Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Sai phạm trong quản lý, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm

Ngày 30-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 6 với các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc là 3 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong ngày hôm qua.
Sai phạm trong quản lý, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm

Ngày 30-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 6 với các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc là 3 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong ngày hôm qua.

  • “Giá cước viễn thông luôn được tính toán cho phù hợp”

Trong 4 nhóm nội dung (mở cửa thị trường, thúc đẩy cạnh tranh, chống độc quyền; về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông; vấn đề thanh tra Tổng Công ty BCVT Việt Nam (VNPT) và cuối cùng là trách nhiệm của bộ trưởng và vai trò quản lý nhà nước của Bộ BCVT trong thời gian qua) mà ông Đỗ Trung Tá giải trình trước Quốc hội, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến phần trả lời liên quan đến giá cước dịch vụ BCVT và trách nhiệm của bộ trưởng trong các sai phạm tại VNPT.

Sai phạm trong quản lý, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông Đỗ Trung Tá.

Giá cước dịch vụ BCVT tại Việt Nam hiện nay, theo ông Tá, được hình thành trên cơ sở giá thành của các sản phẩm và dịch vụ; bảo đảm cho các doanh nghiệp bù đắp được chi phí, có lãi hợp lý và làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng thanh toán của người tiêu dùng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.

Trên tinh thần đó, từ năm 1997 đến năm 2002, giá cước từng loại dịch vụ viễn thông đã được xây dựng trên cơ sở phương án giá thành cùng với việc cân đối bù trừ với giá cước các dịch vụ mang tính công ích, phổ cập như điện thoại nội hạt; bưu chính; phát hành báo chí, thông tin cho các vùng sâu… và do nhà nước định giá.

Do vậy, VNPT không được xây dựng giá cước mà chỉ thực hiện lộ trình giảm giá cước mà thôi. Cũng theo ông Tá, VNPT đã nỗ lực hết sức để giảm giá cước viễn thông.

Trong 9 năm qua (từ 1995 đến 1-4-2003), VNPT đã 8 lần giảm giá cước di động, 1 lần giảm giá cước nội hạt và đường dài, 10 lần giảm cước quốc tế. Sau những lần giảm giá ấy, mức cước hiện đã giảm từ 10% đến 40%.

Nói về giá cả của dịch vụ viễn thông hiện nay, ông Tá cho rằng như vậy là phù hợp. Ông lý giải: Bên cạnh các dịch vụ hiện hữu chất lượng cao như điện thoại tiêu chuẩn IDD có giá cao khoảng 0,65USD/phút, mấy năm gần đây, ngành BCVT đã mở thêm nhiều loại hình dịch vụ khác với giá rẻ và chất lượng tương đối như điện thoại sử dụng công nghệ Internet như VoIP, IP Telephony… gọi ra quốc tế chỉ còn 400 đến 1.500đồng/phút.
 
Không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) thắc mắc vì sao VNPT không xây dựng phương án giá mới mà chỉ thực hiện lộ trình giảm giá trong khi theo nhận định chung, giá cước viễn thông của Việt Nam vẫn còn quá cao.

Theo ông Tá, đây là một phần trong chiến lược tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các đơn vị kinh doanh viễn thông theo hướng vẫn giữ được doanh nghiệp chủ lực đồng thời đảm bảo được sự tồn tại của các doanh nghiệp khác của Bộ BCVT.

“Nếu xây dựng phương án giá mới theo hướng giảm giá ngay thời điểm này, các công ty điện thoại khác vừa ra đời với thị phần nhỏ hẹp, vốn liếng ít sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh với VNPT, một doanh nghiệp đã có thị phần rộng lớn. Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng phương án giá mới khi các doanh nghiệp viễn thông khác chiếm được 30% - 40% thị phần”.

  • Sai phạm ở VNPT: “Tôi không hề cố ý hay vụ lợi!”

“Xin khẳng định rằng tôi không hề có sự cố ý hay vụ lợi cá nhân nào ở vị trí chủ tịch HĐQT để làm áp lực lên các quyết định tập thể của VNPT, gây thiệt hại đến lợi ích của nhân dân, uy tín và truyền thống của ngành”. Giải trình về trách nhiệm của mình trong các sai phạm tại VNPT thời gian qua, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đã nói như vậy.

