Robocon mất dần sức hút

Tiếng chuông báo hiệu trận đấu bắt đầu. Robot tự động của đội LH-NI (Đại học Lạc Hồng) nhanh chóng áp sát vùng chung trên sân. Như một dây chuyền đã thiết kế sẵn, robot bằng tay và robot tự động của LH-NI phối hợp nhịp nhàng và liên tiếp ghi điểm. Phía đối diện, chú robot có phần xấu xí của BIG FIRE (Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) vẫn đứng như trời trồng. Sau chừng vài phút sửa chữa bất thành, các thành viên BIG FIRE ngậm ngùi đứng nhìn LH-NI tung hoành trên sàn đấu. Ôm robot vào một góc khuất của nhà thi đấu Rạch Miễu, đội trưởng BIG FIRE Phan Thanh Bình ngồi khóc ngon lành.
Robocon mất dần sức hút

Tiếng chuông báo hiệu trận đấu bắt đầu. Robot tự động của đội LH-NI (Đại học Lạc Hồng) nhanh chóng áp sát vùng chung trên sân. Như một dây chuyền đã thiết kế sẵn, robot bằng tay và robot tự động của LH-NI phối hợp nhịp nhàng và liên tiếp ghi điểm. Phía đối diện, chú robot có phần xấu xí của BIG FIRE (Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) vẫn đứng như trời trồng. Sau chừng vài phút sửa chữa bất thành, các thành viên BIG FIRE ngậm ngùi đứng nhìn LH-NI tung hoành trên sàn đấu. Ôm robot vào một góc khuất của nhà thi đấu Rạch Miễu, đội trưởng BIG FIRE Phan Thanh Bình ngồi khóc ngon lành.

  • Thời công nghệ lên ngôi

Chia sẻ với chúng tôi khi mắt vẫn còn đỏ hoe, Bình kể: “Lúc ở nhà, thử trên sân gạch thấy vẫn ngon lành nhưng lên sàn đấu lại giở chứng. Lần đầu tiên tham dự giải lớn nên tụi em không biết xử lý làm sao cả”. Không đầy 5 phút sau, đến lượt robot BKIT-FIBER (ĐH Bách khoa TPHCM) chập mạch điện, bốc khói đen trong lúc trận đấu diễn ra.

Sự can thiệp quá sâu và đầu tư kinh phí quá lớn của một số trường sẽ làm cuộc thi Robocon mất dần tính công bằng của một sân chơi dành cho sinh viên.

Sự can thiệp quá sâu và đầu tư kinh phí quá lớn của một số trường sẽ làm cuộc thi Robocon mất dần tính công bằng của một sân chơi dành cho sinh viên.

Anh Phan Đình Thế Duy, cựu thành viên của đội BKIT-4U, từng nhiều lần tham gia Robocon giải thích: “Trước đây chuyện trục trặc trong thi đấu là hiển nhiên thì vài năm trở lại đây, robot trục trặc chỉ là cách để phân biệt đâu là “amateur”, đâu là chuyên nghiệp, có đầu tư công nghệ hiện đại. Vào thời điểm những năm 2004 - 2005, ĐH Bách khoa TPHCM là nơi đầu tiên nghiên cứu ra hệ thống dò đường bằng công nghệ chụp xử lý ảnh. Đó là kết quả sáng tạo của sinh viên.

Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, đa phần các robot sử dụng các công nghệ cảm biến hay dò đường bằng hồng ngoại. Những sản phẩm này có bán sẵn trên thị trường và dĩ nhiên giá của nó không hề rẻ: 600 - 1.000 USD. Khi cuộc chơi nghiêng về công nghệ, ai mạnh đầu tư, người đó có công nghệ tiên tiến và robot tất yếu sẽ hoạt động ổn định”.

Và như là sự tất yếu, vòng loại Robobon 2012 khu vực phía Nam khép lại với chiến thắng tuyệt đối thuộc về Trường Đại học Lạc Hồng. Cả 12 suất của phía Nam tham dự vòng chung kết Robocon toàn quốc đều thuộc về các đội tuyển của trường này. Tuy nhiên, kết quả trên khiến nhiều người lo lắng liệu sân chơi Robocon có đang mất dần tính cạnh tranh và thu hẹp cơ hội cho những bạn trẻ đam mê robot, yêu thích sáng tạo tham gia.

  • Đâu rồi sân chơi sinh viên?

Công nghệ mới luôn đi đôi với mức đầu tư cao. Tham dự Robocon 2012, ĐH Lạc Hồng đầu tư hẳn sân tập hiện đại cùng nhiều trang thiết bị chế tạo, cũng như kinh phí hỗ trợ thêm cho sinh viên lên đến 2 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều trường kỹ thuật lớn tại TPHCM có mức đầu tư tương đối khiêm tốn. Đơn cử như một đơn vị có tiếng tăm là Đại học Bách khoa TPHCM, ngoài tiền sân bãi (85 triệu đồng), mức đầu tư còn lại dành cho các đội chỉ vào khoảng gần 30 triệu đồng. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có mức đầu tư tương tự dành cho 5 đội chơi tham dự giải năm nay.

Bên cạnh đó cũng có nhiều nhóm nhỏ do những sinh viên yêu thích robot, tự họp nhau lại, hùn tiền cùng tạo robot đi thi… Sự chênh lệch trong cách đầu tư dẫn đến tính công bằng trên sàn đấu và sức sáng tạo của sinh viên cũng giảm dần.

Là giám khảo cuộc thi Robocon trong nhiều năm, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu Công nghệ cao TPHCM nhận định: “Những năm gần đây, cuộc chơi đã thiên về việc sử dụng công nghệ để giải quyết yêu cầu của đề thi. Hơn nữa, trong nhiều năm liền các đề tài không có tính đột phá, từ đó dẫn đến sức hút từ sân chơi này giảm đáng kể, thể hiện qua số đội tham dự và lượng khán giả đến sân”.

Có thể nhận thấy, Robocon 2012 khu vực phía Nam chỉ có sự góp mặt của 52 đội tuyển đến từ 15 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, so với những năm trước đây giảm đi đáng kể (Robocon 2010 có sự tham gia của 86 đội tuyển và năm 2009 số đội lên đến 110 đội). Bên cạnh đó, những tên tuổi lớn như Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Trần Đại Nghĩa… hoặc giảm đội chơi hoặc đã vắng bóng trên sàn đấu.

Cuộc thi nào cũng vậy luôn có người thắng, kẻ thua. Robocon cũng không là ngoại lệ nhưng điều đáng chú ý đây còn là một sân chơi thú vị giúp sinh viên làm quen với việc sáng tạo, rèn kỹ năng làm việc nhóm... Đặc biệt, được tham gia sân chơi này từng là “giấc mơ” của không ít sinh viên đam mê kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc nhà trường can thiệp quá sâu, đầu tư kinh phí lớn kiểu “bao trọn gói” sẽ ảnh hưởng đến phong trào tham gia robocon bởi kết quả thi đấu không còn phản ánh đúng trình độ của sinh viên tham gia.

Vòng loại Robocon 2012 vừa khép lại đồng thời tại 3 khu vực phía Bắc, Trung - Tây Nguyên và phía Nam. Trong tổng số 34 đội tuyển sẽ tham dự Vòng chung kết Robocon 2012 (diễn ra tại Nhà thi đấu Quân khu 7 - TPHCM vào tháng 5 tới), Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Lạc Hồng chiếm 2/3 tổng số đội. Trong đó, Đại học Lạc Hồng độc tôn khu vực phía Nam khi chiếm trọn 12 suất tham dự vòng chung kết.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục