; cho phép chính phủ được quyền chỉ định người kế vị Quốc vương, công bố Nepal trở thành quốc gia thế tục.
Lần đầu tiên trong lịch sử Nepal, các nguồn thu và tài sản của hoàng gia sẽ bị đánh thuế. Quốc vương có thể bị triệu đến cơ quan lập pháp và tòa án.
Trước đó, chính phủ tạm quyền ở Nepal tuyên bố sẽ xem xét việc sửa đổi Hiến pháp, nhằm bãi bỏ chế độ quân chủ đã tồn tại 250 năm tại quốc gia Nam Á này.
Hiến pháp năm 1990 của Nepal quy định Quốc vương từ bỏ quyền lực chính trị trên danh nghĩa theo khuyến nghị của Quốc hội, nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội và có quyền bãi nhiệm chính phủ.
Chính phủ mới đã chấp nhận bầu ra một ủy ban đặc biệt để sửa đổi Hiến pháp 1990, nhằm chính thức cắt giảm quyền lực của Quốc vương, bởi lẽ tuyên bố trên chỉ là tạm thời cho tới khi Ủy ban này được thành lập.
V.S (Theo TTXVN)
Thông tin liên quan:
Nepal: 1.000 cuộc biểu tình, tuần hành đồng loạt diễn ra
Lần thứ ba ban hành lệnh giới nghiêm tại thủ đô Kathmandu
Chấp nhận chuyển giao quyền lực
Giới nghiêm 18/24 giờ
Đình công và biểu tình đang "tuột khỏi vòng kiểm soát"?
Đòi Quốc vương từ chức ngay lập tức