Ông cũng cho rằng ông đã có khuyết điểm và sẽ nghiêm túc chịu trách nhiệm cùng với HĐQT VNPT qua các thời kỳ về việc đã để xảy ra những sai sót như thực hiện không đúng một số trình tự theo quy chế đấu thầu và một số chế độ hạch toán cũng như việc quản lý vốn còn kém hiệu quả trong thời gian qua tại VNPT như kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ trưởng nói không có vụ lợi cá nhân trong các sai phạm tại VNPT thời gian qua, vậy bộ trưởng giải thích thế nào về việc bộ dành một gói thầu cho người nhà bộ trưởng?” Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn. Ông Tá cho rằng việc HĐQT VNPT mà ông là chủ tịch phê duyệt tờ trình của Tổng Giám đốc VNPT, theo đó, tổng giám đốc ghép nhiệm vụ kế hoạch năm giao cho CDIT (một đơn vị sự nghiệp có thu nằm trong Học viện Công nghệ BCVT thuộc VNPT do con rể của Bộ trưởng Tá làm giám đốc - PV) triển khai miễn phí các phần mềm vào Dự án Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của 17 bưu điện tỉnh thành là có khuyết điểm của ông. “Tôi thực sự có bài học kinh nghiệm từ đây để tránh sự hiểu nhầm giữa thực thi công việc với quan hệ gia đình”.

Nói về trách nhiệm của ông Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu: “Nếu chất vấn, tôi sẽ hỏi đồng chí Bộâ trưởng Bộ BCVT là những sai phạm ở VNPT vừa qua đồng chí có biết không, nếu biết, đã xử lý trường hợp nào chưa, xử lý tới đâu và vì sao lại để có sai phạm?

Vấn đề ở các phiên chất vấn là làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng trong lĩnh vực họ phụ trách. Đừng nói tới việc có hay không có tiêu cực ở đây. Bởi nếu xác định được có tiêu cực, có lẽ Quốc hội chẳng cần phải bàn vì đã có luật pháp giải quyết. Tôi cho rằng với tư cách bộ trưởng bộ chủ quản một TCT có nhiều sai phạm, Bộ trưởng Bộ BCVT là người phải chịu tránh nhiệm lớn đấy”.

  • Vấn đề gì xảy ra cũng đều có trách nhiệm của quản lý nhà nước
Sai phạm trong quản lý, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải.

“Bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng đều có trách nhiệm của quản lý nhà nước” – Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã thừa nhận như vậy khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về nguyên nhân chậm trễ trong việc đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và lý do phải dừng dự án bột giấy Kon Tum.

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cho biết: được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD theo hình thức tự đầu tư, nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nên dự án này phải liên doanh với Liên bang Nga.

Tuy nhiên, do tỷ lệ vốn góp 50/50 nên liên doanh này nảy sinh mâu thuẫn trong các quyết định và cơ cấu công nghệ sản phẩm… “Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của nhà máy gồm 9 loại, trong đó có xăng A83 đến nay thị trường đã không còn dùng, sản phẩm diesel công nghiệp cũng tiêu thụ hạn chế, làm cho dự án không khả thi về mặt công nghệ.

Vì thế liên doanh trên đã phải giải thể” - Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nói. Từ tháng 2-2003 đến nay, dự án này đã chuyển hướng triển khai theo hướng Việt Nam tự đầu tư. Và do điều chỉnh về mặt tiến độ, dự án sẽ dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2008.

Tỏ ra rất buồn vì sự chậm trễ này, đại biểu Vũ Trọng Kim ví von: “Vì chưa có nhà máy lọc dầu, chúng ta đang phải bán dầu thô như nông dân bán lúa non”. Còn đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) chất vấn: “Trong vấn đề này và cả sự chậm trễ của một số công trình trọng điểm khác như Cụm khí – điện – đạm Cà Mau…, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải trả lời: “Trách nhiệm trước hết là ở chủ đầu tư điều hành dự án không tốt. Còn trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công nghiệp đã không làm tốt công tác chỉ đạo, giám sát”. Tương tự như vậy, trả lời đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn về việc Công ty Dệt Long An phải giải thể, lòng hồ Trị An bị “xâu xé”, dự án Nhà máy Bột giấy Kon Tum không có tính khả thi, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải khẳng định trong những vấn đề này có trách nhiệm của quản lý nhà nước: “Tôi xin nhận trách nhiệm với Quốc hội đã không chỉ đạo sát sao chủ đầu tư các dự án”.

Về việc phải dừng dự án Nhà máy Bột giấy Kon Tum, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nhận rằng, Bộ Công nghiệp cũng có trách nhiệm khi chưa chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị, triển khai dự án”. “Bộ trưởng nói thế đơn giản quá, phải làm rõ trách nhiệm, làm rõ lãng phí ở đây là bao nhiêu?” – đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn bức xúc.
 

Về sai phạm ở Seaprodex, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc: Vị trí càng cao xử lý càng nghiêm 

Cuối giờ chiều 30-11, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã có báo cáo trả lời các câu hỏi chất vấn gửi trước của một số đại biểu Quốc hội về những vấn đề nổi cộm của ngành trong thời gian qua.

