Bình luận chủ nhật

“Sài Gòn nhật thực” – Cầu nối lỗi nhịp

Những cảm xúc đẹp, tự hào và trân trọng về bộ phim võ thuật lịch sử “Dòng máu anh hùng” chưa lắng dịu, màn bạc bỗng lại ồn ã với sự chào đời của “Sài Gòn nhật thực”. Những phản hồi đồng loạt dậy sóng trên các diễn đàn. Nhẹ nhàng, châm chước thì chỉ nói đến kịch bản có nhiều tình tiết nực cười, xa rời hiện thực, thiếu hiểu biết về đời sống tinh thần của người Việt, sa đà miêu tả những mảng tối, “nhật thực” mà thực ra ở xã hội nào cũng có. Nặng nề, gay gắt hơn thì chỉ trích “Sài Gòn nhật thực” như sự bôi nhọ, xúc phạm đất nước, con người, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam.

Không thể né tránh, một số hiện tượng mà phim đề cập là có thực và cũng chẳng xa lạ với chúng ta. Đây đó có thể thấy trong xã hội đã có những đường dây buôn bán phụ nữ, vẫn có một số ít cô gái ước ao lấy chồng nước ngoài vì toan tính mưu sinh… Nhưng số người bị đồng tiền thao túng và làm những điều thiếu tự trọng ấy chỉ là một bộ phận nhỏ nhoi, một mảng tối đang bị lên án, bị tẩy trừ khỏi một xã hội đang trên đà đổi mới, đang chung sức vươn tới những điều tốt đẹp.

Mảng đề tài gai góc, khá nhạy cảm mà phim đề cập đòi hỏi người làm nghệ thuật sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, xã hội Việt Nam. Nhưng thật đáng tiếc, xem “Sài Gòn nhật thực”, khán giả dễ nhận thấy đòi hỏi đó không được đáp ứng. Câu chuyện quen đấy, nhưng từ kịch bản đến cách xử lý đạo diễn có nhiều tình tiết gượng ép, khiên cưỡng, thậm chí ngô nghê thể hiện một góc nhìn quá xa lạ, một cảm nhận chủ quan, có phần phiến diện, thiếu thấu đáo về quê hương xứ sở.

Phác họa một bức tranh xã hội quá thiên về sắc màu u tối, dị thường, sao tránh khỏi sự tổn thương, bất bình trong khán giả và phản ứng của công luận… Ngay cả về ngôn ngữ đối thoại, song ngữ là con đường để đến với đông đảo khán giả trong và ngoài nước, nhưng việc pha trộn ngôn ngữ đối thoại, “tung” tiếng Anh một cách tùy tiện, vô lối thì chẳng nên chút nào. Bộ phim có thể gặt hái được doanh thu cao nhưng sự bất đồng, thiếu thiện cảm của công chúng là lẽ đương nhiên.

Tất cả sẽ không xảy ra nếu có những lời cảnh báo, tư vấn tỉnh táo và công tâm. Tiếc cho công sức và tấm lòng của người làm nghệ thuật. Từ những ý tưởng ban đầu, thai nghén tác phẩm và tháng ngày “mang nặng đẻ đau” nhưng kết quả là ra đời một đứa con tinh thần không hoàn hảo, không xứng với sự mong đợi. Những bất thường đó cũng sẽ khó xảy ra nếu như trong quá trình làm phim có sự hợp tác chặt chẽ, tư vấn, góp ý và sâu sát của phía đối tác Việt Nam - những nhà hoạt động nghệ thuật vốn am tường về xứ sở quê hương mình, họ được ví như những “cầu nối văn hóa” dẫn đến sự giao lưu, cộng hưởng giữa các nền văn hóa.

“Bắc cầu” là một chuyện, nhưng liệu có đi qua được chiếc cầu ấy, để chinh phục được khán giả hay không lại là chuyện khác. Cầu nối lỗi nhịp, gãy đỗ sẽ gây ra tai nạn, tai họa. Hợp tác, liên kết là một quá trình chủ động, tích cực, đòi hỏi sự cẩn trọng và bản lĩnh. Trong hợp tác rất cần tránh tự ti, mặc cảm, tâm lý vọng ngoại để bị cuốn đi một cách thụ động và mờ nhạt. “Sài Gòn nhật thực” âu cũng là bài học phải trả giá đắt cho những người làm phim trong nước khi làm việc với đối tác nước ngoài.

Trần Bạch Tuyết

Tin cùng chuyên mục