Ngày 27-12 tại TPHCM, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Bộ TN-MT tổ chức hội thảo chuyên đề về góp ý sửa đổi Luật Đất đai. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT và ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, chủ trì hội nghị.
“Trưng mua” thay vì thu hồi
Về phương thức đền bù cho người dân khi bị thu hồi đất, nhiều ý kiến cho rằng nên để 2 phương thức như hiện nay, đó là Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án công ích và nhà đầu tư tự thỏa thuận mua lại đất của dân.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, để tránh tình trạng một số địa phương “bắt tay” với nhà đầu tư cưỡng chế thu hồi đất của dân trong những dự án không thuộc diện Nhà nước cưỡng chế thu hồi thì nên thu hẹp đối tượng các dự án cần Nhà nước thu hồi. Các dự án thu hồi đất để xây dựng khu dân cư, chỉnh trang đô thị… nên để nhà đầu tư tự thỏa thuận mua đất với dân. Nhà nước chỉ nên thực hiện thu hồi đối với các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng…
Cùng quan điểm có 2 phương thức đền bù song ở góc độ đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lại cho rằng nếu không có sự hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước thì rất khó cho doanh nghiệp. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đền bù được 80% - 90% diện tích đất nhưng không thể triển khai dự án vì không thể giải tỏa được diện tích đất còn lại.
Cũng nói về thu hồi đất, TS Trần Du Lịch nêu ý kiến, trong Bộ luật Dân sự có nói đến quyền về tài sản của người dân. Người dân có quyền sử dụng đất với các nội dung như được chuyển nhượng, khai thác… Điều này có thể hiểu là quyền sử dụng đất là một tài sản của người dân.
Do vậy, nên xem xét đến cơ chế “trưng mua” quyền này của người dân khi Nhà nước thu hồi đất. TS Phạm Văn Võ, Trường Đại học Luật TPHCM, đặt vấn đề nên quan tâm đến nguồn gốc quyền sử dụng đất của người dân. Nhiều gia đình đã sử dụng đất qua nhiều thế hệ và khi Nhà nước (thay mặt toàn dân) xác lập quyền sở hữu đất đai, đâu có trả tiền cho người dân? Trong khi đó, nhiều người dân khi sử dụng đất đã đóng thuế - thực tế là đã trả tiền mua quyền sử dụng đất của Nhà nước, vì thế khi cần, Nhà nước nên “trưng mua” thay vì thu hồi.
Giá đất và quyền của người dân trong vùng quy hoạch
Cơ sở, phương pháp nào để xác định giá đất đền bù cho dân là nội dung được các đại biểu bàn luận khá sôi nổi. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khung giá tại bảng giá đất của TPHCM mấy năm qua không thay đổi, cao nhất vẫn 81 triệu đồng/m2 tại 3 tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi quận 1. Mức giá này rất thấp so với giá thị trường, bởi dự án Eden tại đường Đồng Khởi năm 2010 đã được bồi thường cao nhất đến 300 triệu đồng/m². Mới đây, một khu đất tại đường Đồng Khởi quận 1 vừa được giao dịch với giá lên đến 80 lượng vàng/m². “Tôi đề nghị Chính phủ không nên quy định khung giá tối đa mà để cho các tỉnh tự xác định, được xây dựng ổn định trong 5 năm mà áp dụng cho tất cả các mục đích thu của Nhà nước” - ông Châu góp ý.
Không đi vào chi tiết, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất phương thức tính giá đền bù bằng với giá thị trường. Nên có một hội đồng thẩm định giá có tư cách pháp nhân, độc lập với chính quyền để thẩm định giá đất. Hiện nay, Nhà nước vừa ban hành giá đất, vừa ra quyết định thu hồi đất và tiến hành cưỡng chế khi cần là không nên. Để tránh nạn đầu cơ làm tăng giá đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, TS Trần Du Lịch nêu kinh nghiệm của Singapore: Đền bù ở mức độ vừa phải cho người dân bị thu hồi đất. Tập trung nguồn lực chăm lo đời sống của những người này như đảm bảo nuôi con của họ đến khi trưởng thành, tạo điều kiện cho chính họ có việc làm… Đất không tăng giá sẽ hạn chế được nạn đầu cơ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín tâm tư về quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. Hiện nay về cơ bản trong các khu vực quy hoạch, quyền sử dụng đất của người dân được đảm bảo, người dân có thể tạm xây, sửa nhà… Thế nhưng, quyền này phải không sai với quy hoạch và trong thời hạn nhất định khi quy hoạch được thực hiện, người dân sẽ phải tháo dỡ công trình và không được nhận đền bù về công trình xây dựng… TPHCM đã bàn với Bộ Xây dựng nên xem xét lại quy định này nhưng Bộ Xây dựng vẫn giữ quan điểm chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân trong vùng quy hoạch.
Nếu chưa chắc vấn đề nào thì nên để lại xem xét kỹ hơn, đặc biệt là phương pháp xác định giá đất - nhiều đại biểu đã đề xuất như vậy với những người chủ trì hội thảo.
Nguyễn Khoa - Hạnh Nhung