Saigon Co.op lên phương án hỗ trợ tiêu thụ vải thiều

Để có thể vừa giúp người nông dân trồng vải thiều, vừa mang trái vải chất lượng, giá tốt đến tay người tiêu dùng trên cả nước, nhà bán lẻ Saigon Co.op dự kiến đưa vải thiều vào gần 1.000 điểm bán, với sản lượng tăng 20% so với cùng kỳ.
Saigon Co.op lên phương án hỗ trợ tiêu thụ vải thiều

Về nguồn cung vải thiều, theo Saigon Co.op, vải được cung cấp từ vùng nguyên liệu vải thiều chính gốc Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) và một số ít từ Hải Phòng. Tất cả sản phẩm trái vải được kinh doanh tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đều đạt chuẩn VietGAP.

Năm 2020, ngoài hệ thống phân phối quen thuộc với thị trường và người tiêu dùng cả nước như chuỗi Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…, vải thiều còn được kinh doanh tại hệ thống siêu thị cao cấp Finelife - thương hiệu bán lẻ mới của Saigon Co.op được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019. Bên cạnh đó, kênh bán hàng online của Saigon Co.op, gồm kênh truyền hình HTV Co.op và ứng dụng bán hàng qua điện thoại, cũng đã sẵn sàng để đưa mặt hàng nông sản này đến tận tay người tiêu dùng chỉ bằng những thao tác đơn giản trên thiết bị di động.

Theo nhà bán lẻ này, không dừng lại ở sản phẩm vải thiều tươi, Saigon Co.op cũng tiêu thụ sản phẩm là chế phẩm từ trái vải. Vải tươi đóng hộp có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng thời gian dài, hiện đang được kinh doanh trên toàn hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ này với giá trung bình khoảng 40.000 đồng/lon. Để hỗ trợ tiêu thụ cho trái vải tốt nhất, Saigon Co.op sẽ tổ chức các chương trình khuyến mãi, giới thiệu vải thiều trên toàn bộ hệ thống phân phối; phối hợp với một số cơ quan truyền thông thực hiện các chương trình kích cầu nông sản Việt… Ngoài ra, tận dụng lợi thế liên kết qua mạng lưới hợp tác xã trên thế giới, năm nay Saigon Co.op tiếp tục đưa vải thiều xuất khẩu qua Singapore và Nhật Bản, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản “thương hiệu Việt” có mặt trên thị trường quốc tế.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, năm 2020 dự kiến sản lượng thu hoạch vải của những địa phương này đều tăng. Trong đó, tỉnh Bắc Giang ước đạt tổng sản lượng khoảng 160.000 tấn và tỉnh Hải Dương ước đạt 45.000 tấn. Với sản lượng như trên, mặc dù việc thông đường xuất khẩu cho trái vải đã được các bộ ngành lên kế hoạch, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sẽ có nhiều gian nan. Chính vì thế, sự hỗ trợ của các kênh phân phối trên cả nước được đánh giá cao, góp phần tạo ổn định đầu ra cho trái vải.

Tin cùng chuyên mục