Trả lời đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang), Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) hỏi về sai phạm tại Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), trách nhiệm và cách xử lý, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho biết: Từ khi được thành lập, Seaprodex đã cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp thành viên làm ăn có lãi, bảo đảm nộp ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên trong hoạt động, Seaprodex cũng để bộc lộ những tồn tại yếu kém, trong đó trầm trọng nhất là tồn tại về tài chính và quản lý vốn nhà nước. Trong 3 năm từ 2001 đến 2003, TCT không hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản bộ giao mặc dù đây là TCT nhà nước với nhiệm vụ chủ yếu là xuất nhập khẩu thủy sản. Một phần trong các tồn tại về tài chính cũng phát sinh do kém hiệu quả của một số công trình xây dựng và mua sắm...

Trả lời về trách nhiệm của Bộ Thủy sản và xử lý sai phạm nêu trên, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nói: “Đối với cán bộ TCT có sai phạm, đã xem xét kỷ luật nghiêm minh với tinh thần càng trực tiếp với các sai phạm, càng ở vị trí cao hơn phải càng nghiêm minh hơn, bảo đảm quy trình thủ tục trong việc xử lý cán bộ sai phạm cũng như quy trình xử lý sau kết luận của thanh tra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi có kết luận thanh tra.

Bộ Thủy sản cũng đang có kế hoạch cùng Bộ Tài chính xử lý các tồn tại và hậu quả sai phạm về tài chính của TCT theo quy định pháp luật”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Lợi và Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) về sai sót trong đầu tư xây dựng các cảng cá, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc giải trình chi tiết về khuyết điểm sai phạm tại cảng cá Trần Đề và Cà Mau. Đối với cảng cá Trần Đề, cuối năm 2002 đã cơ bản hoàn thành phần cơ sở hạ tầng cảng cá nhưng đã có hai sai sót.

Một là sai sót về cao trình cầu cảng trong thiết kế (Công ty Tư vấn xây dựng công trình thủy 1 - Bộ GTVT) dẫn đến mỗi năm cầu cảng bị ngập nước từ 12-18 giờ. Hai là sai sót về chất lượng công trình do đơn vị thi công (TCT Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng) không đảm bảo kỹ thuật khiến trạm điện bị nứt tường, nhà làm việc bị thấm nước, đường nội bộ dọc tuyến bị lún... Đối với cảng cá Cà Mau, việc chọn địa điểm, xác định quy mô đầu tư xây dựng đã được Bộ Thủy sản cùng các bộ ngành và UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) quyết định.

Tuy nhiên khi đưa vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập nên bộ phải buộc chỉ đạo nghiên cứu chuyển đổi hình thức sử dụng sang kết hợp làm chợ đầu mối. Bộ trưởng Ngọc kết luận: “Hiện nay các cảng cá đã nộp báo cáo quyết toán sau khi có kết luận thanh tra. Bộ Thủy sản sẽ nghiên cứu các kết luận của Thanh tra Chính phủ để xử lý các hạng mục phát sinh tăng giảm, loại bỏ các khối lượng nghiệm thu không đúng”.

Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc còn giải trình về vấn đề giá cá tra và cá ba sa; vấn đề khắc phục rủi ro, phát triển nuôi trồng thủy sản...
 

QUÂN - NHẬT – GIANG
 

Đại biểu Quốc hội đánh giá về trả lời chất vấn
Đại biểu NGUYỄN LÂN DŨNG (Đắc Nông):
Tôi tiếp tục chờ đợi bộ trưởng thực hiện lời hứa…

Tôi chưa hài lòng lắm, bởi về thành tích, bộ trưởng nói hơi nhiều. Cái băn khoăn nhiều là về khuyết điểm, lẽ ra bộ trưởng cần phân tích kỹ hơn về trách nhiệm quản lý của mình đã để cho cán bộ dưới quyền có những thiếu sót đó. Tất nhiên, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đã hứa, những điều chưa giải trình được sẽ tiếp tục làm sáng tỏ. Tôi sẽ tiếp tục chờ đợi để xem các bộ trưởng thực hiện những lời hứa này thế nào.

Đại biểu ĐỖ TRỌNG NGOẠN (Bắc Giang):
Trách nhiệm không thể chung chung

Tôi chưa hài lòng với phần trả lời về Nhà máy Bột giấy Kon Tum của Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Tôi đã lên Kon Tum và thấy người dân mừng ghê lắm. Nhưng khi tôi ra Hà Nội được mấy ngày thì thấy cử tri điện thoại báo, dự án đã phải dừng lại. Trong khi đó, họ đã trồng 16.000 ha rừng nguyên liệu, chi vào đó trên 200 tỷ đồng. Vì thế, trách nhiệm không thể chung chung như bộ trưởng nói, mà phải làm rõ trách nhiệm hơn nữa. Ở đó đã cử 300 người đi học, giờ về không có việc làm, ai giải quyết cho họ? Rồi cả vụ “tham nhũng đất” ở lòng hồ Trị An, cũng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực và Bộ Công nghiệp trong việc quản lý.

Tin cùng chuyên mục