Chúng ta đều biết âm nhạc đến với mỗi con người suốt cuộc đời. Đặc biệt đây là nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng của tuổi nhỏ, nên trong Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước ta có ghi rõ “quyền ca hát của trẻ em”. Nếu quyền lợi này không được đáp ứng đầy đủ hoặc để thả nổi cho các em nhỏ tự do tìm đến những bài ca, bản nhạc không phù hợp với tâm sinh lý tuổi thơ, thậm chí đồi trụy độc hại thì đó sẽ là thái độ thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với những người chủ tương lai của đất nước.
Trong thời gian vừa qua, cả nước và TPHCM đã có những hoạt động nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động âm nhạc của trẻ em. Đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc dành cho tuổi thơ ra đời và một số bài đã lắng đọng lâu dài trong lòng các thế hệ thiếu nhi.
Các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, hãng băng đĩa… đã góp phần đưa các tác phẩm âm nhạc này đến với tuổi thơ.
Ở TPHCM, năm nào cũng có hội diễn ca múa nhạc khắp các quận huyện, qua đó lời ca, tiếng hát các em nhỏ có dịp bay cao, bay xa. Mấy năm qua, Đài Truyền hình TPHCM có sáng kiến mở các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi.
Gần đây, cuộc vận động sáng tác Tiếng hát ước mơ của đài đã tuyển chọn được một số ca khúc thiếu nhi hay nhất của 30 nhạc sĩ và dựng thành 5 chương trình với các chủ đề: Thế giới quanh em, Nắng ấm bên em, Điều em muốn nói, Ước mơ hoa, Lung linh sắc màu đang lần lượt giới thiệu trên màn ảnh nhỏ. Trong “Năm vì trẻ em 2011”, Trung tâm Văn hóa TPHCM phối hợp Hội Âm nhạc mở cuộc vận động sáng tác bài hát cho tuổi mới lớn và chọn được 12 bài để trao giải.
Tuy nhiên, dù có những cố gắng nhất định nhưng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động âm nhạc chính đáng của tuổi thơ vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Chúng ta từng gặp những trường hợp các em nhỏ ca hát những bài người lớn, với lối biểu diễn bắt chước các ca sĩ trên sân khấu, mất đi tính hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thiếu nhi.
Vì sao như vậy? Trước hết, do giới nhạc sĩ hiện nay ít mặn mà, say mê với việc sáng tác cho tuổi thơ. Nếu có sáng tác cũng không đầu tư nhiều công sức, tình cảm vào tác phẩm nên ngày càng thưa vắng những bài hát thiếu nhi hay, được trẻ em yêu thích và cả người lớn cũng ngưỡng mộ như những bài hát thiếu nhi cách nay vài ba chục năm về trước.
Các nhạc sĩ trẻ lại càng ít quan tâm đến nghĩa vụ đối với tuổi thơ, thật trái ngược với niềm đam mê cao độ của họ trong việc cho ra hàng loạt bài ca yêu đương ủy mị, ca từ dung tục đang hạ thấp giá trị tinh thần, giáo dục, mỹ học của âm nhạc.
Lứa tuổi thiếu nhi đang rất cần những bài hát hay, hợp với tâm sinh lý của các em, có giai điệu đẹp, kế thừa bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại. Cũng như các thể loại tác phẩm âm nhạc khác, bài hát thiếu nhi cũng phải mang tính giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nâng cao nhận thức về cuộc sống xung quanh, nâng cao mỹ cảm, làm tâm hồn phong phú.
Đem âm nhạc trong sáng, lành mạnh, tiến bộ đến với các em nhỏ trước hết là trách nhiệm của giới nhạc sĩ nhưng không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của các cơ quan, đoàn thể âm nhạc, nhà trường và gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và phổ biến âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Một nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng từng nêu ý kiến: “Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như trò chơi và chuyện cổ tích. Thiếu những cái đó, trẻ em chỉ còn là những bông hoa khô héo. Âm nhạc dẫn dắt trẻ em đi vào thế giới của điều thiện, tạo được sự đồng cảm và là một phương tiện bồi dưỡng năng lực sáng tạo của trí tuệ mà không một phương tiện nào sánh kịp. Thiếu giáo dục âm nhạc thì trí tuệ của trẻ em không thể phát triển một cách đầy đủ được…”.
Ý kiến trên đây đáng để cho chúng ta suy gẫm.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục