Quy hoạch, xây dựng hài hòa với thiên nhiên

Quy hoạch, xây dựng hài hòa với thiên nhiên

Có một cách khôn ngoan nhất để thích ứng với thiên nhiên là không chống lại thiên nhiên mà phải biết cách né tránh tác hại của thiên nhiên, lợi dụng tác động có lợi kể cả không thuận lợi để chung sống với tự nhiên một cách hòa bình.

Thảm họa biến đổi khí hậu đối với trái đất là khó tránh khỏi và chúng ta phải hiểu rõ nó để có thể né tránh tác hại và lợi dụng những gì nó mang lại như một nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, nước biển dâng làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ thực sự là một tai họa cho giống cây trồng không chịu được mặn. Tuy nhiên, nếu ta chọn được loại cây chịu được mặn thì sẽ không là thảm họa.

Tình trạng ngập sẽ ngày càng trầm trọng nếu không sớm có những giải pháp hữu hiệu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tình trạng ngập sẽ ngày càng trầm trọng nếu không sớm có những giải pháp hữu hiệu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thích ứng với biến đổi khí hậu tại TPHCM cũng nên ứng xử như vậy. Vấn đề sử dụng đất đai, quy hoạch TP nên thực hiện trên cơ sở quy hoạch tài nguyên môi trường. Đất TP, chỗ nào thích hợp xây nhà cao tầng, xây bao nhiêu tầng, phải được cân nhắc kỹ theo kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nếu TP cứ ồ ạt xây nhà cao tầng về phía Nam, phía biển như hiện nay là không ổn. Các công trình này không những chặn đường thoát nước của cả TP mà còn có nguy cơ bị ngập, bị hư hỏng rất cao khi nước biển dâng lên, tràn vào.

Xây dựng đô thị và khu công nghiệp phải luôn tính đến nguy cơ ngập lụt, ngập mặn, phải tính đến yếu tố ăn mòn hóa học và điện hóa do xâm nhập mặn và xì phèn do biến đổi khí hậu. Các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nước sạch, thoái hóa đất… cũng phải tính tới trong phát triển đô thị và các khu công nghiệp. Tuyệt đối không nên xây dựng đô thị ở vùng đã và sẽ ngập mặn nặng và trên đường đi của triều cường.

Chủ động xây dựng lại và bổ sung phương án chống ngập đô thị tổng thể, tránh tình trạng tủn mủn “nhà ngập thì nâng nền, đường ngập thì nâng đường” để mặc nơi khác ngập nặng hơn. TP nên tập trung xây dựng tiêu chí và thực hiện các công trình xây dựng xanh bền vững hiệu quả và thích hợp với điều kiện tự nhiên của TP.

Những tiêu chí này sẽ bao gồm những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, khu công nghiệp hay khu dân cư. TP cũng cần nghiên cứu, sử dụng các dạng năng lượng sạch như nắng mặt trời, gió… và nên có chương trình thực tập phòng chống bão, lốc, mưa đá…

Về lâu dài, TPHCM cần có một chiến lược dài hơi, một tầm nhìn dài hạn, một quyết tâm lớn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, nói như ông Christopher Bahuet, Phó Giám đốc Văn phòng UNDP tại Việt Nam: “Cần phải giải quyết ở 3 cấp độ: cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế.

Ở cấp độ cộng đồng, trong ngắn hạn cần có các hỗ trợ khẩn cấp thông qua hỗ trợ thiên tai, sau đó cần nâng cao năng lực thích ứng ở các vùng bị ảnh hưởng. Ở cấp độ chính sách, cần xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Các yếu tố thay đổi khí hậu cần được lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.

GS-TS Lê Huy Bá

Tin cùng chuyên mục