Hồi đó, cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ 20, ngành phát thanh và truyền hình trực thuộc Ủy ban Phát thanh và truyền hình. Có thể nói, Đài Phát thanh là người anh cả của ngành phát thanh và truyền hình Việt Nam. Ở TPHCM, Đài Phát thanh ở số 7, Đài Truyền hình ở số 9 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ phát thanh viên, xướng ngôn viên, phóng viên và đặc biệt ở Ban Văn nghệ, gồm những văn nghệ sĩ gần như hoạt động chung cho cả hai đài, gồm: nhà văn Lê Khánh Căn, Lê Điệp, Trần Nguyên Vấn, Lê Xuân Đố, Lưu Trọng Văn, Đỗ Nam Cao, Hà Cận, Nguyễn Văn Đồng; nhạc sĩ Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Hoàng Mãnh, Dương Hương Bang, Lê Vũ Phú, Trần Hữu Bích; soạn giả Trần Nam Dân, Văn Hồng Cẩm, Hồ Sĩ Bảng, Thanh Sử, Thanh Mộng, Minh Thùy; ca sĩ Ngọc Báu, Trung Dũng, Trần Thị Tuyết, Lài Tâm, Hoài Phương…
Chúng tôi quen biết nhau từ hồi đó!
Nhiều lần về Vũng Tàu thăm mẹ, gặp Huỳnh Minh Nhị về Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu thăm quê. Xe đò đi cả ngày đường, chúng tôi thành thân thiết. Mẹ tôi mất, phần mộ nằm ở Vũng Tàu. Anh Nhị nói: Dân Nam bộ có cái lạ và hay là phần mộ ở đâu là quê hương ở đó. Cụ Đồ Chiểu là người Gia Định (nay thuộc TPHCM), mộ phần ở Bến Tre, nhân dân coi cụ là người Bến Tre. Cụ Cao Văn Lầu quê ở Long An, mộ phần ở Bạc Liêu, người dân coi cụ là người Bạc Liêu.
Tôi hiểu anh Huỳnh Minh Nhị nói thế là để chia buồn và động viên. Đó cũng là cái đáng quý của anh. Cẩn thận, hào hiệp, nghĩa tình.
Anh Huỳnh Minh Nhị là một nghệ sĩ từ trong máu. Anh mê sân khấu, mê cải lương. Tham gia kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, được cử đi học ngành hóa sinh tại Liên Xô, cái máu mê sân khấu, mê cải lương cứ theo đuổi, đeo đẳng, day dứt lòng anh. Sau năm 1979, anh Huỳnh Minh Nhị về Đài Truyền hình TPHCM, làm Trưởng ban Văn nghệ, đồng thời anh… nhảy sang làm chủ nhiệm CLB Sân khấu thể nghiệm rồi giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Có thể khẳng định với tâm huyết, lòng say mê của mình, anh Nhị đã để lại dấu ấn sâu đậm về mặt quản lý, tổ chức và dàn dựng nghệ thuật. Để tạo được sự thành công, cần có một tập thể mạnh và đoàn kết.
Cùng với Ban Chấp hành Hội Sân khấu TPHCM, cùng với Lê Duy Hạnh, Văn Thành… anh tập hợp nghệ sĩ trẻ gầy dựng nên một điểm sáng văn hóa, một địa chỉ vàng - Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Những đợt liên hoan sân khấu nhỏ thật vui vẻ, nồng ấm. Sau thời Hà Kiều, tôi được phân công theo dõi mảng sân khấu đúng thời Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thể nghiệm và hoạt động sôi nổi. Hàng ngày, hàng đêm chúng tôi có mặt tại 5B Võ Văn Tần cùng Thành Lộc, Thanh Hoàng, Việt Anh, Thanh Thủy, Hồng Vân… Đây là lớp nghệ sĩ trẻ sau này đã thành danh từ Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Bên cạnh đó, anh Huỳnh Minh Nhị còn chú ý tới lớp nghệ sĩ gạo cội, nhất là các nghệ sĩ cải lương như Bạch Tuyết, Minh Vương, Thanh Sang, Lệ Thủy... Anh có sáng kiến thực hiện những chương trình hoành tráng, hấp dẫn. Ấy là chương trình Vầng trăng cổ nhạc và Dưới ánh đèn sân khấu - một hình thức tích cực và có hiệu quả của công tác xã hội hóa sân khấu, trong tiến trình xã hội hóa văn hóa nghệ thuật. Anh Huỳnh Minh Nhị còn là tác giả của nhiều bài vọng cổ, hàng chục vở diễn để đời như Tìm lại đứa con, Chiều sâu lòng đất, Đôi tay vàng, Bến nước tình yêu,, Bông vạn thọ, Ai giết nàng Kiều, Tình ca biên giới, Bão táp Nguyên Phong (viết chung tác giả khác)…
Chúng tôi nhớ một soạn giả Huỳnh Minh Nhị tâm huyết với nghề, hay cười với bạn. Chúng tôi vẫn thường nói, rằng người có miệng cười vui, phải sống lâu lắm!
Ấy vậy mà anh đã ra đi để lại một cuộc đời, một sân khấu… ở cái tuổi 73!
VŨ ÂN THY