Quy hoạch phát triển mỹ thuật: Đầu tư chưa xứng tầm

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho mỹ thuật
Quy hoạch phát triển mỹ thuật: Đầu tư chưa xứng tầm

Phát triển nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước nâng cao thị hiếu thẩm mỹ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và các nước phát triển là mục tiêu hướng tới của Đề án Quy hoạch phát triển mỹ thuật Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Tại hội thảo đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án do Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức tại TPHCM, một lần nữa những vấn đề nóng trong quy hoạch phát triển mỹ thuật đã được đặt ra.

Tượng đài Truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM.

Tượng đài Truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho mỹ thuật

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ  (NGND-HS) Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho rằng, mỹ thuật tiềm ẩn trong mọi lĩnh vực đời sống, tuy nhiên không phải lúc nào giá trị của nó cũng được nhìn nhận một cách đúng mực. Nhận định này phần nào được lý giải qua con số thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm (Bộ VH-TT-DL): qua khảo sát hiện nay có 40% dân số Việt Nam có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng loại hình ca nhạc; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng nghệ thuật điện ảnh; 10% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng các loại hình nghệ thuật sân khấu; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật văn học. Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân trong 3 loại hình nghệ thuật là mỹ thuật, nhiếp ảnh và múa chỉ chiếm 10%. Con số này rất thấp so với thế giới.

Thực trạng đào tạo và sáng tác trong ngành mỹ thuật cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. “Theo tôi, chương trình giảng dạy mỹ thuật bậc đại học, cao đẳng cần hoàn thiện cho phù hợp với khu vực và thế giới. Trong khi đó, kỹ năng giáo dục mỹ thuật của ta hiện nay ở bậc phổ thông là hoàn toàn chưa ổn, phần lớn việc học mỹ thuật chỉ để cho có học, chứ chưa thật sự khơi gợi tính sáng tạo của các em”, NGND-HS Uyên Huy nói.

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nói thêm, việc giáo dục mỹ thuật ở bậc phổ thông cần linh hoạt chứ không nên cứng nhắc như chương trình hiện tại. Tổ chức được cho học sinh tham quan, tìm hiểu thực tế các làng nghề truyền thống (như làng nghề dệt, làng nghề gốm - sứ, làng nghề tranh dân gian...) sẽ giúp các em hiểu sâu hơn, thực chất hơn là chỉ có lý thuyết.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình khi cho rằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho mỹ thuật là việc làm cấp thiết hiện nay, bởi mãi đến giờ ta vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, thiếu quy hoạch tổng thể mỹ thuật trong không gian đô thị, nhiều nơi còn chắp vá, tùy tiện. Hà Nội và TPHCM cần được đầu tư xứng tầm, xây dựng Bảo tàng mỹ thuật đương đại, khu triển lãm nghệ thuật quy mô lớn, có thể tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Hai ngành có mối quan hệ mật thiết ví như “anh em ruột” là kiến trúc và mỹ thuật lẽ ra phải song hành, trong khi thực tế ở Việt Nam đa phần việc quy hoạch xây dựng đô thị chỉ chú trọng kiến trúc mà xem nhẹ, thiếu quan tâm đến mỹ thuật.

Thực tế, nhiều nơi làm tượng phải đỏ mắt tìm điểm đặt, có tượng đặt trơ trọi giữa ngã ba ngã tư, tượng sản phẩm của các trại sáng tác thì không tìm được chỗ đặt, một số được dồn vào một bãi đất trống trong công viên, số khác phải nằm kho. Tại TPHCM, vấn đề quy hoạch tượng đài đã đặt ra từ nhiều năm trước, đến giờ vẫn chưa xong. Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bức xúc: “Theo góc nhìn chuyên môn của tôi, tượng Trần Nguyên Hãn, tôi chỉ cần khôi phục trong 1 buổi là xong, thế nhưng đã mấy tháng rồi mà các ngành chức năng vẫn chưa đưa ra được phương án xử lý”.

Bảo tồn mỹ thuật truyền thống

NGND-HS Uyên Huy kể, có lần tham quan Khoa thiết kế thời trang của Học viện Công nghệ hoàng gia Melbourne (Australia), ông rất tự hào và xúc động khi thấy thổ cẩm các dân tộc Việt Nam được trưng bày trang trọng tại đây, được dành riêng cho sinh viên các nước tham khảo nghiên cứu về họa tiết, màu sắc, chất liệu. Vậy mà, một thực tế đáng buồn hiện nay là vẻ đẹp thổ cẩm các dân tộc Việt Nam đang dần biến mất bởi nhiều nơi, máy móc đang dần thay thế cho việc dệt thổ cẩm thủ công truyền thống.

Họa sĩ lão thành cách mạng Huỳnh Phương Đông cho rằng, do đầu tư còn dàn trải nên chưa có nhiều tác phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu lịch sử, nhất là những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng xứng tầm với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới. Đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, nhưng kết quả thực hiện đến nay vẫn còn khiêm tốn là vậy!

NGND-HS Uyên Huy tâm tư, nhà nước luôn chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong nghệ thuật, nhưng để chủ trương thành thể chế cụ thể để thực hiện thì chưa rõ ràng. “Chúng ta nói giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng từ xưa đến giờ ta chưa có khoa mỹ thuật truyền thống. Nói đâu xa, các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan đều có khoa mỹ thuật truyền thống, còn ta thì không”, NGND-HS Uyên Huy dẫn chứng… Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm Vi Kiến Thành, tuy hội thảo khép lại nhưng ban soạn thảo đề án vẫn tiếp tục đón nhận những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các họa sĩ.. để sớm hoàn thiện đề án trình Thủ tướng.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục