Thiên nhiên chẳng biết ưu ái hay khắc nghiệt với người miền Bắc. Năm nào cũng ban cho vài ba tháng rét buốt ruột gan. Với người no đủ thì ngày rét là dịp được trưng diện những áo, những quần, những khăn, những mũ. Với người nghèo làm việc ngoài trời thì đúng là một tai họa đọa đày.
Minh họa: P.S
Hà Nội sặc sỡ sắc màu nhất là vào những ngày trời bắt đầu trở rét. Đi trên những con phố vàng ửng lá bàng vẫn thấy thấp thoáng đâu đó màu hoa sữa trắng muốt nặng trĩu trên cành. Đã thấy thảm lá cây cơm nguội trải dày nôn nao đón gió trên con đường Yên Phụ. Bầu trời xám đục làm nền cho những gánh hoa rực rỡ len lỏi trong phố. Cho những áo quần mới tinh nếp gấp muôn màu muôn kiểu và đôi má thiếu nữ chợt hồng lên trong gió lạnh.
Mới chỉ vài chục năm trước thôi, Hà Nội chiến tranh mang gương mặt trầm buồn nhẫn nại mùa đông. Tất cả áo quần một màu cỏ úa, xanh và đen. Đàn ông với chiếc áo bông màu xanh sĩ lâm to sụ, chỉ qua một mùa là bạc phếch hai vai. Rất nhiều đàn ông mặc chiếc áo đại cán của sĩ quan quân đội thải ra cũng bạc màu không kém. Vài ông còn giữ được chiếc áo trấn thủ thời kháng chiến chống Pháp mặc bên trong, sai trẻ con buộc hộ dây vải bên sườn. Khăn quàng cổ phải khéo léo gấp chỗ rách vào bên trong. Quần kakipic-kê hai đầu gối có người đã phải cắt ống quay ngược ra đằng sau nối lại.
Đàn bà đội chiếc khăn vuông bằng sợi dệt buộc nút dưới cằm. Áo khoác hầu như không có. Áo len, sợi tự đan mặc trong áo sơ mi nhuộm xám chật căng. Vẫn có chỗ để kín đáo khoe ra một mảng len màu chiếc cổ áo. Quần lụa hoặc vải phíp đen cho cả bốn mùa. Bít tất nhọ nhem xỏ trong đôi dép cao su nặng trịch.
Trẻ con có gì mặc nấy. Áo sợi dệt kim Đông Xuân thay cho áo khoác. Bên trong nhồi những gì là tùy theo thời tiết. Sợi len tháo từ áo người lớn ra đan lại. Nối chằng chịt bên trong như áo lông cừu. Len cũ xỉn màu pha vào nhau lốm đốm như dây mực. Đùa nghịch kéo áo nhau rách cả mảng như bù nhìn canh ruộng đậu.
Nhưng không phải lúc ấy không có mốt quần áo. Dù chỉ mặc một vài ngày trong năm nhưng đám thanh niên đứa nào cũng có một bộ mùa đông theo mốt. Tết năm 1973 Hà Nội có mốt áo blu-dông màu đen bằng vải vi-ni-lon ướt nhập khẩu. Áo thẳng như chiếc ống dài trùm qua mông có hai túi đắp. Hàng khuy bấm mạ kền sáng lóe trước ngực. Nam thanh nữ tú lượn quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vào ban đêm trông như dàn đồng ca của một giáo đoàn nào đó vừa tan hội. Rất khó để nhận ra người quen trong những cái “ống đen” thẳng đuột ấy.
Sau ngày hòa bình, Hà Nội lại quay về với nếp sinh hoạt thời trang sôi động của một thành phố lớn. Các anh chị đi lao động xuất khẩu Đông Âu ồ ạt mang về phổ biến những mốt mới nhất ở vùng họ làm việc. Chiếc áo khoác Đức có lớp lông hóa học lót bên trong nhanh chóng trở thành mốt không thể thiếu của thanh niên Hà Nội, dù mua được nó phải mất gần chỉ vàng cũng cố mà dành dụm sắm cho bằng được. Cơn lốc thời trang Đông Âu lắng xuống vào quãng 1995 với những chiếc áo lông trắng muốt kiểu “Nữ hoàng Nga” kèm theo mũ nồi đỏ. Còn vài cụ bà bây giờ trên dưới 60 tuổi vẫn giữ nó nhưng chẳng bao giờ thấy đem ra mặc. Con cháu tôn trọng kỷ niệm của các cụ cũng không đứa nào dám mượn.
Giờ thì Hà Nội theo trào lưu thời trang thế giới cũng giống như các thành phố lớn khác trên cả nước. Không kể giới showbiz thì thanh niên thông thường cũng có rất nhiều lựa chọn cho thời trang của mình. Thật ngạc nhiên là khá nhiều hãng dệt may trong nước dần phá sản nhưng áo quần lại nhiều hơn bao giờ hết. Và người Hà Nội giờ cũng không còn khái niệm gì nhiều về một mốt nào đó phổ cập cho toàn thành phố. Người ta chọn cho mình những sắc màu và kiểu cách riêng biệt: Chói chang đỏ và thình lình xanh; thùng thình gió và bó sát thân mình. Thành phố Hà Nội sáng bừng lên sắc áo khi những đợt gió mùa đầu tiên kéo về. Niềm hạnh phúc đó không phải thành phố Việt Nam nào cũng có được.
ĐỖ PHẤN